Và ai cũng có thể kỳ vọng Việt Nam sẽ còn là điểm đến cho những hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều tiếp theo, hay bất kỳ một hội nghị hòa giải nào cho các quốc gia trên thế giới.
Nuối tiếc nhưng không thất vọng, bởi hòa bình luôn là một chặng đường đầy chông gai và phải trả giá. Ở vị thế của mình, với những trải nghiệm đau thương và gập ghềnh trong suốt chiều dài lịch sử, mỗi người dân Việt Nam đều hiểu điều đó.
Buổi họp báo của Tổng thống Mỹ Donald Trump tổ chức ở khách sạn JW Marriott. Ảnh: Lê Hiếu.
Nhưng như chính Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu sau cuộc họp thượng đỉnh với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, rằng hai bên vẫn duy trì một quan hệ tốt và sẽ sớm gặp lại, mỗi người đều có thể kỳ vọng vào cơ hội hòa bình vẫn để ngỏ sau hàng chục năm thù địch và nghi kỵ giữa hai nước. Và Hà Nội tự hào đã góp phần vào nhịp cầu hòa bình đó.
Đã có nhiều chuyên gia trong và ngoài nước nhận định rằng chẳng có nơi nào thích hợp hơn Hà Nội cho cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều. Và điều đó hoàn toàn đúng. Việt Nam có quan hệ tin cậy với cả hai nước, đo đếm bằng thời gian nhiều thập kỷ, bằng những biến cố lớn của lịch sử. Nhất là với Mỹ, quốc gia mà Việt Nam từng trải qua chiến tranh rồi đến chặng đường bình thường hóa kéo dài, và tiếp theo là giai đoạn phát triển quan hệ bùng nổ trong nhiều lĩnh vực, từ kinh tế đến an ninh quốc phòng, với sự tôn trọng hoàn toàn thể chế chính trị mà mỗi bên dành cho nhau. Nhiều cựu binh Mỹ đã trở lại Việt Nam sau chiến tranh để tìm kiếm sự hòa giải, hàn gắn cho chính họ.
Việt Nam tiếp tục xúc tiến vai trò hòa bình của mình trong những cuộc xung đột trên thế giới mà điển hình là việc tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình những năm gần đây. Việt Nam triển khai thành công đường lối đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa, độc lập, tự chủ. Như vậy câu chuyện Việt Nam đã là sự tham khảo tốt cho cuộc gặp thượng đỉnh lần này để có được sự ủng hộ của cả hai bên đàm phán lẫn bất kỳ nhà quan sát nào trên thế giới.
Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại cuộc họp báo. Ảnh: Lê Hiếu.
Vai trò chủ nhà của Việt Nam đã được thực hiện quá xuất sắc. Sự chu đáo, thân thiện, hiếu khách, đảm bảo an toàn, an ninh, cơ sở hạ tầng đáp ứng yêu cầu một sự kiện tầm cỡ khu vực và thế giới – điều đó đã được thể hiện qua APEC 2017, Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN 2018 và giờ là Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều.
Đích thân Tổng thống Donald Trump, trước khi trở về Mỹ, đã cảm ơn việc Việt Nam tổ chức tốt hội nghị. Phát biểu của ông hay đánh giá của báo chí thế giới về vai trò chủ nhà mà Việt Nam đảm đương là sự khẳng định không thể phủ nhận những nỗ lực mà chính phủ và người dân Việt Nam đã làm được trong những ngày qua.
Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un nhận bó hoa tươi thắm khi tới ga Đồng Đăng, Lạng Sơn.
Trong một cuộc trò chuyện với tôi, ông Phạm Quang Vinh, khi còn là Đại sứ Việt Nam tại Mỹ, đã nói rằng, có làm ngoại giao, tham gia các cuộc đàm phán quốc tế, mới thấy vai trò, vị thế Việt Nam thay đổi mạnh mẽ thế nào trong hàng chục năm qua. Và ông vẫn tiếp tục nhắc lại điều đó với báo chí trong những ngày diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều. Điều đó thật đáng tự hào và thật sự là một động lực với Việt Nam. Vai trò người kiến tạo hòa bình qua cuộc gặp lần này là một bằng chứng nữa về vị thế đang lên của Việt Nam, về một Việt Nam có trách nhiệm với cộng đồng thế giới.
Việt Nam không phải nơi đầu tiên hai nhà lãnh đạo Triều Tiên và Mỹ gặp nhau, nhưng Việt Nam hoàn toàn có thể là địa điểm cho các cuộc gặp thượng đỉnh tiếp theo trong tương lai giữa họ hay giữa bất kỳ một đối tác nào trong cộng đồng quốc tế.
Người dân Hà Nội vẫy cờ chào đón Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Như Ý.
Hình ảnh những lá cờ Triều Tiên – Mỹ và Việt Nam bên nhau suốt những ngày qua đã được truyền đi khắp nơi trên thế giới. Nhưng đến với người đọc, người xem toàn cầu không chỉ là một Việt Nam – đối tác tin cậy của nền hòa bình bền vững, mà còn là một Việt Nam xinh đẹp, sống động, phát triển, Việt Nam với những điểm đến du lịch tuyệt vời có một không hai, nền ẩm thực đặc sắc của phở, bún thang, bún chả, cà phê trứng, nơi người dân chăm chỉ làm ăn, sẵn sàng giúp đỡ du khách – và đó là những giá trị mà Việt Nam muốn cả thế giới biết đến.
Điều mà Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch phát biểu trong những năm 1980 trong quá trình thúc đẩy quan hệ với Mỹ: “Việt Nam là một đất nước, không phải một cuộc chiến”, vốn từng rất khó khăn để người dân các nước hiểu, cho đến những năm gần đây, thì với hội nghị thượng đỉnh lần này, với sự có mặt của gần 3.000 phóng viên quốc tế, chắc hẳn đã được quảng bá rộng rãi. Đó là cơ hội cho Việt Nam để phát triển du lịch, phát triển kinh tế, tăng cường nội lực và thúc đẩy các giá trị văn hóa, tinh thần của chính mình để tiếp tục tiến lên trong một thế giới phẳng.