Dân Việt

Thi công kéo dài, Sông Đà gánh 305 tỷ đồng nợ khó đòi

P.V 22/02/2019 08:30 GMT+7
Theo Kiểm toán Nhà nước (KTNN), tính đến 31.12.2017, Tổng công ty Sông Đà và các công ty có liên quan có dư nợ phải thu 10.786 tỉ đồng, trong đó nợ quá hạn là 1.907 tỉ đồng. Trong số nợ quá hạn, tới 16% là nợ khó thu đòi, tương đương 305 tỷ đồng.

Sông Đà gánh 305 tỷ đồng nợ khó đòi  

Kiểm toán Nhà nước mới đây đã hoàn thành báo cáo kiểm toán báo cáo tài chính, các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước năm 2017 của Tổng công ty Sông Đà. Trong đó, nhiều tồn tại xung quanh vấn đề thu hồi nợ được Kiểm toán Nhà nước chỉ rõ.

img

Tổng Công ty Sông Đà phải thu hồi 10.786 tỷ đồng của khách hàng. Trong đó, nợ quá hạn là 1.907 tỉ đồng. (Ảnh minh họa)

Cụ thể, đến cuối năm 2017, Tổng công ty phải thu hồi 10.786 tỷ đồng của khách hàng. Trong đó, nợ trong hạn là 8.879 tỉ đồng, nợ quá hạn là 1.907 tỉ đồng. Trong số nợ quá hạn, tới 16% là nợ khó thu đòi, tương đương 305 tỷ đồng. Ngoài ra, 33% là nợ chưa được đối chiếu xác nhận.

Kiểm toán Nhà nước cho biết, trong nợ quá hạn, nợ phải thu khó đòi của Tổng công ty Sông Đà là 305 tỉ đồng; trong đó, công ty mẹ là 55,6 tỉ đồng; Công ty cổ phần (CTCP) Sông Đà 6 là 35,76 tỉ đồng; CTCP thủy điện Cần Đơn là 72,5 tỉ đồng; CTCP Sông Đà 10 là 67,8 tỉ đồng;….

Kiểm toán nêu rõ, số nợ phải thu chưa được đối chiếu xác nhận là 621,4 tỉ đồng. Một số đơn vị có tỉ lệ đối chiếu nợ phải thu thấp; phân loại nợ phải thu khách hàng theo ngắn hạn và dài hạn còn chưa chính xác.

Theo Kiểm toán Nhà nước, công tác thu hồi nợ còn nhiều hạn chế và khó khăn do các công trình xây lắp thi công kéo dài qua nhiều năm, chậm quyết toán hoặc chậm thanh toán, chủ yếu là các công trình do Tổng công ty làm nhà thầu chính.

Trong đó, một số khoản nợ phải thu lớn trên 3 năm chưa thu hồi được như khoản đặt cọc 35 tỷ đồng từ tháng 9.2013 để mua cổ phần của Công ty cổ phần Đầu tư Hải Thạch BOT dù sau đó hai bên đã thỏa thuận thanh lý hợp đồng. Bên cạnh đó, khoản lãi cho Công ty cổ phần Điện Việt Lào vay vốn lưu động lên tới 811 tỷ đồng cũng chưa được thu hồi.

Ngoài các khoản nợ nêu trên, nhiều dự án đầu tư xây dựng nhà máy thủy điện đã hoàn thành và đi vào vận hành thương mại nhưng chưa được thanh quyết toán đã dẫn tới tồn đọng chi phí sản xuất kinh doanh dở dang kéo dài như dự án Sông Đà 9, 4, 10,….

Thêm vào đó, CTCP Sông Đà 10 (CTCP Thủy điện Nậm He) chưa thu hồi khoản trả trước cho các nhà thầu là 8.744 tỉ đồng và khoản ứng trước tiền mua vật tư cho các cá nhân thuộc CTCP Sông Đà 7 là 6,2 tỉ đồng từ giai đoạn đầu tư Nhà máy Thủy điện Nậm He; hay chậm thanh toán chủ yếu là các công trình do Tổng công ty Sông Đà làm thầu chính.

Những vấn đề bên trong quỹ đất 64,3 triệu m2

Báo cáo của Kiểm toán Nhà nước cũng cho biết, Tổng công ty Sông Đà quản lý, sử dụng 46 khu đất với tổng diện tích hơn 64,3 triệu m2, trong đó có 44 khu đất được giao để tổ chức hoạt động sản xuất kinh doanh, sử dụng làm trụ sở, văn phòng làm việc của Tổng công ty và các đơn vị phụ thuộc. Ngoài ra còn có 2 khu đất được giao để thực hiện dự án khu dân cư.

Về cơ bản, các đơn vị được kiểm toán đã quản lý, sử dụng đất đai, nộp tiền sử dụng đất và trả tiền thuê đất hàng năm theo quy định. Công ty mẹ đang tiến hành các thủ tục bàn giao quyền quản lý và sử dụng đối với diện tích 263m2 tại cơ sở II Hà Đông do không còn nhu cầu sử dụng.

img

Phối cảnh Dự án Khu đô thị Hồ Xương Rồng, thành phố Thái Nguyên. (Ảnh: Internet)

Tuy nhiên, Kiểm toán Nhà nước cũng chỉ ra hàng loạt tồn tại và yêu cầu Tổng công ty chấn chỉnh công tác quản lý đất đai tại hàng loạt khu đất.

Cụ thể, Tổng công ty chưa có đầy đủ hồ sơ pháp lý để thuê khu đất diện tích 2.193m2 tại phường Nam Khê, thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh. Hồ sơ pháp lý của khu đất này còn thiếu quyết định cho thuê đất, hợp đồng thuê đất, quyết định phê duyệt giá… nên từ năm 2006 đến nay công ty tạm nộp tiền thuê đất theo mức giá thuê tạm tích 10.500 đồng/m2.

Bên cạnh đó, Sông Đà cũng chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và các tài sản khác gắn liền với các khu đất diện tích 2.163m2 tại khu đô thị Văn Khê, phường La Khê, Quận Hà Đông, Hà Nội.

Khu đất này được UBND tỉnh Hà Tây (cũ) giao cho CTCP Sông Đà Thăng Long thực hiện dự án Khu nhà ở Văn Khê; CTCP Sông Đà 6 là đơn vị đầu tư thứ cấp và ký hợp đồng mua bán với CTCP Sông Đà Thăng Long để đầy tư xây dựng tại khu đất này. Theo báo cáo của CTCP Sông Đà 6, do thiếu văn bản chấp thuận của UBND tỉnh Hà Tây (nay đã sát nhập về TP. Hà Nội) nên Văn phòng Đăng ký đất đai Hà Nội chưa chấp nhận hồ sơ.

Tổng công ty cũng chưa được gia hạn thuê đất đối với khu đất diện tích 68.087,3m2 để xây dựng tuyến đường vận hành VH1 - Công trình Nhà máy thuỷ điện Nậm He. Khu đất có địa chỉ tại xã Mường Tùng, huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên đã hết hạn thuê từ tháng 12.2012, Công ty đang quản lý làm Văn phòng công ty.

Một trong những tồn tại được nhắc đến, Tổng công ty chưa được điều chỉnh Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với diện tích 135.879,8m2 đất của khu đất xây dựng Nhà máy Thuỷ điện Nậm He. Với khu đất này, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên đã có quyết định ngày 18.12.2012 về việc thu hồi và giao đất cho BQL các dự án giao thông trọng điểm tỉnh để đầu tư xây dựng công trình khác.

Đáng lưu ý, theo kết luận của Kiểm toán Nhà nước, Tổng công ty Sông Đà kê khai thiếu tiền thuê đất 41 triệu đồng và chưa phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện bàn giao diện tích 3.448,9m2 đất tại phường Tân Thịnh, thành phố Hoà Bình và ký lại hợp đồng thuê đất theo quy định.

Khu đất diện tích 770,7m2 tại phường Tân Thịnh, thành phố Hoà Bình mới có thông báo của cơ quan thuế Hoà Bình về tiền thuê đất bổ sung nhưng chưa có hợp đồng điều chỉnh diện tích đất thuê thay đổi và chưa phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện bàn giao 3.448,8m2 đất không còn nhu cầu sử dụng.

img

Ngoài ra, tại báo cáo lần này, Kiểm toán Nhà nước cũng yêu cầu Tổng công ty Sông Đà chấn chỉnh công tác quản lý đầu tư xây dựng tại Dự án Khu đô thị Hồ Xương Rồng, thành phố Thái Nguyên.

Theo đó, Tổng công ty phải phối hợp với các đơn vị có liên quan (tư vấn giám sát, nhà thầu thi công) hoàn tất thủ tục, hồ sơ theo quy định làm cơ sở quyết toán những nội dung chưa đủ điều kiện thanh, quyết toán. Đồng thời, chấn chỉnh, rút kinh nghiệm về những tồn tại thiếu sót trong công tác lập, thẩm định, quyết định đầu tư, thiết kế, lập dự toán, nghiệm thu thanh quyết toán.