Kinh tế toàn cầu sụt giảm
Theo báo cáo của LHQ, kinh tế thế giới đang đứng trước bờ vực suy thoái mạnh và năm 2012 cũng như 2013 sẽ chứng kiến sự tăng trưởng yếu ớt của nền kinh tế toàn cầu.
Hai nhà lãnh đạo hàng đầu châu Âu dự báo, châu Âu tiếp tục ảm đạm trong năm 2012. |
Báo cáo cho biết, kinh tế toàn cầu chỉ đạt tốc độ tăng trưởng 2,6% trong năm 2012 và 3,2% trong năm 2013, so với 4% năm 2010. Tuy nhiên, mức tăng trưởng này chỉ đạt được nếu châu Âu ngăn chặn thành công cuộc khủng hoảng nợ công và các nước phát triển ngừng áp dụng các biện pháp thắt lưng buộc bụng.
Theo WESP, các nước phát triển có nguy cơ rơi vào vòng xoáy suy thoái vì các vấn đề như nợ công lớn, tài chính bấp bênh, cầu thấp và sự tê liệt về chính sách. Các nước đang phát triển và các nền kinh tế trong thời kỳ quá độ tiếp tục là động lực thúc đẩy kinh tế toàn cầu với tốc độ tăng trưởng trung bình 5,4% năm 2012 và 5,8% năm 2013, song thấp hơn nhiều so với tốc độ 7,1% năm 2010.
Trong số những nền kinh tế mới nổi, Trung Quốc và Ấn Độ được đánh giá sẽ tiếp tục đạt tốc độ tăng trưởng mạnh, nhưng sẽ giảm dần trong các năm 2012 và 2013. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc giảm từ 10,3% năm 2010 xuống lần lượt 9,3% năm 2011 và xuống dưới 9% trong 2 năm tiếp theo. GDP của Ấn Độ được dự báo chỉ tăng trong khoảng 7,7-7,9% trong năm nay và năm tới, so với 8,5% năm 2010.
Các nước có thu nhập thấp đã trải qua thời kỳ suy giảm nhẹ tính về thu nhập theo đầu người, với mức tăng thu nhập giảm từ 3,8% năm 2010 xuống 3,5% năm 2011. Riêng các nước nghèo hơn và các nước kém phát triển nhất, tốc độ tăng thu nhập trung bình bằng hoặc cao hơn một chút trong năm 2012 và 2013.
Mấu chốt vẫn là nợ công châu Âu
Trong báo cáo, LHQ cho rằng việc các nhà hoạch định chính sách, đặc biệt ở châu Âu và Mỹ, không giải quyết được vấn đề nợ công và không ổn định được khu vực tài chính sẽ tạo nguy cơ nghiêm trọng cho nền kinh tế toàn cầu trong năm 2012 và 2013. Các nhà phân tích nhận định, những khó khăn ở một trong 2 nền kinh tế này có thể dễ dàng ảnh hưởng đến nền kinh tế kia và đẩy thế giới vào một cuộc suy thoái mới.
Trong khi đó, hai nước lãnh đạo hàng đầu châu Âu là Đức và Pháp đã đưa ra những lời cảnh báo về một năm mới đầy khó khăn đối với đồng euro sau khi thị trường châu Âu chìm vào cơn khủng hoảng nợ năm 2011.
Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết “gánh nặng về cuộc khủng hoảng nợ ở châu Âu vẫn còn tiếp tục”. Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy thì cho rằng năm 2012 sẽ “đầy rủi ro” nhưng đồng thời cũng có nhiều hy vọng và cơ hội để phát triển.
Ông Sarkozy cam kết chính sách kinh tế của Paris sẽ không bị thị trường hoặc các tổ chức xếp hạng chi phối. Cũng theo ông Sarkozy, việc vươn lên khỏi cuộc khủng hoảng nợ, xây dựng một mô hình phát triển mới và tái sinh một châu Âu mới là một số thử thách đối với các nước trong khu vực này.
Trước những viễn cảnh không mấy sáng sủa, LHQ hối thúc các nước phát triển không áp dụng các biện pháp thắt lưng buộc bụng một cách vội vàng và kêu gọi thế giới tăng cường phối hợp các biện pháp kích thích kinh tế, tạo việc làm, đầu tư cho cơ sở hạ tầng, sử dụng năng lượng hiệu quả, đảm bảo nguồn cung năng lượng ổn định và an ninh lương thực.
Quang Minh