Dân Việt

Lợn bị tiêu hủy do dịch tả lợn châu Phi được hỗ trợ bao nhiêu?

Khánh Nguyên 20/02/2019 13:53 GMT+7
Theo quy định, lợn bị mắc bệnh, buộc phải tiêu hủy do dịch tả lợn châu Phi được hỗ trợ tới 38.000 đồng/kg và thời gian giải quyết hồ sơ chậm nhất 15 ngày.

Cụ thể, theo Nghị định số 02/2017/NĐ-CP của Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh, Nhà nước sẽ hỗ trợ trực tiếp cho các hộ sản xuất có gia súc, gia cầm phải tiêu hủy bắt buộc do mắc dịch bệnh hoặc trong vùng có dịch bắt buộc phải tiêu hủy.

img

Thứ trưởng Thường trực Bộ NNPTNT Hà Công Tuấn kiểm tra công tác phòng và ngăn chặn bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Cụ thể, mức hỗ trợ đối với lợn là 38.000 đồng/kg; 45.000 đồng/kg hơi đối với trâu, bò, dê, cừu, hươu, nai; 35.000 đồng/con gia cầm (gà, vịt, ngan, ngỗng).

Theo ông Phạm Văn Đông, Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NNPTNT), mức hỗ trợ này đảm bảo đủ chi phí giá thành sản xuất cho người chăn nuôi. Đối với những hộ không may có lợn bị dịch tả heo châu Phi buộc phải tiêu hủy, mức hỗ trợ theo quy định là 38.000 đồng/kg.

Cũng theo Nghị định 02/2017/NĐ-CP, các hộ sản xuất bị thiệt hại được xem xét hỗ trợ khi đáp ứng tất cả các điều kiện sau:

Sản xuất không trái với quy hoạch, kế hoạch và hướng dẫn sản xuất nông nghiệp của chính quyền địa phương.

Có đăng ký kê khai ban đầu được UBND cấp xã xác nhận đối với chăn nuôi tập trung (trang trại, gia trại, tổ hợp tác, hợp tác xã) và nuôi trồng thủy sản. Các hộ chăn nuôi tập trung kê khai trong thời gian 15 ngày kể từ khi bắt đầu chăn nuôi; trong thời gian 07 ngày làm việc kể từ khi nhận được bản kê khai, Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm kiểm tra, xác nhận vào kê khai. 

Thiệt hại xảy ra khi đã thực hiện đầy đủ, kịp thời các biện pháp phòng ngừa, ứng phó với thiên tai, dịch bệnh theo sự hướng dẫn, chỉ đạo của cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương.

Trong khoảng thời gian từ khi công bố dịch đến khi công bố hết dịch. Trường hợp đặc biệt, ngay từ khi phát sinh ổ dịch đầu tiên (chưa đủ điều kiện công bố dịch) cần phải tiêu hủy gia súc, gia cầm theo yêu cầu của công tác phòng, chống dịch để hạn chế dịch lây lan thì thời điểm xảy ra thiệt hại là khoảng thời gian từ khi phát sinh ổ dịch đến khi kết thúc ổ dịch.

img

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến kiểm tra và chỉ đạo công tác phòng, chống dịch bệnh động vật tại Hà Nội, Hòa Bình vào tháng 01/2019.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm thành lập hội đồng kiểm tra bao gồm: Ủy ban nhân dân cấp xã, cán bộ chuyên môn của huyện, đại diện các tổ chức xã hội, đại diện thôn, bản, tổ dân phố để lập biên bản kiểm tra, xác minh mức độ thiệt hại, nhu cầu hỗ trợ cụ thể của từng hộ sản xuất; tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân cấp huyện.

Căn cứ báo cáo của Ủy ban nhân dân cấp xã, Ủy ban nhân dân cấp huyện tổ chức thẩm định và quyết định hỗ trợ theo thẩm quyền hoặc tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;

Căn cứ báo cáo của Ủy ban nhân dân cấp huyện, cơ quan chuyên môn cấp tỉnh có trách nhiệm thẩm định, trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt và bố trí ngân sách địa phương và các nguồn tài chính hợp pháp khác để đáp ứng kịp thời nhu cầu hỗ trợ khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh theo quy định tại Nghị đinh này.

Thời hạn giải quyết hồ sơ: Chậm nhất 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Ủy ban nhân dân các cấp (đối với dịch bệnh) phải có ý kiến trả lời bằng văn bản hoặc thông báo kết quả giải quyết cho các hộ sản xuất trên các phương tiện thông tin đại chúng của địa phương.

Như Dân Việt đã thông tin, từ đầu tháng 2.2019, dịch tả heo châu Phi đã được phát hiện tại 2 tỉnh Thái Bình và Hưng Yên. 

Cụ thể, tổng số lợn tiêu hủy ở TP.Hưng Yên là 33 con; ổ dịch ở huyện Yên Mỹ 101 con; ổ dịch ở Thái Bình là 123 con, chủ yếu là lợn con theo mẹ, lợn choai,… Đến nay, các ổ dịch đã qua 18 ngày và không phát hiện lây lan thêm ở những hộ xung quanh.