Dân Việt

Cựu Đại sứ Dương Chính Thức: Chuyến thăm của ông Kim sẽ tạo dấu ấn mới

Lương Kết (thực hiện) 01/03/2019 13:05 GMT+7
“Chuyến thăm chính thức của ông Kim Jong-un tới Việt Nam lần này là một sự kiện lớn, tạo nên dấu ấn mới trong quan hệ giữa Việt Nam và Triều Tiên”- ông Dương Chính Thức, cựu Đại sứ Việt Nam tại Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên nói với PV Dân Việt.

img

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong -un đến Việt Nam sáng 26.2 để dự Thượng đỉnh Mỹ -Triều và thăm chính thức Việt Nam. (Ảnh: P.V)

Thưa ông, là người từng gắn bó nhiều năm với đất nước và con người Triều Tiên, ông đánh giá gì khi Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong –un thăm chính thức Việt Nam hôm nay?

- Mỗi chuyến thăm của lãnh đạo cao nhất của quốc gia này sang quốc gia khác trước hết có ý nghĩa thúc đẩy quan hệ của hai nước. Tiếp theo nó sẽ tạo dấu mốc lịch sử trong quan hệ giữa quốc gia. Trong lịch sử ngoại giao giữa Việt Nam với Triều Tiên, năm 1957, Hồ Chủ tịch đã từng sang thăm Triều Tiên và năm 1958, cố Chủ tịch Kim Nhật Thành sang thăm Việt Nam. Sau đó, hai nước còn có những chuyến thăm cấp cao khác.

Chuyến thăm của nhà lãnh đạo cao nhất Triều Tiên tới nước ta thể hiện truyền thống thân tình bạn bè giữa hai quốc gia vốn có tình hữu nghị từ lâu đời.

Chúng ta mời, bạn nhận lời, có nghĩa là lãnh đạo và nhân dân cả hai nước đều mong muốn tiếp tục phát triển mối quan hệ tốt đẹp giữa hai quốc gia lên một tầm cao mới.

Việt Nam và Triều Tiên tuy là hai quốc gia cùng thể chế chính trị, nhưng hoàn cảnh và điều kiện mỗi nước hiện nay lại khác nhau. Theo ông điều này sẽ ảnh hưởng thế nào tới quan hệ kinh tế giữa hai nước?

- Tôi nghĩ kết quả đàm phán thượng đỉnh Triều - Mỹ tại Hà Nội ngày 28.2 không đưa lại kết quả như dư luận mong muốn, điều đó có nghĩa là quan hệ giữa Mỹ - Triều Tiên chưa có nhiều cải thiện. Khó khăn của Triều Tiên vẫn vậy, lệnh cấm vận của Liên Hợp quốc với Triều Tiên vẫn tồn tại. Điều đó gây khó khăn và cản trở Triều Tiên trong việc hợp tác, giao lưu kinh tế với các nước, trong đó có Việt Nam.

img

Ông Dương Chính Thức - cựu Đại sứ Việt Nam tại Triều Tiên. (Ảnh: VNE)

Còn về phía Việt Nam, nghị quyết cấm vận của Liên hợp quốc cũng cản trở chúng ta nếu muốn hợp tác với Triều Tiên. Tôi nghĩ với phương châm ngoại giao của Việt Nam, chúng ta rất muốn thúc đẩy quan hệ kinh tế với không chỉ Triều Tiên mà tất cả các nước. Đặc biệt, Việt Nam và Triều Tiên vốn có quan hệ truyền thống, sang năm 2020 tròn 70 năm hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao.

Quay trở lại kết quả Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ -Triều tại Hà Nội, tôi cho rằng việc hai bên không đạt được kết quả khả quan có thể khiến nhiều người thất vọng.

Nhưng nhiều ý kiến vẫn cho rằng, dù Thượng đỉnh Mỹ - Triều tại Hà Nội có thể không đạt được thành tựu đáng kể, nhưng cũng ít nhiều có kết quả.

Dù tình hình hai nước khác nhau, nhưng chuyến thăm Việt Nam của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong –un vẫn sẽ thúc đẩy sự phát triển quan hệ giữa hai nước thưa ông?

- Chuyến thăm của ông Kim Jong-un tới Việt Nam lần này là một sự kiện chính trị lớn, có thể tạo dấu ấn lịch sử trong mối quan hệ giữa Việt Nam và Triều Tiên.

Còn sau chuyến thăm, hợp tác giữa hai bên có tiến triển thêm những bước tốt đẹp hay không còn phải phụ thuộc rất nhiều vào tình hình trên bán đảo Triều Tiên và tình hình quốc tế. Nếu tình hình có những thay đổi tích cực thì mối quan hệ hợp tác giữa hai quốc gia chắc chắn sẽ có những tiến bộ. Còn đương nhiên, trong đối ngoại Việt Nam luôn mong muốn thúc đẩy hợp tác với Triều Tiên.

Từng là Đại sứ Việt Nam tại Triều Tiên, ông cảm nhận thế nào về sự thay đổi của đất nước này gần đây thưa ông?

- Có nhiều đoàn nhà báo và nhiều người Việt Nam sang thăm và công tác tại Triều Tiên, có những bức ảnh, tin tức nói về sự phát triển gần đây ở thủ đô Bình Nhưỡng và một số nơi trên đất nước Triều Tiên.

Tôi thấy như vậy là có sự phát triển. Còn tôi đã rời Triều Tiên được 23 năm, chưa có dịp quay trở lại đây để có những so sánh cụ thể. Nhưng qua theo dõi thông tin trên các phương tiện truyền thông, có thể cảm nhận thấy rõ Triều Tiên đang có những sự phát triển đáng kể.

Xin cảm ơn ông (!)

Trong lịch sử đã có những chuyến thăm cấp cao nhất của lãnh đạo hai nước. Năm 1957, Chủ tịch Hồ Chí Minh tới thăm Triều Tiên và Thủ tướng Triều Tiên Kim Nhật Thành đến thăm Việt Nam một năm sau đó. Tháng 6.1961, Thủ tướng Phạm Văn Đồng thăm chính thức Triều Tiên. Năm 1964 ông Kim Nhật Thành trở lại thăm Việt Nam.

Năm 2007, Tổng Bí thư lúc đó là ông Nông Đức Mạnh và năm 2008, Bộ trưởng Bộ Công an lúc đó là ông Lê Hồng Anh đã tới thăm Triều Tiên. Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Hội nghị nhân dân tối cao Kim Yong Nam và Thủ tướng nội các Triều Tiên Kim Yong Il lần lượt thăm Việt Nam năm 2001 và 2007.

Trong chuyến thăm Việt Nam của Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Yong-ho tháng 11.2018, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh khẳng định Việt Nam sẵn sàng chia sẻ với Triều Tiên kinh nghiệm xây dựng đất nước, phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế trên cơ sở các đề nghị của Triều Tiên.

Ngày 12-14.2, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đã có chuyến thăm chính thức Triều Tiên. Chuyến thăm này diễn ra trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump mới thông báo sẽ gặp Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong -un tại Hà Nội vào ngày 27 và 28.2.