Những năm qua, hành, tỏi, cà rốt đã trở thành cây trồng chủ lực của người dân các huyện Kinh Môn, Nam Sách, Cẩm Giàng (Hải Dương) trong vụ đông. Để nâng cao giá trị của những loại nông sản này, nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đã đầu tư chế biến và xuất khẩu thành công sản phẩm hành lá, hành củ, cà rốt sấy khô sang các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc.
Nhiều năm nay, nông dân xã Đức Chính (huyện Cẩm Giàng, Hải Dương) đã liên kết với doanh nghiệp trồng cà rốt sạch theo quy trình VietGAP để đưa đi xuất khẩu. Ảnh: Minh Huệ
Theo Sở NN&PTNT Hải Dương, vụ đông năm 2018-2019, tổng diện tích trồng cà rốt trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 1.200 ha, với tổng sản lượng khoảng 43.000 tấn, trong đó tập trung nhiều nhất tại huyện Cẩm Giàng, Nam Sách…
Về tình hình tiêu thụ, cà rốt tươi của tỉnh Hải Dương chủ yếu được các công ty, doanh nghiệp và thương lái thu mua, đem đi tiêu thụ tại các tỉnh miền Trung, miền Nam và các thành phố lớn. Hiện sản phẩm cà rốt Hải Dương đã được một số nhà máy thu mua sơ chế, chế biến để đưa đi xuất khẩu, chủ yếu là xuất sang Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản.
Cà rốt sau khi được thương lái thu mua sẽ được rửa sạch, phân loại
Theo Sở NN&PTNT tỉnh Hải Dương, hiện toàn tỉnh có 16 doanh nghiệp và khoảng 50 tư thương thu gom cà rốt, tập trung chủ yếu trên địa bàn huyện Cẩm Giàng, Nam Sách. Cả rốt sau khi thu mua về sẽ được rửa sạch, phân loại và đóng gói.
Theo đó, những củ cà rốt tươi to, đẹp, kích cỡ đều nhau, không sứt, sẹo sẽ được đóng thùng carton đưa đi xuất khẩu; loại 2 sẽ được đưa đi tiêu thụ ở các tỉnh miền Trung, miền Nam; loại 3-4 sẽ được các cơ sở đưa vào chế biến, sấy khô hoặc cấp đông để xuất đi nhiều thị trường khác nhau.
Một số doanh nghiệp đang tiêu thụ sản lượng lớn cà rốt tươi Công ty TNHH MTV Hưng Việt (huyện Gia Lộc); Công ty CP chế biến nông sản thực phẩm Tân Hương, Công ty CP Giống cây trồng và Nông sản xuất khẩu Kiên Giang, Công ty CP xuất nhập khẩu Xuân Lộc, Công ty TNHH NSTP Ánh Dương (huyện Cẩm Giàng)…
Sơ chế, phân loại cà rốt xuất khẩu tại Công ty CP chế biến nông sản thực phẩm Tân Hương (xã Cẩm Văn, huyện Cẩm Giàng). Ảnh: L.K
Vào vụ thu hoạch, mỗi ngày, các doanh nghiệp này thu mua từ 20 – 100 tấn cà rốt cho nông dân, với giá dao động 3.000-5.000 đồng/kg tùy loại.
Ông Nguyễn Đức Mệnh – Giám đốc Công ty CP chế biến nông sản thực phẩm Tân Hương (xã Cẩm Văn, huyện Cẩm Giàng) cho biết, hiện công ty đang liên kết cùng nông dân sản xuất cà rốt sạch với diện tích gần 100ha. Trung bình mỗi ngày, công ty thu mua 1-2 container cà rốt tươi với giá từ 5.000 – 6.000 đồng/kg.
Niên vụ 2017/2018 công ty thu mua khoảng 10.000 tấn cà rốt, trong đó 50% sản lượng tiêu thụ nội địa, 50% đưa đi xuất khẩu sang các nước Nhật Bản, Thái Lan, Trung Quốc… Trong đó, riêng cà rốt chế biến xuất khẩu chiếm khoảng 20% sản lượng.
“Năm nay, đã có doanh nghiệp Nhật Bản đặt cọc tiền mua 240 tấn cà rốt tươi. Chúng tôi cũng đang được các đối tác Hàn Quốc làm việc đặt hàng. Nhìn chung, việc xuất khẩu cà rốt sang Nhật Bản, hay Hàn Quốc khá dễ chứ không quá khó khăn như nhiều người tưởng. Quan trọng nhất là mình phải làm tốt, sản phẩm đảm bảo cam kết thì bao nhiêu hàng, họ cũng mua hết” – ông Mệnh nói.
Ngoài việc xuất khẩu cà rốt dưới dạng củ tươi, Công ty CP chế biến nông sản thực phẩm Tân Hương (xã Cẩm Văn, huyện Cẩm Giàng) còn chế biến cà rốt sấy khô để đưa đi Nhật Bản, Hàn Quốc, hoặc bán cho các công ty chế biến thực phẩm. Ảnh: Minh Huệ
Gừng cũng là một trong những sản phẩm được Công ty Tân Hương chế biến đưa đi xuất khẩu.
Đặc biệt, với khách hàng Nhật Bản, ông Mệnh cho biết khi cà rốt đã đáp ứng yêu cầu thì họ sẽ thu mua từ củ to tới củ nhỏ để mang về Nhật Bản thái lát, làm nước ép… Đối tác Nhật Bản sẽ đến tận ruộng kiểm tra nguồn nước, đất trồng, theo dõi lịch gieo cấy, thu hoạch đúng ngày. Họ cũng thích mua cà rốt Việt Nam hơn cà rốt Trung Quốc vì chất lượng thơm ngon.
Theo ông Mệnh, hiện thị trường tiêu thụ cà rốt không ổn định do phải cạnh tranh gay gắt với cà rốt Trung Quốc. Để chủ động và tránh rủi ro, ông Mệnh cho rằng các doanh nghiệp nên đầu tư xây dựng các kho lạnh để thu mua, bảo quản cà rốt cho người dân, sau đó tung ra thị trường khi Trung Quốc khan hàng. Hai là mạnh dạn đầu tư dây chuyền chế biến cà rốt thành các sản phẩm sấy khô, cô đặc.
“Lường trước khó khăn, vài năm qua DN của tôi đã đầu tư, dành 20% lượng cà rốt để chế sấy khô. Những sản phẩm này sau đó được bán lại cho các doanh nghiệp sản xuất mì tôm, cơm rang hay làm mứt” – vị này cho biết.
Hiện lá hành đang được các doanh nghiệp thu mua với giá từ 6.000 - 7.000 đồng/kg.
Tương tự, ngoài thu mua cà rốt, doanh nghiệp của ông Mệnh và các công ty kinh doanh nông sản khác còn thu mua cả hành, tỏi, gừng, quế… Riêng hành lá, công ty của ông Mệnh thu mua từ nhiều nơi trong huyện và cả các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, với giá thu mua từ 6.000 – 7.000 đồng/kg lá hành (14kg lá hành tươi sẽ làm ra 1kg lá hành sấy khô).
Với sự tham gia liên kết, thu mua của các doanh nghiệp, những năm gần đây cây hành, tỏi được người dân Hải Dương trồng quanh năm. Trong khi hành Kinh Môn chủ yếu được xuất bán ở dạng củ phơi khô thì sản phẩm đưa ra thị trường của hành Nam Sách khá đa dạng. Ngoài dạng củ phơi khô, nông dân Nam Sách còn xuất bán củ tươi; lá hành, dọc hành...
Năm nay do thời tiết diễn biến phức tạp nên năng suất hành, tỏi trên địa bàn huyện Kinh Môn (Hải Dương) chỉ đạt 5 tạ/sào, giảm khoảng 15% so với cùng kỳ năm trước.
Hiện nông dân trong huyện Kinh Môn đã thu hoạch xong hành, tỏi vụ đông. Năm nay do thời tiết diễn biến phức tạp nên năng suất hành, tỏi đạt 5 tạ/sào, giảm khoảng 15% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, do diện tích và giá bán đều tăng nên giá trị cây hành, tỏi cao hơn cùng kỳ năm trước.
Huyện có khoảng 3.400 ha cây hành, 300 ha cây tỏi. Với giá bán 23.000 đồng/kg hành và 45.000 đồng/kg tỏi, tổng thu toàn huyện đạt 1.237 tỷ đồng.