Đáng chú ý, việc “tắc nghẽn” Cảng Hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất đang ở mức độ nghiêm trọng thì việc sớm đưa vào khảo sát và thực hiện các dự án là rất cấp thiết. Tại buổi làm việc với các đơn vị liên quan về tiến độ công tác rà soát, điều chỉnh quy hoạch các Cảng hàng không, sân bay, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã quyết liệt chỉ đạo: “Đơn vị nào chậm, không có lý do nào khác, Thủ trưởng đơn vị đó phải chịu trách nhiệm”.
Chính phủ và các Bộ, Ngành thống nhất
Theo tìm hiểu của PV Dân Việt, năm 2017 để đảm bảo tính minh bạch, khách quan trong việc mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất, Chính phủ đã mời đơn vị tư vấn độc lập ADPi Engineering (Pháp) nghiên cứu, khảo sát và thiết kế từ nhà ga đến khu vực dịch vụ, bãi đỗ máy bay.
Sân bay Tân Sơn Nhất đang quá tải.
Sau khi khảo sát, tư vấn đánh giá: Có thể nâng công suất sân bay Tân Sơn Nhất lên đến 60-70 triệu khách/năm và bắt buộc phải xây dựng thêm đường cất-hạ cánh mới, lấy đất khu vực sân golf ở phía Bắc sân bay Tân Sơn Nhất để xây dựng nhà ga.
Thời điểm đó, ông Vincent Gaubert, Giám đốc dự án, (đại diện đơn vị tư vấn ADPi Engineering) cho rằng, không nên triển khai phương án này vì giải phóng mặt bằng lớn làm xáo trộn dân cư, ô nhiễm tiếng ồn, ảnh hưởng khác về môi trường, chi phí vận hành cao, nhà ga mới sẽ ảnh hưởng đến hệ thống thoát nước chính ở phía Bắc.
Đáng chú ý, phương án nâng cấp sân bay để đạt công suất 50 triệu hành khách (tăng 20 triệu khách so với hiện tại), ADPi đã đề xuất 2 giải pháp là xây dựng thêm nhà ga ở phía Bắc và phía Nam. Tuy nhiên, nếu xây dựng nhà ga ở phía Bắc thì khu vực ga sẽ bị chia cắt thành hai bên của hệ thống đường cất - hạ cánh sẽ làm tăng chi phí vận hành vì hai nhà ga tách rời; diện tích giải phóng mặt bằng lớn ảnh hưởng đến thời gian thực hiện…
Để tiết kiệm nguồn vốn đầu tư và tính hiệu quả của dự án, ADPi đề xuất ưu tiên xây dựng nhà ga ở phía Nam (cạnh nhà ga hiện nay) để kết nối hai nhà ga, tận dụng hạ tầng, nhiều khu vực đất đã sẵn sàng bàn giao, khoảng cách giữa các nhà ga gần hơn, vận hành đơn giản hơn. Phía Bắc, phần sân golf sẽ được giải phóng làm khu đỗ máy bay, ga hàng hóa, khu bảo dưỡng, sửa chữa máy bay.
Sau khi đưa ra được những đánh giá tổng thể, Chính phủ cùng các Bộ ngành, địa phương đã thống nhất phương án điều chỉnh quy hoạch mở rộng TSN mà ADPi Engineering (Pháp) đề xuất thông qua văn bản số 142/TB-VPCP ngày 15.4.2018.
Đặc biệt, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã quyết định sẽ thực hiện mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất theo phương án của Công ty Tư vấn độc lập của Pháp ADPi.
Với phương án này, tổng chi phí khoảng 35.700 tỷ đồng sẽ xây dựng thêm một nhà ga hành khách của sân bay Tân Sơn Nhất với diện tích đất thu hồi là 26 ha, diện tích sàn nhà ga là 200.000 m2, để phục vụ 20 triệu hành khách/năm ở phía Nam, tức phía nhà ga hiện hữu.
Diện tích đất phía Bắc, trong đó có sân golf và 16 ha đất do Bộ Quốc phòng quản lý, sẽ được sử dụng để xây dựng công trình phụ trợ, như nhà ga hàng hóa, sửa chữa máy bay, logistic và chế biến suất ăn từ nay đến năm 2025.
"Bất thường" cần làm rõ?
Mặc dù, Thủ tướng đã quyết định mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất với việc xây them ga hành khách, nhưng khi ACV đưa ra thiết kế tại văn bản số 1942/QĐ-BGTVT về việc phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chi tiết Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất giai đoạn 2020, định hướng đến 2030 do Thứ trưởng Lê Đình Thọ ký lại khác xa so với quyết định của tư vấn ADPi (Pháp) trước đó.
Văn bản do Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ ký.
Đây là một điểm “bất thường” bởi nó khác so với những gì Thủ tướng cùng các Bộ, ngành đã thống nhất trước đó. Cụ thể, ACV quyết định xây dựng nhà ga trên diện tích đất 16 ha (thay vì 26 ha như tư vấn Pháp được Thủ tướng phê duyệt). Thậm chí, nhà ga này chỉ có diện tích 100.000 m2, thay bằng 200.000 m2 phục vụ 20 triệu hành khách.
Trong khi sân bay Tân Sơn Nhất đang trong giai đoạn quá độ, thì việc “thu nhỏ” nhà ga T3 liệu có tiếp tục là một điểm tắc nghẽn mới đối với ngành Hàng không? Đặc biệt, với công suất 20 triệu khách thì hàng loạt các tiện ích nhà ga phải đảm bảo về đường ra vào, bãi đậu xe, tiện nghi nhà ga, nơi tiếp nhận đón trả khách, an ninh….
Được biết, thiết kế của ACV kế thừa theo văn bản số 3193/QĐ-BGTVT ngày 7.9.2015 phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chi tiết Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất giai đoạn 2020, định hướng đến 2030 của Bộ trưởng Bộ GTVT.
Tuy nhiên, ACV đã tự “xoá sổ” chính quyết định 3193/QĐ-BGTVT bằng việc xoá nhà ga lưỡng dụng đã có trong Quyết định này, dù trước đó, chính Bộ GTVT đã có văn bản cho phép và yêu cầu Hãng hàng không Lưỡng dụng Ngôi Sao Việt (Vietstar Airlines) sớm triển khai xây dựng nhà ga lưỡng dụng.
Cần phải nhắc lại, trong khi sân bay Tân Sơn Nhất bị quá tải, việc “thu nhỏ” nhà ga T3, Tân Sơn Nhất phải chăng ACV đang đi ngược với quyết định của Thủ tướng Chính phủ, đi ngược với các quyết định của Bộ GTVT trước đó.
Mặt khác, Quyết định 1942/QĐ-BGTVT do Thứ trưởng Lê Đình Thọ ký ban hành đã được các Bộ, Ngành, đơn vị tư vấn thống nhất? Bộ GTVT có phải đang cố tình kéo dài thời gian chậm triển khai sân bay Tân Sơn Nhất? khiến cho các hãng Hàng không phải lao đao vì thiếu sân đỗ, máy bay phải bay lòng vòng trên bầu trời thêm 15 – 12 phút mới được hạ cánh.
Nhà ga Lưỡng dụng có cần không? Đại diện Cục Tác chiến (Bộ Quốc phòng) khẳng định: thời gian gần đây Bộ Quốc phòng đã hai lần bàn giao đất và sẵn sàng bàn giao đất quốc phòng tại khu vực Tân Sơn Nhất để mở rộng sân bay. Chúng tôi luôn luôn trăn trở việc ách tắc giao thông tại khu vực Tân Sơn Nhất. Hiện về vùng trời, chúng tôi đã thực hiện chỉ đạo của Chính phủ di chuyển hai đơn vị không quân lớn ra khỏi khu vực. Như vậy chúng tôi đã giải phóng vùng trời cho ngành hàng không dân dụng phát triển. Hiện nay vẫn còn quân đội ở khu vực sân bay, mục đích bảo vệ sân bay cũng như vùng trời TP.HCM và xử lý các tình huống cấp bách. Vì vậy, quy hoạch nào ở sân bay Tân Sơn Nhất đều phải tính đến yếu tố sân bay dùng chung, tức kết hợp kinh tế, quốc phòng… |