Dân Việt

Ghi ở ổ dịch tả lợn châu Phi: Dân mong sớm được hỗ trợ tiêu huỷ

Trần Quang 22/02/2019 15:42 GMT+7
Theo dõi nhiều ngày qua tại một số xã ở 2 tỉnh Thái Bình, Hưng Yên - nơi phát hiện có bệnh dịch tả lợn châu Phi, lãnh đạo Cục Thú y (Bộ NNPTNT) cho biết, hiện không phát sinh thêm ổ dịch mới. Chính quyền và người chăn nuôi ở các địa phương này vẫn đang tích cực vệ sinh tiêu độc, khử trùng chuồng trại...

Đau xót nhìn cả đàn lợn bị tiêu huỷ

Sáng 19.2, khi nhận được tin cán bộ thú y xã đến báo mẫu bệnh phẩm lấy từ đàn lợn của gia đình dương tính với virus dịch tả lợn châu Phi, đồng nghĩa với việc phải tiêu hủy toàn bộ số lợn trong trang trại, ông Lê Văn Bộ ở xã Yên Hoà (huyện Yên Mỹ, Hưng Yên) và các con mình như chết lặng.

Cùng ngày địa phương công bố dịch tả lợn châu Phi cũng là lúc gia đình ông Lê Văn Bộ phải chấp nhận việc toàn bộ số lợn nái, đực, giống tại trang trại của gia đình ông lần lượt được các cán bộ của cơ quan liên ngành tỉnh Hưng Yên đưa lên xe mang đi tiêu hủy.

img

Ông Lê Văn Bộ trong chuồng lợn trống không của gia đình tại xã Yên Hoà (huyện Yên Mỹ, Hưng Yên). Ảnh: T.Q

Ông Đỗ Minh Tuân - Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Hưng Yên cho biết, Sở đã chuẩn bị đủ cơ sở vật chất, thuốc men, hóa chất phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh; tổ chức tổng vệ sinh tiêu độc, khử trùng toàn bộ các chuồng trại chăn nuôi, cơ sở giết mổ, mua bán lợn trên địa bàn toàn tỉnh.

Mặt khác, Sở cũng phối hợp với các ngành liên quan và các địa phương thực hiện chặt chẽ việc quản lý kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật ra, vào địa bàn...

"Trong số hàng trăm con lợn nái đó, có nái mang bầu sắp đến ngày đẻ, có nhiều nái mới đẻ, đàn con lúc nhúc chưa kịp bú mẹ đã bị đưa đi tiêu hủy khiến chúng tôi đau xót vô cùng" - ông Bộ ngậm ngùi nói.

“Lúc mới phát hiện lợn bị ốm, trên bụng có vết bầm, tưởng đàn lợn nuôi bị bệnh tụ huyết trùng như mọi lần nên mọi người đi tìm mua thuốc về tiêm, nhưng lợn vẫn không khỏi mà bệnh có chiều hướng nặng thêm. Trước tình hình đó, các anh em trong gia đình tôi đã tổ chức "họp nóng" để tìm ra nguyên nhân chữa bệnh cứu lợn.

Lúc đó, cũng có người nghĩ đến dịch tả lợn châu Phi nhưng đều bị mọi người gạt đi vì cho rằng, nếu bị dịch thì các tỉnh vùng biên giới tiếp giáp với Trung Quốc sẽ bị trước, trong khi các vùng này chưa có thì không thể nào Hưng Yên bị được. Cuối cùng, các con tôi vẫn quyết đầu tư thêm tiền để mua thuốc về tiêm cho đàn lợn, nhưng có con còn chết ngay sau tiêm” - ông Bộ kể.

Sau khi mọi cố gắng đều thất bại, người con trai cả của ông Bộ là Lê Xuân Tình đã báo lên chính quyền để cán bộ về lấy mẫu mang đi xét nghiệm và phát hiện lợn bị nhiễm virus dịch tả lợn châu Phi.

Mới qua 2 ngày mà hôm nay nom ông Bộ tiều tụy, hốc hác hơn. "Hàng chục năm nuôi lợn, gia đình tôi, nhất là vợ chồng thằng cả (anh Lê Xuân Tình) luôn đứng đầu xã, được địa phương tặng giấy khen nhưng nào ngờ, đến giờ Tình cũng là người bị thiệt hại nặng nhất. Mất lợn đã đành, số tiền nợ ngân hàng, anh em nó vay để đầu tư vào chăn nuôi trước đó lên đến hàng trăm triệu đồng không biết khi nào mới trả được" - ông Bộ buồn rầu chia sẻ.

Đến giờ, chính quyền địa phương và 10 hộ dân có lợn bị nhiễm virus dịch tả lợn châu Phi ở Yên Hòa, trong đó có gia đình ông Lê Văn Bộ vẫn không biết nguyên nhân từ đâu mà dịch tả có thể lọt sâu về tận quê mình. "Rõ ràng, trong suốt quá trình nuôi lợn, chúng tôi làm rất tốt công tác phòng dịch, không để người lạ vào trại và nguồn thức ăn cũng rất đảm bảo, nhưng không hiểu dịch bệnh từ đâu lại bất ngờ ập đến"- ông Bộ chia sẻ.

Theo ghi nhận của phóng viên, trên địa bàn tỉnh Hưng Yên, đến thời điểm này đã có 11 hộ của 2 xã Trung Nghĩa (TP.Hưng Yên) và xã Yên Hòa, huyện Yên Mỹ có lợn nhiễm bệnh với tổng số lợn bị tiêu hủy hơn 450 con (gần 40.000kg lợn hơi). 

Ông Trần Đăng Tưởng - Phó Chủ tịch UBND xã Trung Nghĩa cho hay: Đến nay, toàn xã mới phát hiện trường hợp hộ gia đình ông Dương Văn Vũ ở thôn Đào Đặng có lợn nhiễm virus dịch tả lợn châu Phi. 

img

Vôi bột được rải trắng xoá trên các tuyến đường làng, ngõ xóm ở xã Yên Hoà. Ảnh: T.Q

Theo ông Dương Văn Vũ, khoảng giữa tháng 1.2019, gia đình phát hiện một vài con lợn bị ốm, bỏ ăn bất thường nên đã gọi cán bộ của công ty thức ăn chăn nuôi về xử lý. Gia đình cũng đã mua thêm thuốc để chữa trị nhưng không được, nên đã báo chính quyền địa phương về lấy mẫu thì mới phát hiện lợn bị dịch tả châu Phi.

"Mặc dù rất đau xót, thiệt hại hàng trăm triệu đồng nhưng chúng tôi vẫn chấp thuận tiêu hủy để đảm bảo an toàn đàn lợn cho mọi người" - ông Dương Văn Vũ nói.

Mong sớm được hỗ trợ

Nói về giải pháp hỗ trợ của địa phương, ông Lê Văn Bộ cho rằng: Bà con chăn nuôi ở Yên Hòa đã chấp nhận hy sinh đàn lợn của mình để đảm bảo an toàn, tránh dịch bệnh lây lan, nhưng mọi người cũng rất mong chính quyền địa phương sớm hỗ trợ số tiền 38.000 đồng/kg lợn hơi bị tiêu hủy để bà con có chút vốn làm lại.

"Giờ gia đình tôi đã "trắng tay", nếu nhà nước không có hỗ trợ kịp thời thì e rằng chúng tôi khó có thể vực dậy được nghề chăn nuôi" - ông Bộ nói.

Ông Nguyễn Minh Quang - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên cho biết, ngày 20.2 tỉnh đã có công văn hỏa tốc chỉ đạo các địa phương triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch bệnh, đồng thời thành lập ban chỉ đạo phòng chống dịch cấp tỉnh và cấp huyện tại TP.Hưng Yên và huyện Yên Mỹ.

Bên cạnh sự hỗ trợ của địa phương, ông Dương Văn Vũ cũng kiến nghị các cơ quan liên quan, nhất là các ngân hàng sớm có cơ chế cho nông dân vay vốn ưu đãi để bà con khôi phục lại chăn nuôi sau khi đợt dịch bệnh này kết thúc. "Nếu các ngân hàng không tạo điều kiện giãn nợ và cho vay thêm vốn ưu đãi thì bà con chúng tôi khó có cơ hội vực lại nghề chăn nuôi” - ông Vũ nói.