Dân Việt

Trồng "vàng đen" sạch - dễ bán, giá lại cao gấp 6 lần

Lê Kiến 19/02/2019 06:40 GMT+7
Hàng nghìn hộ nông dân ở Tây Nguyên đón tết khá ảm đạm vì giá hồ tiêu “rơi xuống đáy” và dịch bệnh chết tràn lan. Nhiều người đã quay lưng với “cây vàng đen”, nhưng có nhiều nơi nông dân đã tự mở ra hướng đi mới: Sản xuất hồ tiêu theo hướng hữu cơ bền vững.

Chuyển từ vô cơ sang hữu cơ

Trái với hình ảnh nhiều vườn tiêu ở huyện Chư Pứh, Chư Sê… ngả màu vàng úa, trụ chỏng chơ thì nhiều vườn hồ tiêu ở Nam Yang vẫn xanh tốt. Theo nhiều nông dân ở đây, cây hồ tiêu xanh tốt, ít bệnh là nhờ bà con sớm chuyển đổi từ lạm dụng thuốc hóa học, phân bón vô cơ sang sản xuất sạch theo hướng hữu cơ bền vững.

Tại xã Nam Yang, người dân đã bắt đầu xây dựng nhiều mô hình hợp tác xã, tổ liên kết cùng sản xuất hồ tiêu sạch lấy thương hiệu Nam Yang.

img

Vườn tiêu hữu cơ xanh tốt của anh Ngô Văn Tiên ở Nam Yang. Ảnh: P.V

"Sản xuất hữu cơ bền vững, bán được giá cao là điều chắc chắn. Thực tế từ năm 2017, tôi cùng Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam đi khảo sát tại một HTX ở Campuchia, hồ tiêu đạt chứng nhận tiêu chuẩn quốc tế về hữu cơ đã bán được giá 14,5 USD, trong khi tiêu thường được bán giá 4 USD”.

Ông Hoàng Phước Bính -
Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê

Anh Ngô Văn Tiên – Tổ trưởng Tổ liên kết sản xuất kinh doanh hồ tiêu sạch bền vững xã Nam Yang cho biết, tổ sản xuất hồ tiêu của anh đã có gần 70 hộ tham gia, mọi gia đình đều cam kết sản xuất tiêu sạch để bán được giá cao trên thị trường. Hiện tại tổ đã có 36 hộ được cấp chứng nhận VietGAP…

Để chủ động đầu ra, tổ sản xuất đã liên hệ với nhiều doanh nghiệp kinh doanh nông sản xuất khẩu để bán được giá cao hơn giá thị trường.

“Hoạt động của Tổ là liên kết bà con nông dân với nhau, cùng chia sẻ những kinh nghiệm và cách làm hay trong quá trình chăm sóc cây theo hướng hữu cơ bền vững. Theo đó nông dân tự liên kết với doanh nghiệp cung ứng về kỹ thuật, phân bón hữu cơ vi sinh để có giá thành đầu vào ở mức thấp nhất. Nếu sản xuất theo hướng hữu cơ, giá trị sản phẩm bán ít nhất gấp đôi so với giá bình thường”- anh Tiên nói.

Để bán được giá cao, nhiều nông dân còn tự mày mò, tự đóng gói bán theo đơn đặt hàng như anh Trần Quang Sơn (ở thôn 1, xã Nam Yang) là một điển hình. Anh Sơn có hơn 2.000 trụ tiêu sạch, cho lãi ròng trên 1 tỷ đồng mỗi năm. Mấu chốt ở chỗ, anh tự sáng chế ra máy sấy tiêu giúp hạt tiêu giữ được màu sắc, mùi vị thơm đặc trưng và đóng gói bán, nên bán được với giá từ 100.000 - 300.000 đồng/kg.

Cùng chia sẻ về giải pháp trồng tiêu hữu cơ, anh Nguyễn Tấn Công – Giám đốc HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Nam Yang cho biết: “Ban đầu vận động người dân vào HTX rất khó, bởi bà con e ngại không biết vào sẽ làm ăn kiểu gì, có góp tài sản không. Nhưng sau một thời gian đi vào hoạt động, sản xuất theo hướng hữu cơ hiệu quả nên nhiều hộ xin vào, lúc bán giá cả tăng gấp 1,5 - 2 lần giá bình thường khiến bà con rất hào hứng. Cái khó của sản xuất hữu cơ là bà con đang thiếu cái quy trình chuẩn”.

Mở nút thắt lớn nhất của nông dân

Về mô hình này, ông Hoàng Phước Bính - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê khẳng định: “Sản xuất hữu cơ bền vững, bán được giá cao là điều chắc chắn. Thực tế từ năm 2017, tôi cùng Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam đi khảo sát tại một HTX ở Campuchia, hồ tiêu đạt chứng nhận tiêu chuẩn quốc tế về hữu cơ đã bán được giá 14,5 USD, trong khi tiêu thường được bán giá 4 USD.

Như vậy mới thấy, giá bán tiêu thường so với tiêu được chứng nhận có giá chênh lệch rất lớn. Theo tôi, có 2 cách để bán được giá cao: Thứ nhất là nông dân thông qua doanh nghiệp để làm chứng nhận đạt chuẩn quốc tế, giá thu mua sẽ cao gấp 2 - 2,5 lần bình thường. Thứ hai là chủ vườn tự đi chứng nhận thì giá sẽ còn cao hơn nữa”.

Theo ông Bính, trong tình hình hiện, nay nông dân muốn phát triển sản xuất bền vững thì cần phải học nghề và nâng cao nhận thức về nông nghiệp. Việc này cũng cần phối hợp chặt chẽ với ngân hàng, hộ nào được cấp chứng chỉ nghề thì mới được hỗ trợ gói vay ưu đãi riêng dành cho nông nghiệp. Còn như hiện nay tiêu chết nhiều, dân thiệt đã rõ, các ngân hàng cho vay cũng khổ theo.

Theo ông Hà Ngọc Uyển – Chi Cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Gia Lai: “Địa phương đã khuyến khích bà con tham gia các tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất hồ tiêu nhằm liên kết ngang giữa nông dân với nhau để hỗ trợ nhau trong sản xuất, tăng chuỗi giá trị nông sản có chứng nhận sản xuất sạch, bền vững như Việt GAP, Organic. Phía ngành chức năng cũng tăng cường công tác quản lý nhà nước về vật tư nông nghiệp như thuốc bảo vệ thực vật, phân bón… ngăn chặn các mặt hàng không đảm bảo chất lượng”.