Dân Việt

Dịch tả lợn châu Phi: Cần tập trung vệ sinh tiêu độc, khử trùng

Thiên Ngân 20/02/2019 08:00 GMT+7
Theo các chuyên gia, tuy dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện ở Việt Nam, song hiện tốc độ lây lan chậm, chưa đến mức báo động. Điều cần thiết bây giờ là bà con nông dân cần tập trung các biện pháp vệ sinh tiêu độc, khủ trùng đầy đủ để ngăn chặn nguồn bệnh có thể lây lan.

Bệnh xuất hiện từ gần 100 năm trước

Theo Tổ chức Thú y thế giới (OIE), dịch tả lợn châu Phi là một loại bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus gây ra. Virus này gây sốt xuất huyết ở lợn với tỉ lệ tử vong lên tới 100%. Hiện vẫn chưa có vaccine phòng bệnh. 

Đáng mừng là virus này không lây nhiễm sang người.

img

Bệnh dịch tả heo châu Phi hiện vẫn chưa có vaccine phòng chống và thuốc đặc trị. Ảnh minh hoạ: I.T

Năm 1921, bệnh dịch tả heo châu Phi (ASF) lần đầu tiên xuất hiện tại Kenya, châu Phi và sau đó lây lan nhanh chóng, trở thành dịch bệnh địa phương tại nhiều nước châu Phi. 

Năm 1957, lần đầu tiên bệnh dịch tả lợn châu Phi được phát hiện và báo cáo tại châu Âu. Đến nay, dịch bệnh này đã xuất hiện ở nhiều nước châu Âu, trong đó có Armenia - Liên bang Nga báo cáo bệnh xuất hiện vào năm 2007 và Azerbaijan vào năm 2008; loại bệnh nguy hiểm này cũng đã được báo cáo ở các nước châu Mỹ.

Và từ cuối năm 2017 đến ngày 18/2/2019, OIE cho biết đã có 20 quốc gia báo cáo có dịch tả heo châu Phi. Tổng cộng đã có hơn 1,08 triệu con heo buộc phải tiêu hủy.

Trong đó, riêng Trung Quốc thông báo đã tổng cộng có 105 ổ dịch xuất hiện tại 25 tỉnh (trong đó có nhiều ổ dịch xảy ra tại tỉnh Vân Nam và Quảng Đông gần biên giới với Việt Nam). Đã có hơn 950.000 con heo các loại buộc phải tiêu hủy tại nước này.

Và vào chiều qua (19/2), ngành thú y Việt Nam đã chính thức công bố xuất hiện 3 ổ dịch tả lợn châu Phi ở 2 tỉnh Thái Bình, Hưng Yên. 

Theo OIE, bệnh dịch tả lợn châu Phi là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus gây ra, bệnh có đặc điểm lây lan nhanh trên loài lợn; bệnh xảy ra ở mọi lứa tuổi và mọi loại lợn, tỉ lệ chết cao, lên đến 100%. 

Virus có 1 serotype, nhưng phát hiện có tới 16 genotypes và nhiều chủng khác nhau có độc lực khác nhau. Virus dịch tả lợn châu Phi được tìm thấy trong máu, cơ quan, dịch bài tiết từ lợn nhiễm bệnh và chết bởi bệnh này. Lợn sau khi khỏi bệnh sẽ ở thể mãn tính có thể mang virus suốt đời.

Bệnh khó loại trừ, lợn chết nhanh và chưa có vaccine phòng chống

Theo nghiên cứu của OIE, bệnh dịch tả lợn châu Phi có thời gian ủ bệnh từ 3 - 15 ngày, ở thể cấp tính thời gian ủ bệnh chỉ từ 3-4 ngày.

Loại virus này lây nhiễm qua đường hô hấp và tiêu hóa, thông qua sự tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với các vật thể nhiễm virus như: chuồng trại, phương tiện vận chuyển, dụng cụ, đồ dùng, quần áo nhiễm vi rút và ăn thức ăn thừa chứa thịt lợn nhiễm bệnh hoặc bị ve mềm cắn.

img

Virus gây ra bệnh dịch tả châu Phi có sức đề kháng cao trong môi trường. Sau khi khỏi bệnh lâm sàng, lợn vẫn có khả năng mang virus trong thời gian dài và có thể trở thành vật chủ mang trùng suốt đời, do vậy nếu để xảy ra bệnh sẽ rất khó để loại trừ được mầm bệnh. Ảnh minh hoạ: I.T

Cũng theo OIE, "siêu" virus này có khả năng kháng khuẩn và khử trùng. Nó tồn tại trong thời gian 2 - 4 tháng trong một cơ sở bị nhiễm bệnh và 5-6 tháng trong thịt bị nhiễm bệnh. Virus này có thể sống sót trong xúc xích hun khói hoặc một phần xúc xích và các sản phẩm thịt lợn khác. Tuy nhiên nó có thể bị tiêu diệt ở nhiệt độ 56°C trong 70 phút hoặc ở 60°C trong 20 phút.

Theo OIE, loại bệnh này rất khó loại trừ. Khi bệnh xảy ra, dễ trở thành dịch và lưu cữu nhiều năm.

Trung Quốc lần đầu phát hiện bệnh dịch tả heo châu Phi tại trại heo ở tỉnh Liêu Ninh vào ngày 3/8/2018. Chỉ trong khoảng 1 tháng, bệnh bùng phát liên tục và gây thiệt hại lớn cho ngành chăn nuôi heo cũng như cuộc sống của người dân Trung Quốc. Đến nay nước này đã có tới 105 ổ dịch với gần 1 triệu con lợn buộc phải tiêu hủy.

Điều này cho thấy, những nỗ lực kiểm soát sự lây bệnh ASF ở Trung Quốc dường như không có hiệu quả.

Lo ngại này cũng đang xuất hiện tại nước ta, khi phần lớn hiện nay các hộ vẫn chăn nuôi nhỏ lẻ, mật độ chăn nuôi cao, khó hoặc không thực hiện đầy đủ, thường xuyên các biện pháp vệ sinh phòng bệnh; tình trạng sử dụng thực phẩm thừa trong chăn nuôi khá phổ biến... 

Giải pháp phòng dịch tả heo châu Phi tốt nhất

Trước sự nguy hiểm về tốc độ lây lan và khó chữa của bệnh dịch tả heo châu Phi, ngành chăn nuôi khuyến cáo các chủ trang trại cần tăng cường sát trùng chuồng trại cả bên trong và bên ngoài chuồng trại, lối đi vào trại, nơi cân xe, khu vực xung quanh trạị, khu xử lý heo chết…

img

Đề phòng dịch tả heo châu Phi "tấn công", người chăn nuôi cần thường xuyên sát trùng chuồng trại cả bên trong, bên ngoài, lối đi xung quanh... Ảnh minh hoạ: Phương Thảo

Cổng xuất và cổng nhập trong trang trại phải có hố sát trùng và máy phun thuốc sát trùng, mỗi đầu trại phải có khay/hố sát trùng và thay nước hàng ngày.

Phương tiện ra vào trại như xe tải bắt heo, xe chuyển cám, xe 2 bánh,... cần phải được phun xịt sát trùng thật kỹ trước khi vào trại.

Hạn chế nhân viên ra khỏi trại khi không cần thiết. Hạn chế tối đa người vào trại, khi vào phải qua nhà sát trùng, tắm xà phòng và có thời gian cách ly ít nhất 24h mới được xuống trại.

Tăng cường chăm sóc đàn heo chu đáo, phòng bệnh bằng vaccine đối với các bệnh do virus như: Dịch tả, tai xanh (PRRS), lở mồm long móng, giả dại, Circovirus…; tăng cường sức đề kháng cho heo, có thể bổ sung thêm vitamin C, vitamin nhóm B, Beta glucan…

Nhập heo có nguồn gốc rõ ràng, phải có khu riêng nuôi cách ly heo mới nhập để theo dõi tình trạng sức khỏe, tuân thủ đúng quy trình nhập heo. Giám sát tình hình sức khỏe toàn đàn heo hàng ngày để đưa ra giải pháp xử lý kịp thời nếu có nghi ngờ về bệnh này...

Những đặc điểm đáng chú ý của bệnh dịch tả heo châu Phi

- Bệnh không tự lây lan phát tán nhanh so với vi rút lở mồm long móng, lợn tai xanh hay dịch tả cổ điển.

- Bệnh lây lan do có yếu tố con người tác động như vận chuyển heo và sản phẩm heo lây nhiễm từ nơi này sang nơi khác

- Có khả năng gây chết rất cao, lên tới 100%.

- Hiện chưa có vaccine và thuốc điều trị.

- Giải pháp chính là ngăn chặn và thực hiện các biện pháp an toàn sinh học, chăn nuôi an toàn dịch bệnh.

- Bệnh không lây nhiễm và không lây bệnh ở người.

Theo khuyến cáo của OIE, nếu dịch bệnh xảy ra phải tiêu hủy; heo trong khu vực bán kính 3 km sẽ bị cấm vận chuyển buôn bán.