Xứng danh "hạt ngọc trời" Tây Bắc
Trong ngày làm việc thứ 3 tại các tỉnh Tây Bắc, đồng chí Thào Xuân Sùng cùng các cán bộ của đoàn công tác đã dành thời gian đến thăm, khảo sát 2 vùng sản xuất nông sản đặc sản nổi tiếng của Sơn La và Yên Bái.
Chia sẻ với đoàn công tác, bà Lương Thị Như Hoa - Bí thư Huyện ủy Phù Yên (Sơn La) cho biết, huyện Phù Yên hiện có 698ha xoài, 419ha nhãn, 263ha cam, 249ha bưởi... Với sản lượng cây ăn quả đạt trên 6.600 tấn/năm; 4.353ha lúa nước, sản lượng hơn 24.000 tấn…
Đồng chí Thào Xuân Sùng - Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch BCH T.Ư Hội ND Việt Nam cùng các cán bộ của đoàn công tác khảo sát công việc sản xuất lúa đặc sản ở Tú Lệ (Yên Bái). Ảnh: Trần Quang
"Bên cạnh việc sản xuất, các địa phương cũng phải chú trọng đến việc thành lập các hợp tác xã và chi hội nghề nghiệp để cùng phối hợp với các doanh nghiệp đầu tư, sản xuất nông sản đặc sản có hiệu quả, có thị trường đầu ra bền vững"- đồng chí Thào Xuân Sùng nhấn mạnh. |
Theo bà Lương Thị Như Hoa, đến nay sản phẩm cam của huyện đã được cấp nhãn hiệu sản phẩm; ngoài ra, huyện đang tiếp tục xây dựng nhãn hiệu cho một số sản phẩm, như: Gạo Phù Yên; tỏi Phù Yên... Nhờ thế mà nông dân của huyện có thu nhập cao ngày càng tăng, trong đó có hàng trăm hộ có thu nhập hàng trăm triệu đồng trở lên.
Lãnh đạo huyện Phù Yên cũng kiến nghị, đề xuất T.Ư Hội NDVN tiếp tục triển khai các chính sách hỗ trợ sản xuất và tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật cho nông dân; tăng cường phối hợp, kết nối doanh nghiệp tiêu thụ nông sản tại địa phương…
"Chúng tôi đang có khoảng gần 6.000ha lúa, sản lượng đạt khoảng trên 26.000 tấn. Trong đó có khoảng 1.000ha lúa tại cánh đồng xã Mường Tấc luôn cho năng suất, chất lượng ngon nổi tiếng cả nước. Sắp tới, chúng tôi sẽ quy hoạch, xây dựng vùng lúa hữu cơ nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm và đưa lúa, gạo của địa phương "bay" xa hơn nên rất mong các doanh nghiệp sớm vào cuộc đầu tư, hỗ trợ"- bà Lương Thị Như Hoa nói.
Nằm tiếp giáp với huyện Phù Yên (Sơn La) và ở phía tây của tỉnh Yên Bái, cánh đồng Mường Lò rộng thứ 2 miền Tây Bắc với diện tích gần 3.000ha. Được thiên nhiên ưu đãi về đất, nước, khí hậu, điều kiện sinh thái, hạt gạo nơi đây ngon nức tiếng.
Cùng với sự cần cù chịu khó, người nông dân canh tác trên cánh đồng Mường Lò cũng mạnh dạn đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đưa sản lượng lúa mỗi năm đạt từ 30.000-32.000 tấn. Trong đó, hai loại lúa đặc sản là Hương chiêm và Séng Cù chiếm trên 45% diện tích cánh đồng.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ hỗ trợ phát triển nông nghiệp thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái) cho hay: Với nhiều yếu tố nổi bật và được thị trường công nhận, ngày 22.1.2018, Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm gạo “Mường Lò” của cánh đồng Mường Lò, tỉnh Yên Bái.
Cũng là một vùng có sản phẩm gạo nếp ngon trứ danh, ông Lò Văn Thức - Chủ tịch UBND xã Tú Lệ cho biết, hiện toàn xã có khoảng 140ha đất ruộng canh tác lúa nếp Tú Lệ mà bà con nông dân nơi đây hay gọi là nếp Tan.
Năm 2008, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã cấp văn bằng bảo hộ độc quyền nhãn hiệu tập thể “Nếp Tú Lệ” cho sản phẩm gạo nếp của Hội ND xã Tú Lệ. "Trong thung lũng Tú Lệ, lúa nếp Tan được gieo trồng ở bản Phạ Trên (trời cao) và Phạ Dưới (trời thấp) bởi tại hai địa danh này cho chất lượng nếp thơm ngon nhất. Bao đời nay, nếp Tú Lệ được người nông dân nâng niu, gìn giữ như “hạt ngọc trời” chỉ để thết đãi khách quý hoặc những dịp lễ, tết"- ông Thức nói.
Thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp
Sau khi đi khảo sát thực tế tại các vùng đặc sản này, đồng chí Thào Xuân Sùng cùng các lãnh đạo của Tập đoàn nông nghiệp Vạn Thịnh Phát, Công ty CP Đầu tư và phát triển Sunny World đều nhận thấy rằng, các vùng này đều có tiềm năng lợi thế phát triển cây đặc sản, nhất là cây lúa.
"Có câu thành ngữ "Nhất Thanh, nhì Lò, tam Tấc, tứ Than" có ý nghĩa ca ngợi các giống lúa quý hiếm (đứng đầu lúa Mường Thanh (Điện Biên), thứ 2 là lúa Mường Lò (Yên Bái), thứ 3 là Mường Tấc (Sơn La), xếp thứ 4 là Than Uyên (Lai Châu), những "hạt ngọc trời" đặc biệt của vùng Tây Bắc này đã và đang đem lại thương hiệu, thu nhập tốt cho người nông dân ở đây"- đồng chí Thào Xuân Sùng nói.
Tiềm năng lớn là vậy nhưng hiện nay theo các cán bộ của đoàn công tác việc đầu tư cho phát triển loại đặc sản trên ở các vùng này chưa thực sự xứng tầm, thậm chí có nơi còn lơ là và yếu thế. "Để thu hút được các doanh nghiệp lớn vào đầu tư, các địa phương này cần có chiến lược phát triển cây lúa cụ thể, trong đó việc quy hoạch vùng trồng cùng với đầu tư cơ sở hạ tầng phải được cọi trọng đầu tiên. Ví như cánh đồng Mường Tấc, Mường Lò phải được quy hoạch để sản xuất lúa hữu cơ thì mới nâng tầm được sản phẩm cũng như giá thành lên cao"- người đứng đầu T.Ư Hội NDVN khẳng định.
Khi đến thăm khu trưng bày, giới thiệu sản phẩm lúa, gạo Mường Lò ở thị xã Nghĩa Lộ, đồng chí Thào Xuân Sùng lưu ý địa phương này cần chỉnh sửa lại mẫu mã, bao bì cho phù hợp với sản phẩm đặc sản này.
"Lúa, gạo ngon nhưng bao bì, nhãn mác xấu, kém thì cũng khó tiêu thụ nên chúng ta phải thiết kế thật đẹp, bắt mắt thì mới mong phát triển được thương hiệu. Ngoài ra, để nâng cao hơn nữa chất lượng sản phẩm, tỉnh cần sớm vào cuộc phối hợp cùng các chuyên gia, nhà khoa hoc để xây dựng quy trình sản xuất chuẩn cho cây lúa và các loại đặc sản khác"- đồng chí Thào Xuân Sùng gợi ý thêm.