Dân Việt

Cựu lưu học sinh kể về hành trình đi tàu từ Hà Nội sang Triều Tiên

Lê Anh - Đông Sơn 26/02/2019 07:01 GMT+7
Đã 55 năm trôi qua, nhưng kỹ sư Lê Ngọc Túc vẫn nhớ như in hành trình trên con tàu liên vận từ Hà Nội xuyên Trung Quốc sang Triều Tiên để bắt đầu 7 năm du học ở nước bạn.

img

Ông Túc (trái) và người bạn học Triều Tiên. (Ảnh tư liệu gia đình)

Đã sang tuổi 75, nhưng ông Lê Ngọc Túc ở phường Đông Vệ, thành phố Thanh Hóa, nguyên Đại úy thuộc Cục Xăng dầu, Tổng Cục Hậu cần QĐNDVN, sau chuyển ngành làm kỹ sư tại Sở Khoa học Công nghệ Thanh Hóa cho đến khi về hưu, vẫn còn nhớ như in về hành trình đi tàu liên vận từ Hà Nội sang nước bạn.

Một tuần xuyên đất nước Trung Quốc

“Tôi sinh năm 1944, suốt quá trình tuổi thơ tôi lớn lên và học phổ thông ở vùng lúa huyện Nông Cống, Thanh Hóa”, ông kể lại.

“Sau buổi học tôi chỉ biết đến chăn trâu, cắt cỏ giúp gia đình mà thôi. Lúc đó, đất nước còn bề bộn khó khăn. Tôi học hết cấp 3 người vẫn ốm nhom, nếu không thì đã đi nghĩa vụ quân sự. Rất may kết quả học tập của tôi tốt, lý lịch gia đình cũng tốt nên được vào danh sách đi học tập ở nước ngoài”, ông Túc bồi hồi.

Vậy là đầu hè năm 1964, ông Túc được giấy gọi ra tập trung ở Đại học Sư phạm vài tháng để vừa học chính trị vừa được "vỗ béo".

Trước khi lên đường, các lưu học sinh tương lai được đưa lên nghĩa trang Mai Dịch, để tuyên thệ trước anh linh các liệt sĩ và các bậc lão thành cách mạng, với các nội dung: Cố gắng học tập, quan hệ đối ngoại tốt, giúp nhau học tập, tuân theo nội quy của Đại sứ quán… Đặc biệt, ông Túc còn nhớ một quy định chặt chẽ khác: không được yêu đương ở nước ngoài!

img

Ông Túc (đứng, bên trái) và các bạn học ở Triều Tiên. (Ảnh: NVCC)

Chiều tối hôm lên đường, mỗi lưu học sinh được phát một chiếc valy bé, trong có vài bộ quần áo hè, đông, cùng các đồ dùng cá nhân gọn nhẹ. Tất cả lôi áo sơ mi trắng, quần âu xanh ra mặc, đóng bộ “sơ vin” vào nhìn thấy bảnh bao khác hẳn ngày thường, lại được cấp thêm một chiếc mũ lưỡi trai, đội vào thêm "oách".

Ông Túc kể, các bạn con nhà nông dân cả đời đi đất, lần đầu được phát giày da, đi thử vào đùa nhau “nghe tiếng giày lộp cộp cứ như trâu xố chuồng”.

Cả đoàn lưu học sinh hướng ra ga Hàng Cỏ, chuẩn bị lên đường. Đại sứ Triều Tiên tại Việt Nam đã chờ sẵn ở sân ga để tiễn đoàn. Đại sứ dặn dò là ở Triều Tiên thời tiết rất lạnh, nhưng nhà nước sẽ cấp quần áo mũ thêm và tạo điều kiện để các bạn học tập tốt nhất. Đại sứ chúc đoàn lưu học sinh khi sang Triều Tiên cố gắng học thành tài để sau này trở về Việt Nam xây dựng tổ quốc.

Chuyến tàu liên vận xuất phát trong đêm, số lưu học sinh có phụ huynh ra tiễn rất ít, vì đa phần nhà ở các tỉnh xa. Gần sáng, tàu đến Đồng Đăng rồi làm thủ tục xuất cảnh để sang Bằng Tường. Tất cả lưu học sinh phải làm thủ tục tiêm chủng và xét hành lý. Ai có vật quý, tiền bạc đều phải gửi lại ở một quầy riêng, không được đưa qua biên giới.

Suốt cả tuần tiếp theo, tàu chạy qua đất nước Trung Quốc rộng lớn, và tất cả lưu học sinh không ai được… tắm giặt. Tàu lại chạy bằng hơi nước, đốt bằng than nên tay áo ai cũng phủ đầy than đen kịt.

Màn khiêu vũ tập thể ở sân ga

Đã đến biên giới Trung – Triều, bên kia đầu cầu sông Áp Lục, thành phố Tân Nghĩa Châu của Triều Tiên. Sau khi làm thủ tục nhập cảnh, xuống sân ga của Triều Tiên, các lưu học sinh Việt Nam bất ngờ thấy cả đoàn học sinh nam nữ Triều Tiên ùa ra mời cùng múa hát. Tiếng trống kèn tấu vang rộn ràng sân ga.

“Múa thì tôi đã thấy các đoàn văn công trong nước biểu diễn, còn nhảy múa thế này thì tôi chưa từng thử”, ông Túc vui vẻ kể. “Một bạn nữ đến mời tôi ra múa, khiến tôi và nhiều bạn xấu hổ, chui vào xó trốn khiến các anh phiên dịch phải lôi ra. Thế là đành đỏ mặt tía tai múa, tay cũng vung, chân cũng đá loạn xạ”.

"Cô bạn nhảy nói gì mà tôi không hiểu được, rồi kéo tôi lên toa tàu chạy điện. Lúc đó, tôi mới biết đây là đoàn thanh niên Triều Tiên từ thủ đô Bình Nhưỡng xuống đón chúng tôi”, ông nhớ lại.

Ông kể tiếp: Bạn nữ cầm tay tôi, lôi kéo tôi tiến lên lùi xuống mà tôi không dám ngẩng mặt lên, suốt cả buổi cứ cúi gằm mặt xuống đất.

Ngừng nhạc, cô bạn nhảy không kéo tôi nữa, lúc này tôi mới dám ngẩng mặt lên nhìn cô, một khuôn mặt tròn trắng hồng, tóc ngấn quá tai, mặc áo lính thủy, váy ngắn nhiều nếp gấp dọc xuống gối, mắt đen sáng đang nhìn tôi, nở nụ cười tươi nhìn tôi thân thiện...

Được phục vụ ‘tận chân răng’

Ngay sau khi về đến thủ đô Bình Nhưỡng, đoàn lưu học sinh được nghỉ ở một khách sạn lộng lẫy. Chăn ga hằng ngày, áo quần thay ra đều có người đem đi giặt là. Việc ăn uống đối với các chàng trai, cô gái ở đất nước đang có chiến tranh thì "y như ăn tiệc".

Cả tuần đầu tiên, đoàn liên tục được xe đến đón đưa đi xem ca nhạc tại Nhà hát lớn đặt ở sâu dưới lòng đất, rồi xem triển lãm mỹ thuật, bảo tàng lịch sử cach mạng. Tiếp theo, lưu học sinh được đưa đi xa hơn để thăm nông trường, nhà máy, nhà trẻ của nước bạn.

Ông Túc kể về những ấn tượng sâu sắc khi được tham quan nước bạn: Ở quê tôi thấy làm thủy lợi chỉ là be bờ tát nước, thì sang Triều Tiên, tôi rất kinh ngạc khi thấy máy bơm phun nước qua những đường ống có đường kính tới gần cả mét. Ở quê thì thấy các lớp mẫu giáo đều là góc đình, hay gian kho hợp tác xã, cô giáo dạy mấy bài hát chay.

"Vậy mà sang thăm lớp mẫu giáo ở đây thấy cô giáo nào cũng biết đàn hát, ai cũng có thể đệm piano, kéo đàn accordion cho các cháu hát. Phụ huynh cần gửi cháu nửa ngày hay một tuần đều được. Rồi từ mẫu giáo cho đến tận đại học đều không phải đóng học phí. Chữa bệnh cũng không mất tiền", ông hào hứng kể.

img

Ông Túc chụp ảnh lưu niệm chung với các ban và các thầy Triều Tiên. (Ảnh: NVCC)

Các lưu học sinh đều thích thú khi được đưa đi thăm Vạn Cảnh Đài (Mangyŏng Dae), quê hương của Thủ tướng Kim Nhật Thành.

Sau quá trình làm quen với đất nước Triều Tiên, đoàn của ông Túc được đưa về trường đại học. Sau nửa ngày trên tàu hỏa chạy điện, đoàn về đến đông nam tỉnh Hàm Hưng, nơi nằm sát bờ biển rất đẹp. Ở đây tập trung nhiều trường đại học của nước bạn, lại có cả nhiều nhà máy, thuận tiện việc thực tập.

Sau cuộc chiến tranh Triều Tiên, ở miền Bắc, CHDCND Triều Tiên được Liên xô và các nước XHCN giúp xây dựng lại từ đống tro tàn. Hàm Hưng là thành phố được CHDC Đức hỗ trợ tái thiết, lúc đó đã có những khu nhà cao tới 10-15 tầng.

Học múa trước khi học tiếng

Lưu học sinh Việt Nam bắt đầu tiến hành học tiếng Triều Tiên tại các lớp dự bị đại học ở trường Đại học Hóa học Công nghiệp. Nhưng điều bất ngờ tiếp theo đến với ông Túc và các bạn là tuần đầu tiên phải học... múa.

Triều Tiên là dân tộc rất yêu nghệ thuật. Ông Túc kể, đi đến đâu, từ người nông dân, các cụ già cho đến các em nhỏ, ở bất kì đâu, cứ có tiếng nhạc là họ đều vòng tay nhau múa hát say sưa.

Lúc vào học tiếng Triều Tiên, mỗi lớp chỉ có hơn chục lưu học sinh Việt Nam. Các thầy giáo Triều Tiên đều thông thạo 2-3 ngoại ngữ (như tiếng Anh, Pháp, Nhật, Trung, Nga....). Triều Tiên rất khuyến khích các trí thức dùng thạo ngoại ngữ, ai biết thêm ngoại ngữ đều được tăng lương thêm tùy người đó biết thêm mấy thứ tiếng.

img

Ga Đồng Đăng (Lạng Sơn) được cho là điểm đầu tiên đón đoàn tàu hỏa của Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong un đi sang Việt Nam dự Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều. (Ảnh: P.V)

Trong quá trình dạy, khi gặp những từ khó hay từ trừu tượng, thầy giáo sẽ tra từ điển Triều - Anh, rồi lại tra từ điển Anh - Việt, vì khi đó, chưa có từ điển Việt - Triều hay Triều - Việt.

Ngoài các tiết học, các thầy giáo còn vào ký túc xá đề kèm thêm cho lưu học sinh, và để giúp sinh viên tăng khả năng hội thoại, nhà trường phân công sinh viên Triều Tiên ở cùng sinh viên Việt.

Ông Túc vẫn hình dung rõ ràng về hình ảnh các căn phòng trong ký túc xá, trên cao luôn treo hai bức chân dung lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Kim Nhật Thành. Mỗi phòng có 2 giường nệm, 2 chăn len, 2 bộ bàn ghế học tập, 2 tủ quần áo, rồi tủ sách, tủ giày.

Các phòng đều có loa để nghe nhạc và tin tức. Nhà trường cấp đủ cho sinh viên ấm chén, bút, vở, mực, còn sách giáo khoa sẽ phát tùy theo năm học. Lò sưởi trong phòng luôn ấm, nước trong phòng tắm luôn nóng, còn mỗi lưu học sinh một năm được cấp quần áo 2 lần, có thợ may đến tận nơi đo cắt cho từng người.

Chiều tối, tất cả sinh viên trong ký túc xá đều ùa xuống sân chơi các môn thể thao, có đủ dụng cụ để chơi từ bóng bàn, bóng chuyền, bóng rổ, bóng đá cho đến xà lệch, xà đơn, xà kép...

Bắt đầu học chuyên ngành

Sau quá trình học tiếng, theo gợi ý của Đại sứ quán, các lưu học sinh mỗi người chọn một ngành chuyên môn để học. Một số người vào nhạc viện, một số khác vào các trường mỏ, nông nghiệp, dâu tằm, dệt, cơ khí thủy lợi, rồi các ngành về hóa học như hóa hữu cơ, vô cơ, cao phân tử sợi... Ông Túc chọn ngành hóa hữu cơ.

Ông Túc nhớ lại: "Tôi không biết uống sữa bò. Vậy mà suất ăn ngày 3 bữa đều có thêm 1 cốc sữa. Nhiều bạn giống tôi, sữa không uống, để lại thấy lãng phí quá".

"Lúc chúng tôi đang học, ở trong nước đã diễn ra rất nhiều sự kiện lớn của cuộc kháng chiến chống Mỹ. Mỗi khi miền Nam thắng lớn, hay lúc Mỹ dùng không quân đánh phá miền Bắc, thì khắp các nơi ở Triều Tiên, từ nhà hát, trường học, nông trang, đều có các cuộc mít tinh ủng hộ Việt Nam. Tất cả đều vang tiếng thét: "Đả đảo đế quốc Mỹ", "Đế quốc Mỹ cút khỏi Nam Việt Nam và Nam Triều Tiên", "Tình hữu nghị, chiến đấu Việt - Triều muôn năm", "Chủ tịch Kim Nhật Thành muôn năm", "Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn năm", ông Túc kể.

Về sau, nhà bếp lắp một thùng sữa to có vòi, ai thích uống cứ tự vặn vòi uống thõa thích. Có 3-4 người lại chỉ thích ăn cơm nếp, nhà bếp cũng phục vụ cơm nếp suốt cả mấy năm ròng không thiếu bữa nào!

Ở ký túc xá, lo sức khỏe cho lưu học sinh Việt Nam lúc nào cũng có bác sĩ trực. Ốm đau nặng, bác sĩ sẽ cho đi bệnh viện. "Tôi nhớ tháng 2.1966, tôi bị đau họng, đã được cho ra nằm Bệnh viện Y học Hàm Hưng gần cả tháng trước khi chỉ cắt cái amidan", ông Túc nhớ lại.

Các chuyến đi tham quan, thực tập đều luôn có bác sĩ đi theo để đề phòng bất trắc. Các ngày lễ, tết, thị trưởng thành phố, hiệu trưởng đại học đều tổ chức chiêu đãi lưu học sinh ăn uống, hai bên đều hát vang các bài hát Việt Nam và Triều Tiên. Tết nào Thủ tướng Kim Nhật Thành cũng gửi tặng lưu học sinh Việt Nam quà.

Mùa gặt, các lưu học sinh được ra đồng giúp nông dân gặt lúa, mặc dù lúc đó nông nghiệp Triều Tiên đã được cơ giới hoá gần hết.

Lúc giải lao, ông Túc thường hát các bài dân ca Triều Tiên như "Bài ca được mùa, "Buổi sáng vác cày dắt bò ra đồng ", "Cảnh đẹp núi Kimcang"... dù không hay những cũng được nông dân hoan hô cổ vũ rộn vang cánh đồng.

Thầy giáo tận tình

Ông Túc nhớ mãi cách dạy bảo tận tình của thầy giáo phụ trách thí nghiệm phân tích phòng hóa ở trường đại học. "8 giờ sáng, tôi nhận ở thầy một ống nghiệm với nhiệm vụ phải định tính trong đó là chất gì?", ông bồi hồi kể lại.

"Thầy chỉ lặng lẽ quan sát sinh viên làm việc. Đến gần 1 giờ chiều thấy tôi vẫn còn loay hoay, thầy lại vỗ vai tôi âu yếm nói: "Công đoạn thú 4 em đã nhầm lẫn, phải làm thế này....thế này.... Giờ em theo các bạn đi ăn cơm trưa đi, lúc quay lại cứ thế làm nhé!". Ăn cơm xong tôi tiếp tục và theo hướng dẫn của thầy, 2 giờ sau, tôi đã trình thầy kết quả. Thầy rất hài lòng, cho 9 điểm".

img

Hà Nội thắt chặt an ninh trước Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều diễn ra vào ngày 27, 28.2. (Ảnh: P.V)

Theo ông Túc, tất cả các thầy giáo Triều Tiên đều tận tâm chỉ dạy cho sinh viên từng câu từng chữ. Đến phòng thí nghiệm hay tại hiện trường sản xuất, các thầy đều kèm cặp chu đáo để không sai lầm nhỏ nào bị mắc lại.

Sau quá trình học tập, ông Túc được đi thực tập ở Nhà máy Thép Thanh Tân. Ở đó, các thầy và các vị quản lý, đều nhắc ông "Hãy vì tổ quốc Việt Nam mà cố học thành tài", khiến ông hết sức cảm động và đã nỗ lực để học tập, thực hành đạt kết quả tốt nhất, cho đến khi nhận tấm bằng đỏ trở về nước.

Theo ông Túc, người dân Triều Tiên luôn có đức tính cần cù chịu khó, trong giao tiếp thì nhân hậu và thân thiện. Do bước ra từ chiến tranh, người dân luôn nêu cao phương châm tự lực cánh sinh và luôn miệng hát bài "Trên thế gian này không còn thèm muốn gì hơn. Cuộc sống hiện tại lãnh tụ Kim Nhật Thành đem lại cho ta quá đầy đủ....".

Ông cũng rất ấn tượng với tính lịch sự và lễ phép của người dân nước bạn. "Người dưới luôn có lời kính ngữ khi nói với cấp trên. Câu xin lỗi, cảm ơn luôn ở trên miệng các bạn Triều Tiên. Cái này chúng ta phải học các bạn nhiều", ông nhận xét.

Sau khi tốt nghiệp đại học, năm 1972, ông Túc về nước và do tình hình chiến tranh, ông được gọi vào quân đội, công tác tại Phòng Thí nghiệm thuộc Cục Xăng dầu, Tổng Cục Hậu cần. Sau quá trình tham gia chiến đấu giải phóng miền Nam và làm nghĩa vụ quốc tế tại Campuchia, ông chuyển ngành ra công tác tại Sở Khoa học và Công nghệ Thanh Hóa, cho đến khi nghỉ hưu. Hiện ông sinh sống cùng gia đình tại đường Lương Hữu Khánh, phường Đông Vệ, thành phố Thanh Hóa.

Nghe tin Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ sang Việt Nam để họp thượng đỉnh vào hai ngày 27 và 28.2, ông Túc rất vui. "Rất mong các vị đi đến thỏa thuận hòa bình, điều đó chắc chắn sẽ đem lại niềm hạnh phúc vô bờ bến cho nhân dân Triều Tiên cũng như sự phát triển thịnh vượng cho toàn thể bán đảo", ông nói.