Mô phỏng những phiên chợ nông sản quy mô nhỏ được tổ chức phổ biến tại châu Âu vào cuối tuần, anh Patrick Gautier - một người đàn ông gốc Pháp đã mang mô hình này tới Hà Nội với mong muốn đây là địa chỉ cung cấp thức sạch và là dịp để anh được gặp gỡ, trò chuyện với những người đồng hương của mình. Tuy nhiên, vượt ra khỏi những mục đích ban đầu, phiên chợ đã “làm được nhiều việc” hơn thế sau 2 năm hoạt động…
Phong cách Tây “đặc sệt” mà hiếm chợ nào ở Hà Nội có được. Chủ - khách phần nhiều là người nước ngoài. Giá cả hợp lý và được niêm yết rõ ràng. Khách hàng được đón tiếp nhiệt tình nhưng không bị chèo kéo; thoải mái lựa chọn, không thích có thể quay lưng đi, ưng ý thì chỉ cần nhặt, cân rồi cho vào túi mang về mà không sợ bị “vặt” giá vì sự ngờ nghệch của mình…
Ông Tiến sỹ… bán hàng Alain Fiorucci đang say mê trò chuyện về mật ong |
Thực phẩm chế biến và nhiều nguyên liệu bày bán tại chợ đều theo kiểu Tây nhưng 90% trong số đó được sản xuất tại VN, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Niềm nở mời chào, tận tình phục vụ với nụ cười trên môi, những người bán hàng – trong đó có nhiều “đấng mày râu” dường như rất tự hào về công việc của mình. Tuy nhiên, để kéo được cả ngàn lượt khách “ruột” đến tham quan và mua sắm ở một phiên chợ chỉ kéo dài trong 3h đồng hồ ngắn ngủi (từ 9h-12h ngày thứ 7), sự bất ngờ và thú vị không chỉ đơn giản như vậy…
Những “sứ giả” văn hóa
Quầy hàng mật ong của Alain Fiorucci có lẽ là khiêm tốn và đơn giản nhất tại chợ. Chỉ có chục hũ mật ong do bà con ở vùng núi Mèo Vạc, Hà Giang sản xuất được bày trên bàn. Không phải là thứ gì quá đặc sắc để khiến khách hàng phải quan tâm đặc biệt.
Không phải là sự tò mò muốn xem ông Tây mắt xanh nói tiếng Việt rành như người Việt, sự niềm nở, dí dỏm lại càng không phải, người đàn ông nào bán hàng ở đây chả vậy. Xem, thử hay mua mật ong dường như chỉ là sự mở đầu cho câu chuyện để từ đây Alain đưa khách hàng đến với đến với cảnh sắc và con người của các dân tộc phía Bắc, đặc biệt là Mèo Vạc, Hà Giang qua sự hiểu biết và niềm say mê tuyệt vời của mình.
Cả gia đình cùng đi chợ |
Alain kể rằng, anh đã đi khắp nơi ở VN nhưng như duyên nợ, Mèo Vạc đã khiến anh – một tiến sỹ chuyên ngành khoa học xã hội đã không yên phận với công việc ổn định của một chuyên gia tư vấn độc lập. Kết thúc chuỗi ngày làm việc tại HN, anh lại ngược lên Hà Giang, cùng ăn, cùng ở, cùng… nghiên cứu mật ong như một người Mèo thực thụ.
Những mẻ mật ong đầu tiên ra đời cũng là lúc phiên chợ khai trương. Và thế là, cuối tuần để vợ con ở nhà, ông tiến sỹ trở thành người bán… mật ong. “Tôi đã có những phút giây được “buôn” với những người bạn về vùng đất cực Bắc VN” một cách hăng say và tràn đầy hứng khởi mà khó có ai có thể “cắt mạch” được.
Cyril Lifart – một nhà tổ chức tour du lịch lại muốn chia sẻ với những người đồng hương của mình vẻ đẹp từ họa tiết và hoa văn đặc sắc của những miếng “thổ cẩm huyền bí” thông qua những chiếc túi xách do tự tay Cyril thiết kế và sản xuất. Chị Suri trưng bày những sản phẩm tinh dầu được chắt lọc và chiết xuất từ những cây cỏ tự nhiên của VN.
Một người Pháp gốc Việt khác - Lê Guillaume từ lần đầu tiên cách đây 5 năm đã “phải lòng” một đặc sản của quê nội: chè Thái. Là trưởng đại diện của một công ty Pháp tại HN nhưng Guillaume lấy việc rong ruổi trên chiếc xe máy đến với các vùng đất trồng chè ở miền núi phía Bắc như một cách để giải tỏa căng thẳng, cân bằng cuộc sống.
Những chuyến khám phá đó đã giúp anh có sự hiểu biết sâu sắc về chè mà không ít người cao tuổi Việt đến chợ phải ngạc nhiên. Cũng giống như Alain, Cyril hay chị Suri, dù bận đến mấy nhưng không mấy khi Guillaume vắng mặt tại quầy. Niềm vui và sự đam mê của anh được nhân lên rất nhiều khi gặp những người bạn mới, trò chuyện, trao đổi một nét đặc sắc của văn hóa Việt còn hoàn toàn xa lạ với những người nước ngoài vốn quen với những thức uống thiên về giải khát hơn là thưởng thức, nhâm nhi.
Những tấm lòng thiện nguyện
Ấn tượng nhất là quầy hàng có tên New Beginning (Sự khởi đầu mới) của một nhóm phụ nữ quốc tế tại Hà Nội. Mỗi người trong nhóm đều có công việc và gia đình riêng nhưng các chị vẫn tranh thủ kêu gọi và tìm kiếm sự ủng hộ và quyên góp của bạn bè, đồng nghiệp và người thân những món đồ cũ như quần áo, sách truyện, đĩa, đồ chơi, giày dép…
Hàng quyên góp được phân loại, lau chùi, giặt giũ sạch sẽ để cuối tuần mang đến chợ. Nếu khéo tay lựa chọn, bạn có thể tìm được cho mình hay người thân với giá rẻ đến bất ngờ. Không chỉ đến mua, cả khách Tây và ta, nếu là khách quen, trước khi đi chợ đều chủ tâm mang đến một món đồ nào đó tuy đã cũ, nhưng vẫn còn sử dụng được để quyên góp cho gian hàng.
Tất cả đều được những nhân viên của nhóm tiếp nhận, bày bán và nguồn thu này sẽ được đưa vào “nhật ký bán hàng” và sử dụng hết cho các hoạt động từ thiện ủng hộ trẻ em mồ côi, trẻ em bị tổn thương một cách minh bạch và phù hợp với điều lệ của tổ chức từ thiện.
Trong khuôn viên nhỏ bé của phiên chợ, khách hàng được chiêm ngưỡng nhiều sản phẩm thủ công làm bằng tay một cách tinh xảo của các em khuyết tật tại các gian hàng khác. Những tấm vải đơn điệu, những cành cây khô khẳng khiu, qua sự khéo léo của những bàn tay không lành lặn đã có thể tự kể câu chuyện về ý chí và sự nỗ lực vươn lên trong cuộc sống của tác giả.
Đó cũng là lý do tại sao ngày càng nhiều ông bố, bà mẹ người nước ngoài và Việt Nam đều xem chợ như một điểm đến có ý nghĩa trong những ngày cuối tuần. “Những bài học thực tế sẽ giúp các con tôi thấy mình vẫn rất may mắn để trân trọng cuộc sống, bồi bổ tình yêu thương, tấm lòng nhân ái và thiện nguyện với những bạn bè cùng trang lứa đang phải chịu rất nhiều thiệt thòi” – anh Keith Martin, một kỹ sư người Canada tâm sự.