Dân Việt

Thượng đỉnh Trump-Kim ở VN thế nào thì được coi là thành công?

Trà My - Yonhap 19/02/2019 21:55 GMT+7
Một chuyên gia cho rằng Mỹ nên hướng tới mục tiêu thực tế hơn trong hội nghị thượng đỉnh sắp tới giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại Việt Nam.

img

Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump gặp nhau tại Singapore tháng 6 năm 2018

Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 2 giữa ông Trump và ông Kim sẽ được tổ chức tại Hà Nội ngày 27-28.2.

Trong khi nhiều người hy vọng thượng đỉnh lần này có thể tiến tới mục tiêu phi hạt nhân hóa hoàn toàn trên bán đáo Triều Tiên, một số chuyên gia có góc nhìn “thực tế” hơn.

Daniel DePetris, thành viên của tổ chức về chính sách Defense Priorities, nói với Fox News rằng mục tiêu chính sách của Mỹ trong cuộc gặp này không nên là phi hạt nhân hóa mà đơn giản chỉ là hòa bình trên bán đảo Triều Tiên.

DePetris lập luận rằng việc Triều Tiên phi hạt nhân hóa hoàn toàn, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược là "ảo mộng".

"Chúng ta cần một thước đo thành công của hội nghị hoàn toàn khác", DePetris nói. "Cuối cùng, mục tiêu chính sách tối cao của Mỹ với Triều Tiên không nên là phi hạt nhân hóa, mà là hòa bình, an ninh và sự lường trước được trên bán đảo Triều Tiên”.

Chuyên gia giải thích hội nghị thượng đỉnh chỉ thành công khi Tổng thống Mỹ tập trung ít hơn vào việc giải trừ vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng và nhiều hơn vào việc tạo ra môi trường hòa bình và thân thiện hơn trên bán đảo Triều Tiên.

"Thật vậy, nếu Trump rời Việt Nam chỉ với một cam kết chung nhằm viết nên trang sử mới sau gần 70 năm quan hệ thù địch giữa Washington và Bình Nhưỡng, Tổng thống Mỹ sẽ hoàn thành điều mà những người tiền nhiệm của ông không làm được", DePetris nhận định.

Triều Tiên có thể đồng ý với các bước phi hạt nhân hóa "một phần, có thể đảo ngược", nhưng Nhà Trắng không nên mong đợi nhiều hơn vậy trong tình hình hiện tại, chuyên gia nói.

"Tại sao sau khi chi hàng tỷ USD trong ¼ thế kỷ qua để nghiên cứu, phát triển, xây dựng và sửa đổi năng lực tên lửa đạn đạo và hạt nhân với cái giá phải trả rất lớn cho sự phát triển kinh tế, Triều Tiên lại phải thay đổi suy nghĩ?”, chuyên gia nêu quan điểm.

"Xét trên vị thế của Triều Tiên so với các nước láng giềng giàu có và mạnh hơn về quân sự, Kim Jong-un sẽ không làm vậy".

DePetris cũng nhắc đến nỗ lực của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in trong việc bình thường hóa quan hệ với Triều Tiên. Chuyên gia nói rằng ông Moon đã chứng minh cho thế giới thấy "sự hòa giải với Triều Tiên có lợi như thế nào với an ninh khu vực".

Đặc phái viên Triều Tiên lên đường tới Hà Nội trước thềm thượng đỉnh Trump-Kim

Hãng tin Yonhap cho hay đặc phái viên Triều Tiên sẽ đến Hà Nội vào cuối ngày hôm nay.