Dân Việt

Giá lúa giảm mạnh: Cấp vốn nhanh cho doanh nghiệp cứu nông dân

Huỳnh Xây 21/02/2019 14:02 GMT+7
Giá lúa bán ra giảm trong khi chi phí sản xuất vụ đông xuân 2018 - 2019 tăng đáng kể khiến người dân Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) gặp nhiều khó khăn. Ngành chức năng cho rằng, phải có sự hỗ trợ càng nhanh càng tốt trước khi người dân thu hoạch hết các trà lúa.

Giá lúa “lao dốc”

Hiện nay, nhiều cánh đồng lúa ở TP.Cần Thơ đã chín vàng rực, các hộ dân đang bắt tay vào thu hoạch rộ lúa đông xuân. Tuy nhiên, khác với các vụ trước, vụ lúa đông xuân năm nay, nhiều nông dân kém vui do giá lúa giảm.

Gặp phóng viên, lão nông Đào Văn Nhiều ở ấp Trường Thọ (xã Trường Xuân, huyện Thới Lai, TP.Cần Thơ) than, trước Tết Nguyên đán, thương lái có đến đặt cọc mua 2,6ha lúa IR 50404 của gia đình ông với giá 5.000 đồng/kg nhưng qua tết, do giá lúa giảm chỉ còn 4.200 đồng/kg nên thương lái này “bỏ của chạy lấy người”.

img

Người dân xã Trường Xuân, huyện Thới Lai, TP.Cần Thơ thu hoạch lúa đông xuân 2019.  Ảnh: Huỳnh Xây

Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) Nguyễn Ngọc Nam vừa ký văn bản gửi các hội viên đề nghị thực hiện giải pháp thúc đẩy tiêu thụ lúa gạo đông xuân 2019. Chủ tịch VFA đề nghị các hội viên thực hiện cam kết thu mua nhanh chóng lúa trong dân, tùy theo điều kiện thực tế chủ động liên kết và hỗ trợ các hợp tác xã, các hộ nông trồng lúa gửi kho tại các doanh nghiệp hội viên, chủ động đẩy nhanh tiến độ giao hàng cho đối tác theo các hợp đồng xuất khẩu đã ký. 

Vì vậy, ông đành phải bán cho thương lái khác với giá 4.200 đồng/kg. Ông Nhiều tính toán, sau khi trừ chi phí, với 2,6ha lúa đông xuân năm nay ông chỉ lời khoảng 10 triệu đồng sau 3 tháng canh tác.

Ông Nguyễn Thanh Phong cùng ấp Trường Thọ cho hay, ông đang lo lắng trước thông tin giá lúa giảm.

“Gia đình tôi trồng 5.000m2 lúa Jasmine. Trước tết lúa này có giá 5.200 đồng/kg nhưng hiện giờ chỉ còn 4.900 đồng/kg, chưa biết vài ngày nữa có giảm tiếp không. Mỗi năm 3 vụ nhưng chỉ có vụ đông xuân này là thu lời, với tình hình này thì khó ăn quá” – ông Phong buồn bã nói.

Theo ông Nguyễn Tấn Sang - Phó Chủ tịch UBND xã Trường Xuân, toàn xã có trên 2.100ha lúa đông xuân với các giống chủ yếu là IR50404, Jasmine và Đài Thơm 8, năng suất khoảng 6,9 tấn/ha. Đến nay, diện tích này đã thu hoạch trên 50% nhưng giá bán không được như mong muốn.

Ở nhiều cánh đồng lúa của huyện Cờ Đỏ (TP.Cần Thơ) do giá lúa giảm đã xảy ra tình trạng thương lái chậm thu mua lúa. Nhiều nông dân cho biết, do thời tiết nắng ổn định nên họ có thể trữ lại chờ giá lên. Tuy nhiên, thời gian trữ sẽ không lâu do cần vốn trả cho cửa hàng vật tư nông nghiệp và phải mua lúa giống, thuê người làm đất để gieo sạ tiếp vụ sau.

Tại An Giang, nhiều cánh đồng lúa ở huyện Tịnh Biên và Tri Tôn cũng đang bước vào vụ thu hoạch lúa đông xuân 2019. Mặc dù thương lái vẫn đến thu mua như các vụ trước nhưng người dân trồng lúa thì buồn rầu.

Theo ông Huỳnh Văn Ba ở xã An Nông, huyện Tịnh Biên, các thương lái cho biết giá đang giảm nên bà con cần bán sớm. “Trước đây, thương lái nói lúa thường IR 50404 có giá 4.400 đồng/kg, lúa thơm hạt dài cao hơn 300 đồng/kg. Còn bây giờ thì mỗi giống lúa đều giảm bớt 100 đồng/kg” – ông Ba nói.

Cũng theo ông Ba, gia đình ông có hơn 1ha lúa, bán được với giá 4.300 đồng/kg, sau khi trừ hết chi phí, chỉ còn lời từ 200.000 – 400.000 đồng/công (1.000m2). Đối với những hộ thuê đất trồng lúa hoặc năng suất thấp thì không có lời, thậm chí bị lỗ. Nhiều nông dân ở xã An Nông lo lắng, hiện nay mới chỉ vào đầu vụ thu hoạch lúa giá đã giảm như vậy, rất có khả năng giá sẽ còn giảm nữa vào thời điểm thu hoạch rộ.

Cần giải pháp hỗ trợ nhanh

Cũng như TP.Cần Thơ và An Giang, một số địa phương thuộc tỉnh Đồng Tháp, Tiền Giang, Long An… cũng đang vào vụ thu hoạch lúa đông xuân. Theo tính toán của người dân, giá lúa hiện tại giảm 300-400 đồng/kg so với trước Tết Nguyên đán và giảm khoảng 1.000 đồng/kg so với vụ đông xuân năm 2018. Không chỉ có giá lúa giảm, người dân cho biết, họ còn bị áp lực bởi giá vật tư nông nghiệp tăng cao.

Ông Nguyễn Văn Hậu ở xã Tân Hòa, huyện Tân Thạnh, Long An nói: “Chỉ tính riêng giá lúa giảm, người dân bị mất ít nhất 8 triệu đồng/ha. Trong khi đó, người dân còn phải chịu khoản chi phí tăng từ vật tư nông nghiệp, cụ thể so với cùng kỳ năm trước, phân đạm tăng khoảng 100.000 đồng/bao (50kg); DAP tăng 120.000 – 130.000 đồng/bao (50kg), phân kali cũng tăng 60.000 – 80.000 đồng/ bao (50kg)”.

Trao đổi với phóng viên NTNN, ông Nguyễn Ngọc Hè - Giám đốc Sở NNPTNT TP.Cần Thơ cho biết, hiện đã có hơn 1.100/81.264ha lúa đông xuân tại địa phương được thu hoạch, tập trung nhiều ở các huyện Cờ Đỏ, Thốt Nốt và Thới Lai. Thời gian thu hoạch sẽ kéo dài đến hết tháng 2.2019.

“Do giá lúa đang xuống thấp hơn so với cùng kỳ nên ngành chức năng địa phương đã khẩn trương tìm giải pháp hỗ trợ, tình trạng này nếu kéo dài sẽ khiến cho doanh nghiệp và người dân gặp nhiều khó khăn" - ông Hè nhận định.

Theo tìm hiểu của phóng viên, trước thực trạng trên, lãnh đạo UBND TP.Cần Thơ đã có cuộc họp với các doanh nghiệp xuất khẩu lúa gạo và 13 ngân hàng (có chi nhánh tại Cần Thơ) để bàn giải pháp, kế hoạch hỗ trợ người dân. Ngay sau đó, phía Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu các ngân hàng thương mại nâng hạn mức cho vay, đẩy nhanh tiến độ giải ngân cho các doanh nghiệp thu mua lúa tạm trữ cho người dân.

Ông Nguyễn Sỹ Lâm – Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh An Giang khẳng định, tới đây, Sở sẽ có một cuộc họp khẩn cấp cũng với các ngành chức năng, các doanh nghiệp để có cách tháo gỡ, hỗ trợ và thúc đẩy thị trường thu mua lúa gạo.

Ông Lâm Thành Kiệt - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Nông sản Vinacam: Do thay đổi cơ cấu giống

Một trong những nguyên nhân làm giá xuống thấp như hiện nay là có sự thay đổi cơ cấu giống. Giống Jasmine đã giảm 50% trong 6 tháng cuối năm 2018, thay vào đó giống lúa Đài Thơm 8 sản xuất tràn lan, không theo một kế hoạch nào.

Ngoài ra, một số doanh nghiệp làm ăn bát nháo, ký hợp đồng với đối tác giống lúa Jasmine nhưng giao Đài Thơm 8 làm thị trường thêm khó khăn.

Ông Phạm Thái Bình - Giám đốc Công ty Cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An: Doanh nghiệp đang khát vốn

Các doanh nghiệp rất cần có thêm tiền để mua lúa trong dân để giao sang các nước nhập khẩu, như công ty chúng tôi có bao nhiêu lúa cũng tiêu thụ hết. Do vậy, kiến nghị Chính phủ chỉ đạo ngành ngân hàng cho doanh nghiệp vay vốn thêm. Đây cũng một giải pháp giúp giá lúa tăng lên.

Ông Phạm Văn Quang – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung Thạnh: Thiếu thông tin thị trường lúa gạo

Bản thân doanh nghiệp rất cần tiếp cận thông tin thị trường lúa gạo từ các bộ, ngành Trung ương, đặc biệt về các cuộc đàm phán quan trọng ở Trung Quốc (nơi thường xuyên thay đổi về chính sách, ngày càng kiểm soát khó hơn về chất lượng sản phẩm).

Về giá lúa xuống thấp, rất cần ngân hàng hỗ trợ vốn để doanh nghiệp có thể tăng khả năng thu mua trong dân trong thời gian tới.