Thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, trong 2 năm qua, nhiều nông dân ở Kiên Giang đã tích cực khai thác tiềm năng, lợi thế để nâng cao hiệu quả sản xuất. Trên các cánh đồng, nhiều giống lúa, rau màu, cây trái mới được đưa vào sản xuất, góp phần cải thiện thu nhập, giúp người dân vươn lên khá, giàu.
Trái ngọt đầu mùa
Đưa chúng tôi thăm vườn ổi của gia đình, anh Nguyễn Thành Luận (ngụ ở thị trấn Tân Hiệp, huyện Tân Hiệp) chia sẻ: “Mảnh vườn này trước đây là đất ruộng, cho thu nhập rất thấp. Năm 2016, trong một lần qua Đồng Tháp thăm người thân, tôi thấy trong vườn có một giống ổi rất sai quả, hỏi ra mới biết đó là ổi lê Đài Loan. Về quê, tôi bàn với gia đình cải tạo toàn bộ đất vườn và nhờ người gửi về vài chục cây ổi giống để trồng”.
Anh Luận (bên trái) trao đổi về kỹ thuật trồng ổi lê Đài Loan với người dân địa phương. Ảnh: Ngọc Quyên
Huyện Vĩnh Thuận đã chuyển gần 1.200ha đất sản xuất lúa 2 vụ và hơn 100ha đất cây trồng khác sang mô hình tôm - lúa. Huyện có trên 95% diện tích sản xuất lúa chất lượng cao đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, đồng thời quy hoạch vùng sản xuất lúa chất lượng cao 3.000ha kết hợp với mô hình 2 lúa - 1 màu, chuyên màu kết hợp trồng cây ăn trái… |
Sau khi trồng thử thấy giống ổi này phù hợp với thổ nhưỡng ở địa phương, anh Luận quyết định mua tiếp 200 gốc ổi lê về phủ kín khu vườn. Nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật, vườn ổi của anh Luận phát triển tốt, cho sai trái và thu hoạch quanh năm, lãi khoảng 40 triệu đồng/năm. Với mô hình này, cuộc sống của gia đình anh đã khá hơn trước.
Theo anh Luận, giống ổi lê quả to, giòn, ngọt, được thị trường ưa chuộng nên dễ tiêu thụ. Điểm đặc biệt là ổi lê có bộ rễ mạnh, chịu phèn tốt, thân cành chắc khỏe nên có khả năng chống chịu tốt với gió. Đặc biệt, để trái ổi không bị cháy nắng, có hình dáng đẹp, cũng như chống được ruồi vàng đục trái làm hư hỏng, anh Luận dùng túi nylon bọc từng quả lại từ khi còn nhỏ nhằm hạn chế sử dụng phun thuốc bảo vệ thực vật.
Chia sẻ với phóng viên, bà Phan Kim Loan – Trưởng phòng NNPTNT huyện Tân Hiệp cho biết: Để từng bước giúp người dân nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống, các ngành, các cấp trong huyện đã vận động người dân tích cực phát triển mô hình vườn – ao – chuồng, tận dụng khai thác hiệu quả đất đai, lao động. Hiện toàn huyện có hơn 700 hộ thực hiện mô hình vườn – ao – chuồng, mô hình đa canh tổng hợp có thu nhập từ 300 – 500 triệu đồng/hộ/năm, hàng chục mô hình kinh tế trang trại cho thu nhập từ 700 triệu đồng đến trên 1 tỷ đồng/năm.
Với những tác động từ mọi nguồn lực, sự chủ động thay đổi tập quán canh tác, đời sống vật chất, tinh thần của người dân huyện Tân Hiệp không ngừng được cải thiện. Theo đó, năm 2018, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn ở đây đạt 40,6 triệu đồng tăng 7,6 triệu đồng so năm 2016.
Mạnh dạn thay đổi
Bên cạnh những mô hình trồng trọt mới cho hiệu quả cao, con tôm càng xanh cũng đang trở thành một trong những vật nuôi chủ lực ở Kiên Giang, giúp nhiều hộ gia đình có đời sống khấm khá.
Từ năm 2005, ông Phạm Văn Tư ở ấp Đồng Tranh, xã Vĩnh Bình Bắc (huyện Vĩnh Thuận) cùng vài nông dân khác nuôi thử nghiệm loài tôm càng xanh. Trước đó, thấy trồng lúa không hiệu quả, ông Tư đã quyết định chuyển qua nuôi tôm sú. Vụ tôm đầu tiên thành công, vụ thứ hai ông Tư tiến hành thử nghiệm nuôi ghép tôm sú cùng tôm càng xanh. Tôm sú nuôi khoảng 4 tháng thì thu hoạch, còn tôm càng xanh 5-6 tháng. Tuy nhiên, điều ông Tư rút ra được là khi 2 loại tôm này được nuôi chung thì lại không nhiễm bệnh cho nhau.
Theo ông Tư, muốn nuôi tôm càng xanh phải “nuôi” nước trước mới thả tôm. Vụ nuôi vừa thu hoạch xong, tát cạn rồi phơi vuông 10-15 ngày, sau đó cho nước vào, tạt vôi và gây màu nước bằng chế phẩm sinh học. Định kỳ 10 ngày thay nước một lần để kích thích tôm lột vỏ, mau lớn. Ông Tư tính toán, mỗi năm nuôi 2 vụ tôm có thể thu lãi khoảng 200 triệu đồng.
Được biết, thức ăn cho tôm càng xanh có thể dùng thức ăn công nghiệp, song từ tháng thứ 4 trở đi nông dân có thể cho tôm ăn độn, từ gạo lứt, ốc, cá vụn, khoai mì… Dù tỷ lệ hao hụt khoảng 50%, song tôm càng xanh nuôi ở ấp Đồng Tranh cho sản lượng và năng suất khá cao, đạt từ 500-600kg/ha.
Theo Phòng NNPTNT huyện Vĩnh Thuận, thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đến năm 2017, huyện đã chuyển dịch được hơn 1.300ha đất trồng cây sang nuôi trồng thủy sản, nâng diện tích tôm nuôi lên gần 24.000ha, tăng hơn 1.300ha; sản lượng tôm nuôi tăng từ 9.350 tấn lên hơn 12.800 tấn so năm 2015.