Phát miễn phí túi đựng rác cho người dân
Ông Cao Văn Tuấn – Trưởng phòng Công nghệ Môi trường và Kiểm tra chất lượng Công ty TNHH MTV Môi trường và Đô thị TP.HCM cho hay, từ năm 2013, công ty đã triển khai thực hiện trên địa bàn quận Tân Phú, là địa phương đang được thu gom rác thải.
Theo đó, có 6 tuyến đường và một khu chung cư thực hiện gồm: Đường Độc Lập, Lê Lư, Lê Khôi, Tân Sơn Nhì, Cây Keo, Trần Hưng Đạo (834 hộ) và chung cư Tây Thạnh (thực hiện tại 9 block với 950 hộ dân).
Tăng cường công tác tuyên truyền để nâng cao y thức người dân trong chương trình phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn. Ảnh: P.T
Từ tháng 11.2018, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến đã ký Quyết định số 44/2018/QĐ-UBND, ban hành quy định về phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn thành phố. Ngày 15.2.2019, UBND TP.HCM tiếp tục triển khai thực hiện chương trình phân loại chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn các quận huyện trong quý II.2019, yêu cầu các sở ngành có liên quan, UBND các quận, huyện tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện. |
Ông Tuấn cho biết, thói quen sinh hoạt của người dân là bỏ chung các loại rác vào một nơi mà không phân loại nên thời gian đầu thực hiện khá vất vả. Thay đổi tư duy, nhận thức và thói quen cho người dân, để người dân đồng lòng tham gia là vấn đề rất khó.
“Công ty đã có nhiều hoạt động đồng bộ như tuyên truyền tới từng hộ dân, khu dân cư, phối hợp với các đoàn thể chính trị, đơn vị tại địa phương, tăng cường đội ngũ cộng tác viên, treo khẩu hiệu, băng rôn… Đồng thời, công ty còn trích một nguồn kinh phí để đầu tư và cung cấp 2 loại nylon tự hủy cho các hộ. Trong đó, túi màu vàng chứa các chất thải tái chế, túi màu xanh chứa các chất thải hữu cơ và chất thải khác”- ông Tuấn nói.
Ngoài ra, để thay đổi thói quen gom chất thải rắn sinh hoạt bán cho những người thu mua ve chai, Công ty TNHH MTV Môi trường và Đô thị TP.HCM vận động người dân phân loại và giao chất thải cho chương trình Phân loại chất thải rắn tại nguồn, đổi lại, chương trình sẽ tặng những sản phẩm tiêu dùng tương ứng với khối lượng chất thải tái chế mà các hộ dân chuyển giao, có cơ chế khuyến khích quà đối với các hộ tham gia tích cực.
Không có tiền không thể đầu tư đồng bộ
Để việc thực hiện phân loại chất thải rắn tại nguồn đạt hiệu quả, theo ông Tuấn, công ty còn đầu tư đồng bộ dụng cụ thu gom như túi nylon tự hủy màu xanh chứa chất thải vô cơ, màu vàng chứa chất thải vô cơ và chất thải khác; thùng 660 lít màu xanh chứa chất thải vô cơ, màu vàng chứa chất thải vô cơ và chất thải khác; phương tiện thu gom gồm xe ép rác chuyên dùng trên 2 tấn thu gom chất thải tái chế, xe ép rác trên 7 tấn thu gom chất thải...
Ông Tuấn cho biết, trong 5 năm thực hiện, công ty đã chi khoảng 7 – 8 tỷ đồng cho riêng công tác tuyên truyền, hỗ trợ túi, dụng cụ chứa rác cho người dân. Bước đầu thực hiện khó khăn song do quyết tâm và có kế hoạch, cách thức triển khai phù hợp, thực hiện nghiêm túc, dần tạo được lòng tin nên đến nay, tại 9 block chung cư Tây Thạnh, có tới 90% và tại 6 tuyến đường có 60% người dân thực hiện phân loại chất thải trước khi đưa ra điểm thu gom.
Chị Trần Mai Ngọc, khu chung cư Tây Thạnh vui vẻ nói: “Ý nghĩa thiết thực nhất, giá trị nhất mà chương trình mang lại là môi trường sống của mình xanh, sạch, giảm thiểu được vấn đề ô nhiễm môi trường. Hầu như cả khu chung cư với gần 1.000 hộ dân sau một thời gian thực hiện đã dần từ bỏ thói quen lạc hậu, bỏ rác bừa bãi không phân loại, ý thức được ích lợi của việc phân loại rác trước nhất là bảo vệ sức khỏe của mình và của gia đình, cộng đồng thông qua bảo vệ môi trường sống”.