Dân Việt

Campuchia lo dịch tả heo châu Phi lây qua đường “tiểu ngạch"

Nguyễn Vy 26/02/2019 14:00 GMT+7
Mặc dù Bộ Nông, Lâm nghiệp và Thủy sản Campuchia đã công bố các biện pháp ngăn chặn dịch tả heo châu Phi có thể bùng phát, nhưng nhiều người vẫn lo ngại rằng lợn nhập lậu có thể mang bệnh sang vương quốc này.

Mới đây, tờ nhật báo tiếng Anh Phnom Penh Post của Campuchia dẫn lời ông Srun Poav – Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Campuchia cho biết việc phát hiện dịch tả heo (lợn) châu Phi (ASF) ở Việt Nam đã khiến nhiều người lo lắng.

img

Tờ nhật báo Phnom Penh Post mô tả lo ngại về dịch bệnh có thể lây lan qua nhập lậu.

Dù đã có các biện pháp phòng chống, nhưng ông này nói lợn vẫn sẽ được đưa vào qua đường nhập lậu: “Chúng tôi lo ngại việc nhập khẩu bất hợp pháp cả lợn ốm và lợn khỏe mạnh từ Việt Nam sang Campuchia”.

Theo Poav, dù chưa phát hiện ASF ở Campuchia, nhưng rõ ràng cần phải có biện pháp phòng ngừa chủ động. Vương quốc này nhập khẩu rất nhiều lợn từ Việt Nam. Trung bình, Campuchia tiêu thụ khoảng 5.000 con lợn mỗi ngày; khoảng 20% trong số đó được nhập khẩu từ Việt Nam và Thái Lan.

Để đối phó với những lo ngại ngày càng tăng, ngày 21.2, Bộ Nông, lâm nghiệp và thủy sản Campuchia đã ban hành một chỉ thị chi tiết các biện pháp khẩn cấp để ngăn chặn bệnh lây lan.

Bộ này kêu gọi tất cả các tổ chức liên quan, đặc biệt là các tổ chức ở các tỉnh giáp biên giới Việt Nam thực hiện một loạt các biện pháp cần thiết.

img

ASF không ảnh hưởng tới sức khỏe con người, nhưng ở lợn, nó gây ra bệnh sốt xuất huyết với tỷ lệ tử vong gần 100%.

Trong đó, việc nhập khẩu trái phép lợn sống và các sản phẩm thịt lợn từ Việt Nam phải dừng ngay lập tức. Tất cả lợn và các sản phẩm thịt lợn phải có giấy chứng nhận vệ sinh từ nước xuất khẩu. Khâu chăn nuôi cũng phải được giám sát chặt chẽ.

Chia sẻ vấn đề này, ông Trần Vĩnh Xuyên, người dân sống ở huyện Châu Thành (tỉnh Tây Ninh) cho biết những lo ngại của Campuchia là hoàn toàn có cơ sở vì 2 nước có chung đường biên giới.

Trước đó, kết quả giải trình tự gien của Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho thấy chủng virus ASF phân lập tại 2 tỉnh Hưng Yên và Thái Bình giống nhau 100%, và giống với chủng virus ASF gây bệnh tại Trung Quốc.

“Ngoài ra, dịch tả ASF có thể chưa xuất hiện nhưng virus của các mầm bệnh khác hoàn toàn có thể lây lan qua lợn mua bán trái phép”, ông Xuyên nhận định.

img

Bệnh lở mồm long móng cũng tìm ẩn nguy cơ lây nhiễm qua đường vận chuyển gia súc.

Ngay tại huyện Châu Thành, Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện này cũng vừa cho biết ngày 11.1 đã tổ chức tiêu hủy 51 con lợn mắc bệnh lở mồm long móng (LMLM) không có nguồn gốc xuất xứ đang chuẩn bị tiêu thụ qua biên giới.

Vụ việc xảy ra ngay tại xã Biên Giới (huyện Châu Thành), gần chốt Biên phòng Cây Da. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng đã phát hiện 1 xe tải mang biển số 62C - 090.75  do tài xế Phan Khánh Nhân điều khiển chở theo 51 con lợn được mua từ một trang trại ở Đồng Nai để bán sang Campuchia.

Tất cả số lợn không có giấy chứng nhận kiểm dịch động vật xuất tỉnh, không rõ nguồn gốc và mắc bệnh LMLM nêu trên đã bị tiêu hủy.

img

Trạm chăn nuôi thú y huyện Châu thành tạm giữ số lợn nghi mắc bệnh để chờ kết quả xét nghiệm.

Theo ông Huỳnh Tấn Phát – Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi thú y TP.HCM, không chỉ ASF mà các loại bệnh khác cũng tìm ẩn nguy cơ lây nhiễm cao. Hiện nay đang thời điểm giao mùa, dễ phát sinh dịch bệnh trong chăn nuôi. Một trong những con đường lây lan mầm bệnh là vận chuyển gia súc, gia cầm.

Hôm giữa tháng 2, Chi cục chăn nuôi và thú y TP.HCM gửi công văn đến Chi cục các tỉnh như Đồng Nai, Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Vũng Tàu, Bình Phước… đề nghị không kiểm dịch xuất tỉnh đối với các trường hợp gia súc mới khỏi về triệu chứng lâm sang của bệnh LMLM về TP.HCM.