Lo ngại dịch tả lợn châu Phi (ASF) xuất hiện đã trở thành hiện thực khi mới đây, Bộ NNPTNT đã công bố có 3 ổ dịch ở tỉnh Thái Bình và Hưng Yên.
Tại khu vực chăn nuôi phía Nam, tâm lý lo ngại cũng tăng theo không kém khi giá lợn hơi ở 2 miền Nam, Bắc đang khá chênh lệch.
Theo dõi liên tục tình hình chăn nuôi mấy ngày qua, ông Nguyễn Minh Bằng, hộ chăn nuôi lợn ở huyện Long Thành (Đồng Nai) cho biết hiện giá lợn hơi trên địa bàn tỉnh được các thương lái đang thu mua ở mức từ 53.000 - 54.000 đồng/kg.
Đặc biệt từ sau Tết âm lịch đến nay, có thời điểm giá lên tới 55.000 đồng/kg. So với lúc cận tết, giá lợn hơi đã tăng khoảng 3.000 - 4.000 đồng/kg. Ngược lại, ở khu vực phía Bắc, giá lại thấp hơn và ít biến động, chừng 46.000 - 50.000 đồng/kg. Rất nhiều người đang lo ngại lợn từ miền Bắc sẽ được vận chuyển vào Nam tiêu thụ để hưởng chênh lệch giá.
“Trong lúc dịch bệnh lở mồm long móng đang diễn ra khá phức tạp, dịch tả lợn châu Phi mới phát hiện, việc vận chuyển lợn tiêu thụ sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây lan khó kiểm soát”, anh Bằng nói.
Dịch tả lợn châu Phi xuất hiện kéo theo nhiều nỗi lo.
Đồng tình, ông Nguyễn Trí Công – Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho biết hiện nguy cơ lây lan dịch bệnh trong quá trình vận chuyển heo từ Bắc vào Nam là rất cao do biến động giá.
Đồng Nai là địa phương có nhiều tuyến Quốc lộ, tỉnh lộ quan trọng, hàng ngày có hàng chục chiếc xe vận chuyển hàng ngàn con heo ngang qua hoặc xuất bán. “Đây là con đường lây lan dịch bệnh nhanh nhất và nguy hiểm nhất nếu chúng ta không có biện pháp phòng ngừa”, ông Công nói.
Tại huyện Thống Nhất, một trong những địa phương có tổng đàn heo lớn của tỉnh, anh Nguyễn Minh Tú thì lo ngại rằng nhiều người chăn nuôi sẽ tự xử lý thay nhà nước trong phạm vi hẹp vì tiếc của.
Vì thế, anh Tú cho rằng cần phải làm rõ những hỗ trợ trong khâu chính sách để đảm bảo người dân tự nguyện khai báo khi nghi ngờ trại mình có bất thường. Từ đó mới có các biện pháp ngăn chặn dịch lây lan kịp thời.
Nếu người dân không nắm rõ, họ dấu dịch vì sợ mất trắng thì sẽ rất nguy hiểm. ASF không giống những dịch bệnh khác có thể dùng vaccine kiểm soát và loại bỏ hoàn toàn sau một thời gian nhiễm. “Khi ASF đã lan rộng thì không thể kiểm soát và loại bỏ được nữa, thiệt hại lúc đó sẽ là vô cùng lớn”, anh Tú nói.
Người chăn nuôi đề nghị có chính sách hỗ trợ phù hợp để tự nguyện trong phòng chống dịch.
Anh Trần Ngọc Ấn, chủ trại lợn ở huyện Long Khánh thì cho rằng kinh nghiệm từ Trung Quốc khiến bệnh lây lan mạnh là do vận chuyển lợn bệnh không kiểm soát và mức hỗ trợ người có lợn bệnh thấp. Trong khi châu Âu, bệnh lây lan chậm do tiêu hủy nhanh ngay tại chỗ và hỗ trợ cao cho trại nuôi nên khả năng khống chế tốt hơn.
“Lúc này, chính các công ty chăn nuôi cũng nên có phản ứng tích cực, chẳng hạn chia sẻ kinh nghiệm hoặc xuất quỹ hỗ trợ nông hộ trong phòng trừ dịch bệnh”, anh Ấn đề xuất.
Trước đó, tại cuộc họp với Bộ NNPTNT về tình hình dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, ông Võ Văn Chánh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, địa phương nằm trong điểm giao thương giữa các vùng kinh tế với tổng đàn gia súc, gia cầm rất lớn.
Tỉnh cũng đã triển khai nghiêm và mạnh mẽ công tác phòng, chống dịch. Các trang trại lớn thực hiện rất tốt các biện pháp an toàn sinh học. Chăn nuôi nhỏ lẻ chỉ chiếm 5,6% tổng đàn nhưng công tác phòng chống dịch vẫn gặp nhiều khó khăn hơn.
Bên cạnh việc kiến nghị tạm ngưng nhập khẩu lợn và sản phẩm lợn từ những nước, vùng có dịch, ông Chánh mong Bộ NNPTNT sớm có cơ chế để địa phương kịp thời triển khai hỗ trợ cho người chăn nuôi trong trường hợp xảy ra dịch...