Đứng trên con đường bê tông sạch sẽ dẫn vào xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm, chỉ chưa đầy 10 phút, tôi đã đếm được hơn chục chiếc ô tô, xe máy tấp nập nối đuôi nhau hỏi đường vào các ruộng hoa cải của người dân.
Cải nở ra… tiền
Nhiều bạn trẻ thoả sức “sáng tạo” giữa cánh đồng hoa cải vàng. |
Anh Trọng Hiếu - tài xế xe ôm bám trụ tại ngã ba đường vào Ninh Hiệp cho biết: "Cứ vào mùa hoa cải nở, ngày nào đứng đây tôi cũng phải chỉ đường giúp cho hàng chục trường hợp tìm đường vào ruộng hoa để chụp ảnh. Chủ yếu vẫn là các bạn trẻ trong độ tuổi học sinh, sinh viên.
Cũng có không ít cô dâu, chú rể tìm đến đây để chụp những bức hình hạnh phúc cho ngày cưới. Thời điểm này, làng tôi cứ nhộn nhịp như vào hội. Vừa vui lại vừa có thêm thu nhập đáng kể từ ruộng đồng".
Không "niêm yết" giá rõ ràng ngay trên ruộng như người dân thôn An Lạc, thị trấn Trâu Quỳ, Gia Lâm, nhưng các chủ ruộng rau ở Ninh Hiệp không bao giờ vắng mặt và rời mắt khỏi các "thượng đế" đang như ngây dại trước một màu vàng miên man của hoa cải đầu mùa.
Chỉ cần "thượng đế" nào "đi theo tiếng gọi của con tim" sa chân xuống ruộng là lập tức có người từ trên bờ “phi ra” thu phí. Mức bình quân là 10.000 đồng/người cho mỗi lần vào ruộng “tác nghiệp”.
Đi theo nhóm thì tùy số lượng mà chủ ruộng ra giá. Nếu là cô dâu chú rể đi chụp ảnh cưới thì phải bỏ ra vài trăm nghìn mới có được một buổi chụp ảnh tự do, “hết mình” vì nghệ thuật.
Theo quan sát của chúng tôi, vào lúc cao điểm, có đến cả trăm người cùng đổ xuống các ruộng cải chụp ảnh. Chỉ với một ruộng cải rộng mấy trăm mét vuông, chủ ruộng có thể thu tiền triệu mỗi ngày.
Thu nhập “ăn đứt” bán rau
Mỗi ngày, những đồng hoa cải ở Ninh Hiệp đang đón tiếp hàng trăm thanh thiếu niên đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh. |
Chị Nguyễn Thị Lữ - một chủ ruộng rau ở xã Ninh Hiệp, chia sẻ:
"Trước đây chúng tôi trồng cải canh và cải cúc để bán, bao giờ cũng để lại một vạt làm giống. Mấy năm trở lại đây, du khách ở nội thành lại thích tìm đến những ruộng cải giống có hoa này để chụp ảnh.
Trước thì chẳng ai thu tiền, thu phí làm gì, ai thích thì xuống chụp thoải mái. Nhưng về sau lượng người đổ về đông, không ít khách thiếu ý thức giẫm đạp gãy hết rau, rồi lại hái hoa để cài lên đầu hoặc tết thành vòng đeo vào cổ để chụp ảnh. Những lần như thế, nếu không ra nhanh để nhắc nhở thì cuối ngày ruộng hoa chỉ còn là một bãi ngổn ngang và gãy nát.
Chính vì thế chúng tôi mới bàn nhau thu phí chụp ảnh để bù vào những thiệt hại và nhắc nhở khách có ý thức hơn khi chụp ảnh ở ruộng hoa".
Đúng như lời chia sẻ của chị Lữ, dọc đường vào các ruộng hoa cải ở Ninh Hiệp, chúng tôi chứng kiến không ít các nhóm bạn trẻ sau khi thỏa mãn với những bức ảnh đẹp giữa ruộng hoa đã chẳng ngại ngần hái luôn một bó lớn ôm về làm kỷ niệm. Đấy là chưa kể những cành hoa gãy gục dưới ánh mắt thiếu quan sát và những bàn chân vô ý thức.
Chị Hoan cho biết thêm: "Thu nhập từ dịch vụ cho thuê ruộng hoa để chụp ảnh như hiện nay cao và đỡ vất vả hơn nhiều so với việc hái rau đi bán. Rau thì ngày càng rẻ đi còn chi phí vật tư, phân bón... ngày càng tăng cao nên nhiều gia đình bỏ ý định thu hoạch rau mà cứ để cho cải nở hoa phục vụ du khách.
Một số ruộng chuyên trồng su hào, bắp cải… giờ cũng được chuyển sang trồng cải canh. Cứ đà này, có lẽ vài năm nữa, nông dân Ninh Hiệp sẽ chẳng còn ai hái rau đem bán mà chuyển hẳn sang trồng cải nở hoa để cho thuê quay phim, chụp ảnh và bán hoa cho khách mua về".
Một ruộng… nhiều chủ
Kể từ khi dịch vụ cho thuê bối cảnh đặc biệt này chính thức đi vào hoạt động, giới trẻ Hà Nội không còn được chụp ảnh miễn phí như mấy năm trước. Để có được hàng trăm tấm ảnh đẹp mê hồn thì việc bỏ ra vài chục đến một trăm nghìn cho cả nhóm lăn, lê, bò toài cả buổi trên ruộng hoa chỉ là “chuyện nhỏ”.
Thế nhưng vấn đề ở chỗ một ruộng hoa nhiều khi có đến vài ba chủ thu tiền. Điều này làm ấm ức không ít các bạn trẻ.
Vũ Lăng Linh - học sinh Trường Trung cấp Bách Nghệ, bức xúc: "Buổi sáng sớm, ngay khi đến đây, bọn em đã phải nộp cho một cô tự xưng là chủ ruộng 30.000 đồng. Thế nhưng chỉ nửa tiếng sau, lại có một chú khác đến nhận là chủ ruộng và đòi 50.000 đồng nữa.
Bọn em không chịu thì chú ấy đuổi đi không cho chụp ảnh. Chỉ đến khi bọn em đưa ra 30.000 đồng thì mới tạm được yên ổn cho đến trưa. Khi chúng em chuẩn bị ra về thì lại xuất hiện người chủ thứ ba. Dù không chụp nữa nhưng em vẫn phải trả cho anh ta 20.000 đồng để tránh rắc rối nảy sinh.
Cuộc dã ngoại đang hào hứng, vui vẻ bỗng bị trầm xuống vì thành viên nào cũng nghẹn một cục tức to đùng ở cổ mà chẳng biết kêu ai".
Ôm nỗi ấm ức không kém cô bé Lăng Linh, chị Lê Thị Hiền - cán bộ của Tổng công ty Truyền thông đa phương tiện VTC - bức xúc:
"2 năm nay, cứ đến mùa hoa cải nở là nhóm bạn thân chúng tôi lại tổ chức đi dã ngoại chụp ảnh ở ruộng hoa. Năm trước chụp ở An Lạc, Trâu Quỳ thì chỉ nộp phí mỗi người 10.000 đồng là xong. Chủ ruộng cũng đứng đấy luôn từ đầu đến cuối nên chẳng có chuyện gì xảy ra.
Năm nay chúng tôi chọn Ninh Hiệp để "đổ bộ" vì bên này không quá đông và ồn ào như ở An Lạc. Thế nhưng từ sáng đến giờ chúng tôi liên tiếp bị mấy người xưng là chủ ruộng đến đòi tiền. Cứ chủ mới đến thì chủ cũ chẳng tìm thấy đâu.
Có một người đàn ông chúng tôi biết là giả danh chủ ruộng để vòi tiền nên nhất quyết không cho và dọa báo công an xã. Nghe thế ông ta vội vàng bỏ đi và không dám làm khó gì chúng tôi nữa".
Theo quan sát của chúng tôi, dù chưa có được sự tấp nập và quy mô với bãi trông xe, hàng ăn, quán nước phục vụ du khách như ở thôn An Lạc, thị trấn Trâu Quỳ nhưng với sự phát triển như hiện nay thì khu ruộng hoa cải ở Ninh Hiệp chắc chắn sẽ ngày càng thu hút nhiều sự quan tâm của các bạn trẻ. Bởi lẽ, chợ vải Ninh Hiệp nổi tiếng cả nước chỉ cách đó mấy trăm mét chắc chắn sẽ là điểm đến ưu tiên ngay sau khi du khách đã thỏa thích chụp hình nơi ruộng cải.
Nguyễn Thắng