Dân Việt

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng: "Tòa xử 10 vụ, cơ quan thuế thua cả 10"

P.V 22/02/2019 07:55 GMT+7
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, 10 vụ kiện của doanh nghiệp đối với quyết định truy thu thuế dựa trên kết luận của Kiểm toán nhà nước thì cơ quan thuế thua cả 10. Từ đây, ông đề nghị, nếu cơ quan thuế ra quyết định theo kết luận của Kiểm toán Nhà nước thì Kiểm toán Nhà nước phải có trách nhiệm cuối cùng.

img

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải

Ngày 21.1, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật quản lý thuế sửa đổi. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải, về nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của Kiểm toán nhà nước (Điều 21) và nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của cơ quan Thanh tra nhà nước  (Điều 22), nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị điều chỉnh khoản 2 Điều 21 và khoản 2 Điều 22 theo hướng Kiểm toán nhà nước, cơ quan Thanh tra nhà nước chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung kiến nghị của Kiểm toán nhà nước, kết luận của cơ quan Thanh tra nhà nước ban hành theo quy định của Luật Kiểm toán nhà nước, Luật Thanh tra.

Vấn đề này, TTUBTCNS và Cơ quan soạn thảo thống nhất tiếp thu như sau: Tiếp thu ý kiến ĐBQH, để bảo đảm thống nhất với quy định tại Điều 7 của Luật Kiểm toán nhà nước về giá trị pháp lý của báo cáo kiểm toán và Điều 9, Điều 10 của Luật Thanh tra về trách nhiệm của cơ quan thanh tra, TTUBTCNS và Cơ quan soạn thảo tiếp thu, chính lý khoản 2 Điều 21, khoản 2 Điều 22 của dự thảo Luật theo hướng, cơ quan Kiểm toán nhà nước, cơ quan Thanh tra nhà nước chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung kết luận do Kiểm toán nhà nước, cơ quan thanh tra ban hành và bỏ khoản 3 Điều 110 và khoản 3 Điều 119 của dự thảo Luật trình Quốc hội.

Đồng thời, để khắc phục tồn tại trong thực tiễn phát sinh khi cơ quan Kiểm toán Nhà nước và cơ quan Thanh tra nhà nước tiến hành thanh tra, kiểm toán cơ quan quản lý thuế có liên quan đến nghĩa vụ người nộp thuế, TTUBTCNS và Cơ quan soạn thảo thống nhất sửa đổi theo hướng, cơ quan Kiểm toán Nhà nước và cơ quan Thanh tra nhà nước phải có trách nhiệm gửi văn bản có kiến nghị cho người nộp thuế về các nội dung có liên quan đến nghĩa vụ của người nộp thuế và người nộp thuế có trách nhiệm thực hiện theo kiến nghị, kết luận của cơ quan Kiểm toán Nhà nước và cơ quan thanh tra.

Trường hợp người nộp thuế không đồng ý với kiến nghị, kết luận của cơ quan Kiểm toán Nhà nước và cơ quan thanh tra thì thực hiện quyền khiếu nại, khởi kiện đối với kiến nghị, kết luận của Kiểm toán Nhà nước và cơ quan Thanh tra nhà nước theo quy định của Luật Kiểm toán Nhà nước, Luật Thanh tra và Luật Khiếu nại và Luật Tố tụng hành chính. Nội dung này được thể hiện tại Điều 20 và 21 của dự thảo Luật.

img

Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng

Tại phiên họp, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cũng cung cấp thông tin, giai đoạn 2013 - 2018, đã phát sinh 14 vụ kiện DN theo kết luận của kiểm toán với số thu 54,48 tỷ đồng.

“Tòa đã xử 10 vụ thì cơ quan thuế thua cả 10. Còn lại đang 3 vụ đang thụ lý và 1 vụ đang tạm dừng do phát sinh tình tiết mới”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nói.

Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng Dũng, cần phân định rõ ràng trách nhiệm. Trường hợp Kiểm toán Nhà nước kiểm toán trực tiếp tại đơn vị nộp thuế thì kiểm toán phải có kết luận, nếu doanh nghiệp kiện là kiện Kiểm toán nhà nước.

Còn trường hợp Kiểm toán nhà nước kiểm toán tại cơ quan quản lý thuế thì cơ quan quản lý thuế cũng là đối tượng, phải có trách nhiệm. Tuy nhiên, trách nhiệm cuối cùng phải thuộc về Kiểm toán Nhà nước vì là đơn vị ra kết luận.

Dẫn chứng vụ việc truy thu thuế Sabeco và Unilever hiện đang được Chính phủ giao Bộ Tài chính và các Bộ, ngành rà soát lại, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng bày tỏ sự không đồng tình: “Kết luận 2 lần ra 2 con số khác nhau. Lần đầu kết luận ra hơn 882,9 tỷ đồng, lần thứ hai là gần 575,8 tỷ đồng. Đối tượng hiện nay mới chấp nhận 316 tỷ đồng. Kết luận kiểu gì lại như vậy? Nếu cơ quan thuế căn cứ trên con số 882,9 tỷ đồng để truy thu họ sẽ kiện”.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho rằng, nếu các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội có ý kiến thì cơ quan soạn thảo tiếp thu viết lại, song đề nghị nếu cơ quan thuế ra quyết định theo kết luận của Kiểm toán Nhà nước thì Kiểm toán Nhà nước phải có trách nhiệm cuối cùng.

img

Tổng Kiểm toán Hồ Đức Phớc

Trước đó, tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV, Tổng Kiểm toán Hồ Đức Phớc và một số ĐBQH cho rằng, quy định trong dự thảo Luật quản lý thuế (sửa đổi) khiến Kiểm toán Nhà nước “bị đẩy ra ngoài”.

Đối với trường hợp "Kiểm toán kết luận, thuế bị kiện", Tổng Kiểm toán Hồ Đức Phớc khẳng định: “Tôi làm Tổng kiểm toán gần 3 năm chưa có một trường hợp nào từ kết luận của Kiểm toán Nhà nước để liên lụy đến cơ quan thuế do người nộp thuế kiện”.

Theo ông Hồ Đức Phớc, có một thực trạng là đụng doanh nghiệp nào, doanh nghiệp ấy cũng "giãy giụa", chẳng hạn Unilever kiện lên Thủ tướng Chính phủ và Ủy ban Tài chính, Ngân sách và giao trở lại, kiểm tra trở lại và xác định 584 tỷ đồng.

“Họ đề nghị được nộp nhưng không chịu phạt. Vấn đề có chịu phạt hay không là do Tổng cục thuế quyết định chứ chúng tôi không quyết định được”, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc nói.