Sau quyết định trước thì bước đi tiếp theo của Standard & Poor's không có gì là phi lô gic. Quỹ EFSF được các thành viên nhóm sử dụng đồng euro bảo lãnh và một khi đại đa số các thành viên của nhóm này bị hạ bậc xếp hạng tín nhiệm thì EFSF không thể tránh khỏi bị đánh giá như thế. Standard & Poor's đã đâm lao thì phải theo lao.
Nhưng phản ứng của EU cũng lại cho thấy EU tương tự như vậy. Để tránh và đối phó với tác động tai hại của việc bị hạ mức xếp hạng tín nhiệm, EU luôn chủ ý tỏ ra coi thường hoặc ít nhất không để bị ấn tượng và tác động bởi quyết định của các hãng xếp hạng tín nhiệm của Mỹ, vừa reo rắc hoài nghi về tính chuẩn xác trong các đánh giá xếp hạng của các hãng xếp hạng tín nhiệm, vừa chủ định dùng quy định pháp lý mới để hạn chế uy lực và phạm vi hoạt động của các hãng xếp hạng tín nhiệm ấy.
Cứ cho là Hãng Standard & Poor's có cả mục đích và động cơ chính trị trong những quyết định hạ thấp uy tín của EU, chuyện này vẫn có tác động rất tiêu cực tới EU. Quyết định mới đây của Standard & Poor's làm cho việc giải cứu đồng euro của EU khó khăn thêm. Như nước Đức tránh được lần trước thì bị đòn ở lần sau. Quỹ EFSF phụ thuộc vào khả năng tài chính của Đức sau khi Pháp bị hạ bậc. Bây giờ, Standard & Poor's nghi ngờ EFSF, nhưng cả hàm ý nghi ngờ Đức, tuy lần đầu tiên, nhưng đủ để tạo ra tiền lệ mới rất tai hại cho cả EU.
Huệ Như