Tác động nào từ Hà Nội ?
Những gì đang diễn ra ở Hà Nội trong những ngày này có tác động trực tiếp tới hoà bình, an ninh và ổn định của thế giới và nhiều khu vực cụ thể nói chung cũng như tới không ít đối tác khác nói riêng.
Theo danh nghĩa chính thức, ở Hà Nội diễn ra cuộc gặp cấp cao thứ 2 trong lịch sử giữa Mỹ và Triều Tiên cũng như có chuyến thăm chính thức Việt Nam của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Chuyến thăm chính thức cấp nhà nước này của ông Kim Jong-un diễn ra trong 2 ngày là 1 và 2.3, tức là sau cuộc gặp giữa ông Kim Jong-un và tổng thống Mỹ Donald Trump. Nhưng trong ngày 27.2 tại Hà Nội, trước khi tiến hành các cuộc gặp ông Kim Jong-un, ông Trump đã có những cuộc gặp gỡ và trao đổi với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và thủ tướng chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, đã chứng kiến lễ ký kết những dự án hợp tác kinh tế giữa doanh nghiệp hai nước trị giá hơn 20 tỷ USD. Những điều ấy cho thấy chưa cần biết cuộc gặp giữa ông Trump và ông Kim Jong-un kết cục như thế nào thì mối quan hệ hợp tác của Việt Nam với Mỹ và Triều Tiên được thúc đẩy mạnh mẽ và thiết thực. Cuộc gặp giữa hai vị kia càng thành công thì tác động của nó tới mối quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ cũng như giữa Việt Nam và Triều Tiên càng thêm giá trị và tích cực. Tác động cũng tương tự như vậy cho Mỹ và Triều Tiên trong quan hệ của họ với các đối tác khác.
Triều Tiên là một trong những hồ sơ quan hệ quốc tế và chính trị an ninh thế giới khó nhằn nhất đối với Mỹ từ trước tới nay. Mỹ luỵ không ít đối tác trong đối phó và xử lý quan hệ với Triều Tiên, trước hết là Trung Quốc, Hàn Quốc và Nga là những nước có đường biên giới chung với Triều Tiên, là Nhật Bản vì ở cùng trong khu vực Đông Bắc Á, là Anh và Pháp vì hai nước này đều là thành viên thường trực HDBA LHQ với quyền phủ quyết ở trong đó. Mỹ và Triều Tiên càng chủ động và tự chủ bao nhiêu trong việc cùng nhau xử lý vấn đề hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên cũng như bình thường hoá và thúc đẩy quan hệ song phương thì mức độ luỵ các đối tác kia càng giảm đi bấy nhiêu. Mỹ và Triều Tiên càng đồng thuận bao nhiêu để cùng nhau tiến nhanh và tiến xa hơn thì chính các đối tác kia lại cần đến Mỹ và Triều Tiên nhiều hơn bấy nhiêu. Khi xưa, Mỹ dùng cơ chế đa phương để thúc ép Triều Tiên đi vào đàm phán (như khuôn khổ diễn đàn 6 bên ở Bắc Kinh theo sáng kiến của Trung Quốc) và Triều Tiên cũng cần khuôn khổ diễn đàn đa phương ấy để được nhìn nhận và công nhận là một bên ngang bằng với Mỹ. Bây giờ, sau các cuộc gặp ở Singapore và Hà Nội và nếu như ở Hà Nội ông Trump và ông Kim Jong-un hình thành cơ chế mới là Khuôn khổ diễn đàn Hà Nội hay Tiến trình Hà Nội để xử lý quan hệ giữa Mỹ và Triều Tiên thì họ chủ động hoàn toàn, sẽ tự quyết với nhau khi nào cho đối tác thứ ba nào tham gia đến mức độ nào, qua đó có được con chủ bài mới trong quan hệ của họ với các đối tác khác.
Cuộc gặp cấp cao giữa Mỹ và Triều Tiên ở Hà Nội càng thành công thì Triều Tiên càng tăng được thêm thế cho quan hệ với các nước khác trong khu vực Đông Bắc Á cũng như Đông Nam Á mà đặc biệt là với Hàn Quốc và Mỹ. Hai đối tác này lo ngại nhiều hơn cả và sâu sắc hơn cả về khả năng bị dần gạt ra ngoài tiến trình và suy giảm vai trò trực tiếp trong tiến trình. Đương nhiên, lợi ích của Mỹ và Triều Tiên không phải là gạt tất cả những đối tác kia, đặc biệt Trung Quốc và Hàn Quốc, ra ngoài tiến trình hay không cần đến vai trò của họ nữa mà sử dụng và tận dụng vai trò của họ theo sự đạo diễn và lộ trình của mình, theo sự chỉ đạo và dẫn dắt của Mỹ và Triều Tiên chứ không còn bị luỵ thuộc như lâu nay.
Nhìn nhận như thế sẽ thấy là ở Hà Nội, ông Trump có phát biểu rằng Triều Tiên đang có cơ hội lịch sử. Đúng ra phải nói là cả hai đang có cơ hội lịch sử. Ông Trump không nói thẳng ra thôi chứ trong thâm tâm không thể không nghĩ như thế.