Dân Việt

Nuôi cá tra có lãi to nhưng vẫn... lo ngay ngáy

Nguyên Vỹ 20/02/2019 14:05 GMT+7
Vì các nhà máy thiếu hụt cá nguyên liệu chế biến, năm 2018 người nuôi và xuất khẩu cá tra thắng lớn. Nhưng cũng vì bất ổn thiếu hụt nguồn nguyên liệu do thiếu giống và tỷ lệ hao hụt cao, người nuôi cá tra trong năm nay vẫn tiếp tục gặp nhiều thách thức.

Có lãi mà vẫn lo

Bà con nuôi cá tra cho biết, thường thì phải đến tháng 4 mới bắt đầu có hiện tượng xâm nhập mặn, nhưng nay vừa mới qua tết âm lịch không lâu, con nước dưới ĐBSCL đã kén (xâm nhập mặn) rồi. Chỉ tay ra phía bờ sông, anh Trần Văn On (người nuôi cá giống ở Đồng Tháp) cho biết, hiện các máy bơm phải bơm ở rất xa ngoài sông mới có nước để thay ao cá.

img

Thiếu cá giống đe dọa tới nguồn nguyên liệu cá tra Việt Nam. Ảnh: N.V

Theo bà Trương Thị Lệ Khanh, vấn đề căn cơ chính là con giống của chúng ta thiếu hụt. Hiện nay phương pháp kỹ thuật ươm nuôi con giống còn dựa vào tự nhiên. Trước những thách thức môi trường và biến đổi khí hậu, các doanh nghiệp trong chuỗi giá trị bắt buộc phải chủ động để tham gia cải thiện hơn chất lượng ương, nuôi con giống.

Thời tiết cũng thay đổi từ cuối năm ngoái đến đầu năm nay, khiến chênh lệch nhiệt độ buổi trưa và buổi tối lớn, làm cá chết nhiều. Anh On bảo, dù giá cá tra vẫn đang ở mức cao nhưng điều đáng lo là tỷ lệ hao hụt có dấu hiệu gia tăng do thiếu nguồn giống tốt.

Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản (VASEP), từ quý IV.2018, giá cá tra nguyên liệu tại ĐBSCL tăng nhanh. Đặc biệt, trong 2 tháng liên tiếp tháng 10 - 11.2018, giá cá tra đã tăng lên mức kỷ lục 36.500 đồng/kg. Với mức giá này, nông dân nuôi cá tra lãi từ 7.000 - 10.000 đồng/kg.

Nhưng từ cuối năm 2018, mức giá này có dấu hiệu giảm nhiệt, dao động còn 32.000 - 33.500 đồng/kg. Đến tháng 1.2019, theo Tổng cục Thống kê, giá cá tra nguyên liệu dao động theo hướng giảm còn 29.000 - 33.000 đồng/kg.

Với giá thành sản xuất cá tra trung bình từ 24.000 - 25.000 đồng/kg, tuy hiện nay nông dân vẫn đang có lãi, nhưng nếu giá bán tiếp tục xuống dưới giá thành thì nhiều khâu sẽ bị ảnh hưởng theo.

Theo anh On, từ cuối năm 2018 đến nay, tỷ lệ cá bột đậu thấp khiến cá giống ngay từ đầu năm đang thiếu hụt. Có nhiều nơi thả 30 triệu cá bột chỉ đậu gần 1 triệu con cá giống. “Tuy giá cá giống có cao gấp 3 lần những năm trước nhưng thực sự người làm cá giống không có lãi” - anh On nói.

Thêm vào đó, hiện tượng cá giống bị thiếu kỳ lưng, kỳ vây đang rất đáng lo. Với giá thị trường hiện nay, nhiều người bảo: Nuôi 3 con, chỉ cần thu hoạch 1 con cũng được. “Nhưng nếu giá còn giảm xuống, họ sẽ lỗ rất nặng” - ông Ong Hàng Văn - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy sản Trường Giang nhận định.

Theo ông Văn, hiện tượng cá giống hiện nay đang thiếu kỳ lưng, kỳ vây là tương đối cao, có những vùng nuôi tỷ lệ  mắc đến 30%. Nếu cá mắc hiện tượng này thì sẽ có nhiều dị tật, tăng trưởng chậm, tỷ lệ hao hụt rất lớn.

Lo ngại nhất nguồn giống kém

Ngay tại Công ty CP Thủy sản Trường Giang, ông Ong Hàng Văn cho hay, bình quân hiện nay thả cá giống loại 30 con/kg, nuôi đến khi đạt bình quân 900gram/con cá thương phẩm thì tỷ lệ hao hụt lên tới hơn 50%. Vì cá giống hao hụt nhiều như thế, cơ cấu giá thành con cá giống hiện nay chiếm tới 25% trong vốn nuôi cá tra.

Đánh giá chương trình nuôi cá tra 3 cấp mà Bộ NNPTNT đang thực hiện, đại diện Công ty Trường Giang nhận định, chương trình chỉ mới thực hiện được ở một vài HTX, doanh nghiệp mà chưa thực sự lan tỏa để tạo thành phong trào liên kết giữa 3 nhà: Chế biến, chăn nuôi và cung cấp giống.

Cùng với đó, dù Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 2 mới cung cấp 30.000 con giống bố mẹ đã được lai tạo, nhưng vẫn là muối bỏ bể so với nhu cầu quá lớn hiện nay. “Khâu sản xuất con giống cá tra hiện vẫn còn rời rạc, thiếu kiểm soát, nên đầu vào cá giống hiện đang rất bấp bênh, và là khâu yếu kém nhất” - ông Văn đánh giá.

Theo bà Trương Thị Lệ Khanh - Chủ tịch Ủy ban cá nước ngọt của VASEP, giá cá tra tăng cao liên tục giai đoạn cuối năm 2018 là do nguồn cá nguyên liệu phục vụ cho chế biến xuất khẩu bị thiếu hụt. Vùng cá nguyên liệu tự thả nuôi của các doanh nghiệp không còn nhiều nên các doanh nghiệp buộc phải ra bên ngoài tìm mua cá tra của nông dân, đẩy giá tăng cao để thu mua được cá.

Không những nông dân có lãi mà các doanh nghiệp cũng tận dụng tốt lợi thế, từng bước điều chỉnh giá xuất khẩu. Năm 2018, kim ngạch xuất khẩu cá tra đạt 2,26 tỷ USD là thành tích mà ngay từ đầu năm, ngành cá tra không hề nghĩ tới. Tuy nhiên, việc dựa vào tình trạng thiếu hụt nguyên liệu để điều chỉnh giá không thể kéo dài vì nghề cá cần hướng đến phát triển và xuất khẩu bền vững.