Mặc dù nghề nuôi lươn thương phẩm đã được nông dân ứng dụng hơn 10 năm, nhưng nguồn lươn giống vẫn phụ thuộc vào tự nhiên. Bên cạnh đó, thời gian thả giống phụ thuộc vào mùa vụ, cách đánh bắt lươn giống chưa phù hợp dẫn đến việc khai thác lươn giống tận thu tận diệt, khai thác không gắn liền với công tác bảo vệ hay tái tạo nên sản lượng lươn ngoài tự nhiên suy giảm trầm trọng.
Khu bể cho lươn đồng sinh sản của ông Lê Hoàng Vũ được lót bạt ở ngoài ruộng.
Là nông dân ngụ tại ấp 8 xã Vĩnh Viễn A, ông Lê Hoàng Vũ với bản tính siêng năng, cần cù ham học hỏi và mạnh dạn ứng dung cái mới vào sản xuất. Thấu hiểu nổi vất vả của người nuôi lươn khi phải mua giống tự nhiên, tỷ lệ sống lươn nuôi không cao và phải phụ thuộc vào mùa vụ nên đã nung đúc ý nghĩ sản xuất giống lươn để thay thế lươn giống tự nhiên.
Trong năm 2018 dưới sự hướng dẫn kỹ thuật tận tình của cán bộ khuyến nông cộng với sự đam mê và lòng quyết tâm, ông Vũ đã mạnh dạn áp dụng vào mô hình sản xuất giống lươn của mình. Trong quá trình thực hiện ông Vũ đã lặn lội lên tỉnh Vĩnh Long, rồi lên huyện Châu Phú, tỉnh An Giang để học hỏi kinh nghiệm thực tiễn nuôi lươn đẻ từ những nông dân khác.
Sau 8 tháng thực hiện, với quy mô 100 m2, ông Vũ thả 1.500 lươn bố mẹ, mô hình sản xuất giống đã xuất bán được 200.000 con lươn giống, trừ các chi phí ban đầu lợi nhuận đạt trên dưới 150.000.000 đồng và còn đàn lươn bố mẹ cộng với các thiết bị phục vụ cho công việc sản xuất lươn giống cho các năm tiếp theo.
Năm 2019, mô hình sản xuất giống lươn của ông Lê Hoàng Vũ đã phát triển 25 bể với diện tích 400 m2 với năng lực sản xuất hơn 600.000 lươn giống trên năm, nhầm cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh trong thời gian tới. Dự tính, với quy mô nuôi lươn đẻ, lươn giống tăng lên hơn gấp 2 lần thì lợi nhuận thu được cũng tăng lên tương ứng. |
Về kinh nghiệm nuôi lươn, kỹ thuật nuôi lươn đẻ, ông Vũ cho biết: “Mô hình sản xuất giống lươn không khó chỉ cần áp dụng đúng quy trình kỹ thuật, trong quá trình thực hiện cần duy trì nguồn nước tốt, pH thích hợp: 7.5-8.0, bố trí sục khí trong quá trình ấp trứng và chọn loại thức ăn cho lươn con phù hợp là trùng chỉ. Ngoài ra, người thực hiện mô hình phải kiên nhẫn và có tâm huyết với nghề, chịu khó học hỏi và mạnh dạn ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất là thành công.”
Tiếng lành đồn xa, mô hình sản xuất giống lươn đồng của ông Lê Hoàng Vũ được nông dân nhiều xã lân cận của huyện Long Mỹ cũng như các tỉnh bạn như Sóc Trăng, tỉnh Bạc Liêu tới tham quan học tập và đặt con giống nuôi trong thời gian tới và Ông Vũ đã sẵn sàn chia sẻ kinh nghiệm của mình với nông dân khác. Trong số nông dân đến học tập đã có người mạnh dạng ứng dụng vào sản xuất.
Mặc dù số lượng cung cấp lươn giống chưa đủ so với nhu cầu lươn giống hiện nay, nhưng cũng đã nói lên được đam mê sáng tạo và biết ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất của nông dân huyện Long Mỹ. Mô hình nuôi lươn đẻ, sản xuất lươn giống với hiệu quả cao như gia đình ông Vũ là hướng đi bền vững trong sản xuất nông nghiệp.
Hy vọng trong thời gian tới mô hình sản xuất giống lươn được nhân rộng trong nhân dân để đáp ứng đủ số lượng lươn giống chất lượng cho nông dân nuôi lươn, cũng như góp phần bảo vệ nguồn lợi thủy sản ngoài tự nhiên ngày càng cạn kiệt.
Xã Vĩnh Viễn A là một trong những xã huyện Long Mỹ, với 2 mặt tiếp giáp với sông lớn, ngoài ra nơi đây còn có mạng lưới sông ngòi chằng chịt, nguồn nước quanh năm phong phú nên rất thuận tiện cho việc nuôi trồng thủy sản nói chung và trong đó có nghề nuôi lươn.
Từ nhiều năm nay, nông dân xã Vĩnh Viễn A đã biết tận dụng diện tích đất sau nhà xây bể và lợi thế mùa nước nổi khai thác một số loài thủy sản ốc bươu vàng, cá tạp để nuôi lươn nhằm giảm giá thành tăng thu nhập cho gia đình do lợi nhuận của mô hình nuôi lươn thương phẩm khá cao. Mô hình này rất phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương, góp phần tăng thu nhập cho nông hộ. Đồng thời tác động tích cực đến nhận thức của người dân xung quanh tạo tiền đề để nhân rộng mô hình trong thời gian tới. |