Dân Việt

“Vận hạn” Nhâm Thìn nhìn từ sinh, khắc, chế hóa

29/01/2012 06:42 GMT+7
Năm Nhâm Thìn (2012) còn được gọi là năm con rồng. Rồng trong quan niệm của Đông Phương là một loại vật biểu tượng cho quyền uy, sự thành đạt.

Người Việt Nam vốn là dân tộc trồng lúa nước, thì biểu tượng rồng có lẽ thân gần thiết thực hơn. Rồng sống ở biển lớn, sông to, khi vẫy vùng thì phun ra mưa gió, báo hiệu về một nguồn nước dồi dào, thuận lợi cho việc tưới tiêu gieo trồng lúa.

“Nhất nước, nhì phân…” mà. Nói chung, rồng là một biểu tượng rất có quyền uy và giá trị thiết thực cho đời sống con người. Bởi thế chăng mà con người có tâm lý thích sinh được con cháu trong năm tuổi này?

Năm Nhâm Thìn, theo lịch can chi, tượng ngũ hành thuộc Trường lưu thủy- nước sông dài. Tính chia thiên can thì Nhâm thuộc dương thủy, địa chi Thìn thuộc dương thổ và Thìn – lại là mộ địa của hai hành là Thổ và Thủy. Thủy- Thổ cũng là hai hành tương khắc nhau.

img

Mọi nguồn thủy, dù là Thiên hà thủy hay Đại khê thủy khi đã gặp thổ- Thìn là gặp mộ chứa, đều bị vây giữ lại, trở nên tĩnh lặng hơn. Vì vậy, tính hữu dụng của thủy ở đây thường trở nên khá đắc dụng. Những người sinh năm Nhâm Thìn, cầm tinh con rồng nước này, đa phần là những người phong lưu nho nhã, có tài về lĩnh vực nào đó.

Tuy nhiên, thổ -thủy của thiên can địa chi ở tuổi này nằm trong thế tương khắc, tương tranh nên người mang mệnh này cũng chịu những điều gian nan vất vả. Họ thường khá phải bươn trải trong cầu danh cầu tài. Và trong số họ, nhiều người còn chịu hình khắc về mặt gia đình…

Tượng Nhâm Thìn rất cần có sự bổ trợ của hành kim, đặc hiệu với Sa trung kim để nuôi nguồn, cần đến Sa trung thổ (tuổi Bính Thìn, Đinh Tị), Đại dịch thổ (tuổi Mậu Thân, Kỷ Dậu), tạo thành dòng chảy bền vững cho nó. Về hình khắc, thì Nhâm Thìn ít sợ sự hình khắc nào. Vì theo quy luật tương khắc của ngũ hành, thổ khắc thủy, song ở đây, là Trường lưu thủy lại cần gặp thổ để làm nên và ngăn dòng cho “nước sông dài” được có dòng.

Nhưng là một hành thủy mang lưu lượng lớn – Nước sông dài- nên tác hại, hay đặc dụng của Nhâm Thìn khi các mệnh tuổi khác đi tới, gặp phải thì là việc đáng bàn.

Vậy những tuổi- mang mệnh ngũ hành nào thành tốt, hay xấu khi “con rồng nước” này xuất hiện?

Theo nguyên lý sinh khắc của ngũ hành năm Nhâm Thìn là Thủy – sinh Mộc. Trường lưu thủy sẽ đem lại lợi ích lớn hơn cho các loại Mộc – cây cối có thân hình gốc rễ sinh trưởng ở bãi bờ vườn ruộng như lúa ngô, cỏ - Bình địa mộc (Mậu Tuất, Kỷ Hợi), cây dâu – Tang đố mộc (Nhâm Tí, Quý Sửu)… và sẽ là vô ích với Thạch lựu mộc (Canh Thân, Tân Dậu), có thể còn gây nguy hại cho Dương liễu mộc (Nhâm Ngọ, Quý Mùi).

Hành thủy khắc hành hỏa. Lưu trung hỏa (Bính Dần, Đinh Mão), Phú đăng hỏa (Giáp Thìn, Ất Tị) gặp Trường lưu thủy thì tai họa, gian khó. Tích lịch hỏa (Mậu Tí, Kỷ Sửu), Thiên thượng hỏa (Mậu Ngọ, Kỷ Mùi) không mấy e ngại khi gặp Trường lưu thủy. Và ngược lại, Sơn đầu hỏa (Giáp Tuất, Ất Hợi), Sơn hạ hỏa (Bính Thân, Đinh Dậu) mà gặp Trường lưu thủy nhiều khi còn góp phần làm đẹp cho nhau.

Hành thổ khắc thủy. Tuy ở thế “khắc nhập” nhưng nếu Bích thượng thổ (Canh Tý, Tân Sửu), Ốc thượng thổ (Mậu Thân, Kỷ Dậu) gặp Trường lưu thủy thì lại bị gây thương tổn lại. Sa trung thổ (Bính Thìn, Đinh Tỵ), Đại dịch thổ (Mậu Thân, Kỷ Dậu ) gặp Trường lưu thủy sẽ gặt hái được những thành công bất ngờ. Thành đầu thổ (Mậu Dần, Kỷ Mão) vô hại, thậm chí còn được vẻ uy nghiêm, uy lực trước Trường lưu thủy.

Hành kim sinh thủy. Tuy ở thế tương sinh, nhưng là “sinh suất” nên những tuổi kim năm nay ít nhiều chịu hao hụt. Sa trung kim (Giáp Ngọ, Ất Mùi), Kiếm phong kim (Nhâm Thân, Quý Dậu), Bạch lạp kim (Canh Thìn, Tân Tị) khá tốt lành với Trường lưu thủy, Hải trung kim (Giáp Tí, Ất Sửu), Kim bạc kim (Nhâm Dần, Quý Mão) được vững vàng. Duy chỉ có Thao xuyến kim thì cần giữ gìn khi gặp tháng thủy cường như các tháng 3, 4, 5 âm lịch.

Theo Phụ nữ Thủ đô