Dân Việt

Hải Phòng: Hàng trăm người lao động nháo nhác lo mất quyền lợi

Vũ Thị Hải - Trần Phượng 21/02/2019 08:15 GMT+7
Mấy ngày nay, nhận được thông tin hơn 80% cổ phần thuộc sở hữu nhà nước đã được bán đấu giá thành công, hàng trăm lao động tại Công ty CP Lisemco Hải Phòng (quận Hồng Bàng – TP. Hải Phòng) như ngồi trên đống lửa, nháo nhác, đứng ngồi không yên. Họ lo lắng sẽ bị mất trắng số tiền lương, tiền đóng bảo hiểm xã hội mà doanh nghiệp này nợ người lao động từ nhiều năm qua.

Nợ bảo hiểm, quyền lợi người lao động bị “ treo”

Tính đến thời điểm hiện tại, Công ty CP Lisemco Hải Phòng đã nợ tiền đóng bảo hiểm gần 6 năm với số tiền lên tới trên 60 tỷ đồng. Quyền lợi của người lao động đang bị “treo” khiến nhiều người rơi vào tình trạng  “đi không được, ở cũng không xong”.

Mấy ngày nay, được tin gần 80% vốn sở hữu Nhà nước tại công ty đã được bán đấu giá thành công, lo sợ quyền lợi đóng bảo hiểm nhiều năm và nhiều tháng lương chưa được chi trả có nguy cơ bị mất trắng, hàng trăm người lao động có thâm niên công tác tại Công ty CP Lisemco Hải Phòng ( Lisemco) đã gửi đơn kêu cứu tới Báo NTNN/Dân Việt và nhiều cơ quan chức năng trên địa bàn thành phố Hải Phòng để được giải quyết.  

Chị Bùi Thị Dương, một lao động từng làm việc 7 năm tại Lisemco cho biết: Chị được ký hợp đồng chính thức từ tháng 5. 2011. Nhưng từ tháng 8.2013 đến tháng 10.2017 (thời điểm chị nghỉ việc) chị không được đóng bảo hiểm mặc dù hàng tháng công ty vẫn trừ 10,5% lương của mình. Cũng trong suốt quãng thời gian không được đóng tiền bảo hiểm xã hội nói trên, đồng nghĩa với việc chị Dương không có bảo hiểm y tế nên phải tự túc khi sinh nở. Cho đến nay, con chị Dương đã lớn nhưng chị không được cơ quan bảo hiểm thanh toán chế độ thai sản.

Cùng chung cảnh ngộ như chị Dương, chị Nguyễn Thị Hồng Thắm cũng có thâm niên công tác tại Công ty CP Lisemco gần 10 năm.  Chị Thắm  nghỉ sinh con từ tháng 2.2017 nhưng đến nay vẫn không được hưởng chế độ thai sản.

Khổ sở hơn cả là trường hợp của anh Nguyễn Văn Thái, năm 2018 bị bệnh thập tử nhất sinh phải đi cấp cứu, nằm bệnh viện điều trị dài ngày nhưng phải tự túc chi phí khám chữa bệnh vì không có bảo hiểm y tế.

img

Người lao động tại Công ty CP Lisemco bức xúc vì quyền lợi bị ảnh hưởng nghiêm trọng

Anh Vương Đức Dục, công nhân làm việc tại Công ty CP Lisemco từ năm 2001 đến nay bức xúc: "Hiện tại, người lao động mới được ứng lương tháng 11.2018. Mặc dù hàng tháng người lao động đều bị trừ 10,5% tiền nộp bảo hiểm nhưng đến nay đơn vị vẫn nợ tiền đóng bảo hiểm xã hội nên nhiều năm nay người lao động không có BHYT".  

Hệ lụy của việc không có BHYT thật vất vả. Năm 2016, anh Dục phải mổ giãn tĩnh mạch tinh hoàn với thời gian điều trị nửa tháng, chi phí cả chục triệu đồng nhưng phải tự túc chi phí khám chữa bệnh. 10 ngày đầu gia đình chạy đôn chạy đáo lo tiền điều trị. Thúc giục nhiều quá doanh nghiệp mới lo thủ tục để anh được hưởng chế độ BHYT 5 ngày tiếp theo. Bản thân anh Dục còn có hồ sơ giám định bị điếc 21% do ảnh hưởng bệnh nghề nghiệp, thủ tục hoàn tất  nộp cho công ty từ năm 2013 nhưng đến nay, Lisemco vẫn chưa thanh toán chế độ này cho anh Dục.

 Chưa lộ diện danh tính “ông chủ mới”

Hàng loạt lao động khác có thâm niên hơn chục năm (xin giấu tên) cũng bức xúc cho biết: Sự việc nêu trên đã kéo dài nhiều năm nay, nhiều cuộc đình công xảy ra và cũng đã có nhiều cuộc họp đối thoại, nhiều biên bản được ký và nhiều cơ quan chức năng vào cuộc nhưng sự việc vẫn không hề được cải thiện. Họ rất khó khăn, khổ sở duy trì cuộc sống khi bị nợ lương. Nhiều người đã phải bỏ cuộc vì không biết có được giải quyết hay không. Những lao động mới đều nghỉ việc khi bị chậm lương và chế độ không đảm bảo.

Được biết, trước đó, ngày 26 và 27.4.2018, tại trụ sở của Lisemco, 70 công nhân đình công tập thể. Ngay sau đó, toàn bộ số công nhân được mời vào họp đối thoại trong đó có sự hiện diện của đại diện Sở lao động thương binh, xã hội Hải Phòng; PCT UBND quận Hồng Bàng; Đại diện LĐLĐ quận và đại diện của Lisemco.

img

Trụ sở Công ty CP Lisemco

Tại buổi đối thoại, bà Hoàng Thị Nhẫn – PCT UBND quận Hồng Bàng đề nghị Lisemco đáp ứng nguyện vọng, quyền lợi chính đáng của người lao động, lương chậm nhất chỉ sau 2 tháng. Công ty phải có lộ trình trả dần bảo hiểm để đảm bảo chế độ cho người lao động. Những trường hợp nghỉ hưu, nghỉ việc để chuyển công tác giải quyết sớm không nên để quá 6 tháng.

Cũng tại cuộc đối thoại, về thanh toán lương chậm đại diện Lisemco  trình bày do một số dự án thu hồi vốn chậm, đơn vị nhận có thiếu sót do chưa thông báo rõ ràng và hứa các tháng tới sẽ thanh toán lương trước ngày 20 hàng tháng.

Còn về BHXH, theo ông Bùi Mạnh Hùng – TGĐ Công ty CP Lisemco Hải Phòng cho biết: Do tình hình tài chính của công ty gặp nhiều khó khăn nên Công ty chưa thực hiện được cam kết với người lao động và làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động. Đối với các trường hợp nghỉ hưu, nghỉ việc để chuyển công tác đơn vị sẽ làm việc với BHXH để đảm bảo quyền lợi cho người lao động.

Tuy nhiên, đến 16.2.2019, 80 người lao động đã nghỉ việc tại Lisemco vẫn chưa chốt được sổ BHXH để tiếp tục tham gia BHXH ở đơn vị mới nên họ đã đề nghị Lisemco làm việc với BHXH thành phố để chốt trả sổ BHXH cho họ.

Ngày 19.2, trao đổi về nội dung đơn của người lao động kêu cứu, ông Trần Việt Khánh – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Lisemco Hải Phòng lại cho rằng không nắm được kiến nghị của người lao động. Về số nợ BHXH lên đến hơn 60 tỷ đồng thì sẽ giải quyết theo lộ trình và được ưu tiên trước. Hiện tại, doanh nghiệp đã thoái vốn nhưng chưa có quyết định bàn giao. Danh tính đơn vị, cá nhân trúng đấu giá phần vốn nhà nước còn lại tại Công ty CP Lisemco hiện cũng chưa được tiết lộ.

Trước tình thế trên, người lao động tại đây hiện đang lo lắng thấp thỏm và chật vật “đeo bám”  để chờ tới ngày được giải quyết quyền lợi bảo hiểm theo qui định.