Dân Việt

Cách mạng 4.0 đổ bộ, lao động nữ gặp khó vì doanh nghiệp ngại tuyển

Nguyệt Tạ 11/03/2019 10:28 GMT+7
Hơn một nửa tổng số lao động hiện có ở Việt Nam là lao động nữ. Tuy vậy, cả trong khu vực chính thức và lao động phi chính thức, lao động nữ đang phải đối mặt với môi trường lao động khó khăn và bất lợi, nhất là khi Cách mạng công nghiệp 4.0 ào ạt “đổ bộ”.

Doanh nghiệp ngại tuyển lao động nữ

Bà Đặng Thị Kim Chi (Trưởng ban Nữ công Công đoàn Khu công nghiệp VSIP Bình Dương) cho biết, tại Khu công nghiệp này, các hoạt động chăm lo đời sống, vật chất, tinh thần cho lao động nữ được quan tâm. Nhiều công đoàn cơ sở đã thương lượng, đưa vào thỏa ước lao động tập thể một số phúc lợi dành riêng cho lao động nữ.

img

Lao động nữ khó tiếp cận cơ hội việc làm khi tuổi đã ngoài 35. Ảnh:  N.T

“Việt Nam có 55 triệu lao động, trong đó có hơn 26 triệu là lao động nữ và 29 triệu lao động nam. Gần 70% lao động nữ của Việt Nam sống ở nông thôn, làm công việc ở khu vực phi chính thức như nông nghiệp, dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp...”.

Tuy vậy, vẫn còn xảy ra tình trạng, dù Bộ luật Lao động quy định “ưu tiên tuyển lao động nữ” nhưng tâm lý chung của các doanh nghiệp là ngại tuyển lao động nữ. Bởi hiện nay, với nền kinh tế thị trường, các chi phí sử dụng lao động nữ cao hơn so với lao động nam, nên nhiều doanh nghiệp chỉ muốn tuyển dụng lao động trẻ để sa thải lao động nữ có tuổi cao, tay nghề thấp...

Ngoài ra, có một số doanh nghiệp thông báo chỉ tuyển lao động nữ độ tuổi từ 18 đến 25 tuổi, như vậy là đã loại tất cả lao động nữ tuổi đời trên 26 tuổi. Cá biệt, có doanh nghiệp chỉ tuyển lao động nam, mặc dù Điều 154 Bộ luật Lao động đã quy định: "Bảo đảm thực hiện bình đẳng giới và các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới trong tuyển dụng,  sử dụng, đào tạo lao động nữ".

Thêm vào đó, lao động nữ cũng gặp nhiều rào cản liên quan tới thời gian sinh đẻ, thai sản, hay phải chia sẻ thời gian trong việc chăm sóc con cái.

Bà Nguyễn Thu Giang - Phó Giám đốc Viện Phát triển sức khỏe cộng đồng Ánh Sáng (Light) cho rằng: “Phụ nữ lao động trong khu vực phi chính thức đã chịu nhiều thiệt thòi, nhưng phụ nữ làm việc ở khu vực ngoài chính thức còn chịu nhiều thiệt thòi gấp bội phần. Bản thân họ không được hưởng quyền lợi bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và nhiều chính sách khác nữa. Ngay cả cơ hội được tiếp cận việc làm cũng rất khó khăn, một số đông dù có việc làm có hợp đồng lao động, nhưng trong xu thế hội nhập, những lao động nữ yếu kỹ năng, nhiều tuổi vẫn có nguy cơ bị đào thải ra khỏi thị trường lao động”.

Chính sách chưa “trúng”

Từ thực tế trên, bà Chi đề nghị, cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chế độ chính sách đối với lao động nữ và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Thêm vào đó các chính sách ưu đãi đối với doanh nghiệp sử dụng đông lao động nữ phải cụ thể, đơn giản hóa thủ tục giải quyết miễn giảm thuế, dễ thực hiện.

Bên cạnh đó, Nhà nước cần sửa đổi một số quy định của pháp luật lao động liên quan đến lao động nữ như quy định gia hạn hợp đồng cho lao động nữ mang thai, sinh con, nuôi con nhỏ khi hợp đồng hết hạn, quan tâm các điều kiện đặc thù cho lao động nữ như nhà vệ sinh, nhà tắm, buồng thay quần áo, phòng y tế tại các doanh nghiệp đông lao động nữ. Đảm bảo thực hiện các quy định cho nữ trong thời kỳ thai sản, nuôi con nhỏ. Ngoài ra, phải tính toán lộ trình thực hiện tuổi nghỉ hưu của lao động nữ một cách phù hợp.

Cũng với ý kiến trên, bà Ôn Thị Thanh Thủy - Phó Trưởng ban Tuyên giáo - Nữ công (Liên đoàn Lao động tỉnh Vĩnh Long) đề xuất, Quốc hội xem xét những quy định mới tạo điều kiện cho chị em tiến tới mục tiêu bình đẳng giới một cách thiết thực, hiệu quả hơn, từ đó họ có một môi trường làm việc an toàn, yên tâm công tác.

Bà Lê Thị Ngọc Bích - Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH May NienHsing Ninh Bình đề nghị, các cơ quan chức năng tiếp tục nghiên cứu, tham mưu hoàn thiện hơn nữa hệ thống chính sách pháp luật, nhất là những vấn đề liên quan trực tiếp đến công nhân lao động, đặc biệt là công nhân trong các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất.

Bên lề sự kiện Biểu dương Cán bộ nữ công tiêu biểu (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam), bà Tòng Thị Phóng - Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nhấn mạnh, trong thời gian tới, cần tăng cường công tác kiểm tra chính sách với lao động nữ, đồng thời, trong công tác kiểm tra này, tổ chức công đoàn đóng vai trò rất quan trọng.