Dân Việt

Chuyện lạ Bình Phước: Nuôi "con đại bổ" cho nghe nhạc Bolero

Đoàn Ngọc 19/02/2019 13:10 GMT+7
Chuyện lạ ở Bình Phước, đó là chuyện những chiếc loa nhỏ đặt rải rác với bản nhạc Bolero được mở cả ngày để phục vụ những “thính giả” hươu, là cách mà anh Trương Văn Nghiệp, 36 tuổi, ở xã Tân Tiến, huyện Bù Đốp, tỉnh Bình Phước đang áp dụng. Đây là cách chăn nuôi lạ mà hay, rất hiệu quả cho mô hình nuôi hươu lấy nhung-sản vật nhiều người cho là đại bổ đối với sức khỏe. Nhờ phương pháp “lạ lùng” này mà đàn hươu thuần tính hơn và phát triển tốt, cho nhung chất lượng cao.

Sau một vài cuộc gọi điện thoại, chúng tôi mới có dịp gặp anh Trương Văn Nghiệp - chủ nhân của mô hình nuôi hươu cho nghe nhạc Bolero “độc, lạ” này. Sau vài ba câu chuyện hỏi thăm, anh Nghiệp dẫn chúng tôi đi tham qua những chú hươu “kỳ lạ” thích nghe nhạc nhẹ, nhạc vàng.

img

Anh Trương Văn Nghiệp (phải) giới thiệu về mô hình nuôi "con đại bổ"-nuôi hươu lấy nhung cho nghe nhạc Bolero.

Bước chân vào bên trong khu trại có thể thấy những chiếc loa nhỏ được gắn phía bên trên đang mở những bản nhạc Bolero, cho cảm giác rất nhẹ nhàng. Mặc dù có rất nhiều người ghé thăm nhưng những chú hươu vẫn ung dung ăn lá và không có biểu hiện gì của sự sợ hãi.

Chia sẻ về cách làm “lạ lùng” này, anh Nghiệp nói: “Hươu là động vật hoang dã nên rất nhát người. Ngày đầu mới đưa về, tôi không thể đến gần nó được. Nếu đến gần nó sẽ nhảy tung chuồng, khó chăm sóc. Với kinh nghiệm nhiều năm trong nghề chăn nuôi, tôi thấy đã có người cho heo, dê nghe nhạc thì chắc hươu cũng nghe được nên tôi thử tiến hành cách làm này. Ban đầu, có nhiều người chọc, việc cho hươu nghe nhạc Bolero là chuyện lạ ở Bình Phước...".

Chúng tôi tò mò hỏi lại: “Vậy chúng có hiểu không?”. Anh cười: “Cũng chẳng biết chúng có hiểu không nhưng từ ngày cho nghe nhạc Bolero đến nay thì tôi có thể đến gần và sờ vào nó được. Nhờ âm nhạc mà chúng thuần tính hơn, ăn xong thì ngủ, không quậy phá như trước nữa”.

Anh Nghiệp đã từng nhiều năm làm cán bộ thú y xã. Hơn 10 năm qua anh đã từng nuôi heo, dê, rắn, thỏ… Tất cả các mô hình anh nuôi đều đạt và cho năng suất nhưng cuối cùng vẫn không duy trì được, do không đảm bảo đầu ra lâu dài cho sản phẩm.

Trong một lần ghé thăm người bạn ở tỉnh Lâm Đồng đang làm trong một Công ty chăn nuôi hươu lấy nhung, anh Nghiệp được tư vấn về vật nuôi này. Khi trở về nhà, anh Nghiệp đi học tập kinh nghiệm một số trang trại ở tỉnh Đồng Nai và một số hộ dân chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Bình Phước.

Sau một thời gian nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm, thấy mô hình nuôi hươu hay, thêm vào đó có công ty của người bạn đảm bảo việc cung cấp giống và đầu ra là nhung hươu ổn định, anh Nghiệp quyết định gom góp tài sản, vay tiền ngân hàng đầu tư 130 triệu đồng mua 7 con hươu giống (3 đực, 4 cái) từ Lâm Đồng về nuôi.

“Lúc đầu thấy lo lo. Số vốn đầu tư vào mô hình này là không hề nhỏ với gia đình mình, lỡ có rủi ro gì mất trắng thì toi. Nhưng nhờ chuẩn bị kỹ lưỡng về kiến thức, kỹ thuật chăm sóc hươu nên mọi thứ đều tiến triển tốt” - anh Nghiệp nói.

img

Anh Nghiệp cho biết, nuôi hươu lấy nhung không khó, hươu ít mắc các bệnh hiểm nghèo, thức ăn là lá cây, trong đó có lá cây anh hái từ các cây làm trụ tiêu trong vườn.

Theo kinh nghiệm nuôi hươu của anh Nghiệp, nuôi hươu cũng tương đối dễ, ngoài việc đảm bảo tốt về chuồng trại thì thức ăn của hươu cũng giống như dê: lá lòng mức, mít, cỏ…Với gần 2.000 nọc tiêu của gia đình Nghiệp, ngoài nuôi đàn dê 20 con hiện nay thức ăn cũng đủ đảm bảo nuôi 7 con hươu anh đang nuôi.

Về kỹ thuật nuôi hươu, anh Nghiệp lưu ý, hươu cũng ít khi bị bệnh, lâu lâu có thể bị khô mũi hoặc bị cảm. Chỉ cần để ý một chút là có thể nhận biết và cũng rất dễ chữa. Hươu 3 năm tuổi là bắt đầu cho thu hoạch nhung.

Con hươu đực trưởng thành mỗi lần lấy nhung được khoảng 0,5 kg và mỗi năm thu hoạch 2 lần. Với giá thị trường hiện nay khoảng 2,5 triệu đồng/gram thì 1 năm mỗi con hươu cho thu nhập 25 triệu đồng từ nhung. Nhờ chăm sóc tốt nên đàn hươu lớn nhanh, giúp cho gia đình anh Nghiệp có một khoản thu nhập kha khá từ việc lấy nhung.

“Hiện nay mô hình nuôi hươu lấy nhung trên địa bàn huyện chưa nhiều. Thời gian tới, tôi sẽ mở rộng chuồng trại và nhân giống để cung cấp cho người dân địa phương. Và, tôi sẽ đứng ra làm đầu mối liên kết bao tiêu đầu ra cho sản phẩm cho bà con nông dân” - anh Nghiệp cho biết.