“Đây là điều chúng tôi đóng góp cho nhu cầu thiết yếu của du lịch Đà Nẵng, không chỉ với khách du lịch nước ngoài mà cả người dân TP”, bố chồng Hà Tăng nói và cho rằng, các cửa hàng giảm giá là hướng đi đúng đắn trong bối cảnh Đà Nẵng sẽ còn phát triển vượt bậc về du lịch.
Johnathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch tập đoàn Liên Thái Bình Dương, cho biết ông đã chờ cơ hội đầu tư vào Đà Nẵng từ rất lâu. Tuy nhiên, ông sẽ không lựa chọn đầu tư vào các trung tâm thương mại. Lý do là sức mua ở đây còn kém, nhất là ở phân khúc hàng hóa hàng trăm triệu, thậm chí tiền tỷ. Một lý do nữa là thực trạng hàng giả, hàng nhái, hàng xách tay đang phổ biến; việc cạnh tranh về giá đối với các loại hàng này là không thể.
Ông Johnathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch tập đoàn Liên Thái Bình Dương (Ảnh: Vietnamnet)
“Nếu mở trung tâm thương mại, nên tập trung vào phân khúc hàng giảm giá, người nước ngoài mua được, người Việt Nam cũng mua được. Hiện nay, sở thích của người Việt Nam mình là chờ hàng giảm giá, giảm tới 30-40% là bắt đầu hốt hàng. Chúng tôi có thể mở một trung tâm bán hàng giảm giá, hay hàng lỗi thời, hàng lỗi mùa. Hàng đó bất cứ khách du lịch nước nào, hay người Việt Nam đi tới đâu cũng hỏi”, ông Hạnh Nguyễn cho biết.
Ông Hạnh Nguyễn cho rằng, sau các sự kiện vừa qua, ngành du lịch Việt Nam trong đó có Đà Nẵng sẽ phát triển vượt bậc hơn nữa. Các sự kiện như bóng đá Việt Nam, cả thế giới đều biết; hoa hậu Việt Nam, cả thế giới đều biết, và vừa rồi hai nguyên thủ quốc gia Mỹ - Triều họp thượng đỉnh tại Hà Nội được cả thế giới theo dõi.
“Những sự kiện này cùng với sự hỗ trợ, quan tâm của lãnh đạo, các đại sứ quán, tôi tin chắc Đà Nẵng sẽ còn phát triển vượt bậc hơn nữa. Như vậy, đây là thời cơ mà chúng tôi muốn tham gia vào. Chúng tôi đã chờ đợi điều này hơi lâu”, bố chồng Hà Tăng chia sẻ.
“Như vậy, thế mạnh của chúng tôi là có thể mở ngay một trung tâm bán hàng giảm giá tại Đà Nẵng, nhưng thời gian qua chúng tôi đã tìm kiếm mặt bằng mà khan hiếm quá”, ông Johnathan Hạnh Nguyễn nói.
Ông Johnathan Hạnh Nguyễn phân tích, mặt bằng tập trung cho các trung tâm thương mại, mặt bằng tập trung cho các resort,... cái đó là hạ tầng cơ sở để đưa khách du lịch đến Việt Nam, nhưng không thể giúp cho việc mua hàng.
“Khách du lịch có thể mang theo 4.500 USD tiền mặt nhưng họ không chi tiêu. Chúng ta đang thất thu một số lượng ngoại tệ rất khủng khiếp, chúng tôi dự định phải đến 10 tỷ USD.
Như vậy tại sao chúng ta không làm, nước bạn kế bạn như Hàn Quốc đã làm”, ông Johnathan Hạnh Nguyễn đặt câu hỏi và cho rằng, ở Đà Nẵng cần phát triển các cửa hàng giảm giá để kích sức mua, thu được nhiều ngoại tệ. Và nếu không có gì thay đổi, tháng 6 này Đà Nẵng là TP đầu tiên trong cả nước có hàng outlet thực sự giống như mô hình này ở các nước.