Dân Việt

Thượng đỉnh Mỹ-Triều: Vấn đề cốt lõi nhất của Trump-Kim

Đại sứ Trần Đức Mậu 25/02/2019 13:00 GMT+7
Ở Thượng đỉnh Mỹ-Triều tại Hà Nội, điều quan trọng nhất và quyết định nhất là tiến trình hoà bình và hoà giải giữa Mỹ và Triều Tiên phải tiếp tục tiến triển và thể hiện ở kết quả của cuộc gặp của họ ở Hà Nội. Họ định tính chứ không định lượng kết quả cuộc gặp để coi là thành công

img

Tổng thống Mỹ Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong un.

Phía Triều Tiên chính thức xác nhận muộn hơn phía Mỹ về tiến hành cuộc gặp giữa tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un ở Hà Nội trong ngày 27 và 28.2 tới. Nhìn vào những biểu hiện ra bên ngoài từ chuyện đàm phán về nội dung của đoàn tiền trạm lẫn tiến trình chuẩn bị các công việc hậu cần và đặc biệt từ những biểu thị thái độ chính thức của cả hai phía thì cảm nhận chung có thể dễ dàng có được là cuộc gặp cấp cao lần thứ 2 này giữa Mỹ và Triều Tiên chắc chắn sẽ đạt kết quả trong khi coi nó có thành công hay không lại là chuyện tuỳ thuộc vào tiêu chí đánh giá của phía đánh giá những kết quả ấy.

Cả Triều Tiên lẫn Mỹ đều không cụ thể hoá những mục tiêu muốn đạt được ở lần ông Trump và ông Kim Jong-un gặp lại nhau này. Đối với họ, điều quan trọng nhất và quyết định nhất là tiến trình hoà bình và hoà giải giữa Mỹ và Triều Tiên phải tiếp tục tiến triển và thể hiện ở kết quả của cuộc gặp của họ ở Hà Nội. Họ định tính chứ không định lượng kết quả cuộc gặp để coi là thành công. Chính ông Trump cũng đã từng cho biết là không vội vã với tiến trình này. Chỉ riêng việc họ đồng ý gặp lại nhau thôi đã đủ để thấy là họ sẽ đạt được với nhau thoả thuận gì đấy mà cả hai phía có thể dùng nó làm bằng chứng về thành công của cuộc gặp. Ít nhất phải như thế nhưng không loại trừ còn có thể nhiều hơn thế.

Lần gặp nhau trước ở Singapore, ông Trump và ông Kim Jong-un nhất trí với nhau là hai bên cùng gây dựng cơ chế hoà bình vững chắc và lâu dài cho bán đảo Triều Tiên, Triều Tiên cam kết phi hạt nhân hoá hoàn toàn, Mỹ đảm bảo an ninh cho Triều Tiên và hai bên xây dựng mối quan hệ mới. Ngoài ra còn có thoả thuận hai bên hợp tác tìm kiếm nhân viên Mỹ bị mất tích trong cuộc chiến tranh ở Triều Tiên. Việc tìm kiếm nhân viên Mỹ bị mất tích này hai bên đã triển khai thực hiện nên chắc chắn sẽ được tiếp tục thoả thuận và thúc đẩy ở cuộc gặp của họ tại Hà Nội. Trong những điểm còn lại kia, tất cả đều vẫn còn rất chung chung, chưa tiến triển được nhiều, chưa kiểm chứng được lắm. Ở Hà nội lần này, ông Trump và ông Putin sẽ phải đi xa hơn ở Singapore, khoing được nhiều thì cũng phải được ít chứ không thể lặp lại chỉ như thế.

Ba khía cạnh ấy liên quan mật thiết với nhau và chi phối lẫn nhau. Cái khó đối với ông Trump và ông Kim Jong-un hiện tại và ở Hà Nội là bắt đầu từ đâu, thoả hiệp nhau ở nội dung nào trước hết và nhiều nhất để tạo nên bước chuyển khai thông đột phá quyết định mới. Họ phải lựa chọn giữa hai cách tiếp cận là giải quyết những vấn đề vướng mắc (phi hạt nhân hoá và đảm bảo an ninh) để gây dựng mối quan hệ song phương mới hay ngược lại. Tương tự như vậy với cách tiếp cận của hai bên về hoà bình bền vững và lâu dài cho bán đảo Triều Tiên. Vấn đề nào là cốt lõi nhất đây ?

Cho tới nay, Mỹ và Triều Tiên nhất trí với nhau về những khái niệm làm mục tiêu cho tiến trình này như Triều Tiên phi hạt nhân hoá và Mỹ đảm bảo an ninh cho Triều Tiên nhưng lại không có cách hiểu như nhau về những khái niệm này. Bởi vậy, thực chất điều khó nhất đối với họ bây giờ là đạt được sự nhất trí với nhau về nội hàm của định nghĩa cho cả hai khái niệm nói trên. Tức là họ phải nhất trí được với nhau những nội dung cụ thể của việc phi hạt nhân hoá và của việc Mỹ đảm bảo an ninh cho Triều Tiên, từ đó cùng nhau xác định kế hoạch và lộ trình triển khai thực hiện, cụ thể đến mức thể hiện rõ cái gì được bên nào làm khi nào, được kiểm chứng và xác thực ra sao. Chỉ như vậy thì lòng tin lẫn nhau mới có thể được dần gây dựng, củng cố và tăng cường. Không có sự tin cậy lẫn nhau này, tiến trình không thể bền vững và kết quả mà chừng nào không được bền vững và không đưa lại kết quả cụ thể thì chừng đó hai bên chưa thể loại bỏ được hoàn toàn nguy cơ và khả năng tiến trình bị đảo ngược.

Cho nên hiện có thể dự liệu được là ở Hà Nội, ông Kim Jong-un sẽ có nhượng bộ mới cho ông Trump về nội dung phi hạt nhân hoá còn ông Trump sẽ có mức độ mới thoả mãn yêu cầu của Triều Tiên về an ninh và nới lỏng các biện pháp trừng phạt. Có thể chưa nhiều, nhưng chắc chắn sẽ có và cụ thể chứ không chung chung, thiết thực chứ không hình thức.