Dân Việt

Tập trung chống “lạm phát tâm lý”

03/12/2010 15:11 GMT+7
(Dân Việt) - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các bộ, ngành địa phương tập trung thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bình ổn thị trường, giá cả.

Lập các đoàn chống đầu cơ hàng hoá

Ngày 1-12, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 11 dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Đánh giá về tình hình kinh tế - xã hội tháng 11 và 11 tháng qua, các thành viên Chính phủ nhất trí cho rằng, kinh tế - xã hội phát triển theo chiều hướng tích cực, thể hiện qua tốc độ tăng trưởng của công nghiệp lên tới 13,8%; sản xuất nông, lâm, thủy sản đạt khá; xuất khẩu đạt xấp xỉ 64,3 tỷ USD, tăng 24,5% so với năm trước...

img
Giá tiêu dùng tăng cao đang ảnh hưởng đến nhiều mặt đời sống. Ảnh minh hoạ, chụp tại siêu thị Big C Hà Nội.

Mặc dù vậy, các thành viên Chính phủ cũng cho rằng, nền kinh tế vẫn đối mặt với nhiều bất ổn do tác động từ những diễn biến phức tạp của kinh tế thế giới. Cụ thể, giá cả nhiều mặt hàng trên thế giới tăng (vàng, kim loại quý, dầu…) đã ảnh hưởng không tốt đến nền kinh tế nước ta.

Chỉ số giá tiêu dùng tháng 11- 2010 tăng 1,86% so với tháng trước, là mức tăng cao nhất trong 9 tháng gần đây. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 11-2010 đã ở mức 9,58%, tác động tiêu cực đến sản xuất và đời sống của nhân dân.

Kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị các thành viên Chính phủ cần nghiêm túc nhìn nhận vấn đề để xảy ra tình trạng giá cả tăng cao, tác động tiêu cực đến sản xuất và đời sống của nhân dân và yêu cầu các bộ, ngành địa phương tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm kiềm chế lạm phát.

Chính quyền các cấp chỉ đạo các ngành chức năng ở địa phương chủ động thành lập các đoàn kiểm tra chống các hành vi đầu cơ, găm hàng, đưa tin thất thiệt về cung cầu, giá cả hàng hóa, dịch vụ… trên địa bàn.

Kiềm chế "lạm phát tâm lý”

Tại cuộc họp báo thông báo nội dung phiên họp Chính phủ vào chiều cùng ngày, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Giàu khẳng định, thời gian qua, việc găm giữ USD như báo chí phản ánh là có thật.

img Việc thanh tra Vinashin toàn diện, đầy đủ đang được tiến hành. Sau khi kết thúc sẽ công bố đầy ỉu, rõ trách nhiệm của từng cá nhân, tập thể. Còn việc tổng kết Đại lễ tới đây sẽ chỉ rõ những bất cập và công bố công khai các khoản thu, chi. img
 

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Phúc

Theo Thống đốc, ngày 21-11 vừa qua, tình trạng ngoại hối rơi vào mức tồi tệ nhất là âm 355 triệu USD, tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại chỉ còn âm 94 triệu USD. Con số thâm hụt của năm 2009 là 8,8 tỷ USD.

Năm nay, các biện pháp đưa ra là tăng nguồn cung, giảm nhu cầu với kế hoạch thâm hụt khoảng 4 tỷ. Theo kế hoạch này, với các khoản từ kiều hối, du lịch, xuất khẩu… hy vọng những tháng cuối năm sẽ đạt được kế hoạch đề ra.

Thống đốc cũng thừa nhận tỉ giá trên thị trường tự do trong hai tháng gần đây cao hơn mức niêm yết của NHNN. Nguyên nhân do chính sách của các nền kinh tế lớn đã điều chỉnh đã tác động tới tâm lý người dân, đẩy tỉ giá trên thị trường tự do tăng lên.

Ở các nước khác trong trường hợp lạm phát cao thường chọn giải pháp tăng dự trữ bắt buộc để can thiệp, nhưng nước ta do hệ thống ngân hàng chưa đồng bộ, nếu chọn giải pháp đó sẽ tác động rất lớn đến hoạt động của ngân hàng. Chính vì thế, chúng ta đã quyết định chọn giải pháp nâng lãi suất để hút tiền về, nhằm kiềm chế lạm phát.

Trả lời câu hỏi của phóng viên báo Nông thôn Ngày nay, Chính phủ sẽ ưu tiên mục tiêu kiềm chế lạm phát hay mục tiêu tăng trưởng kinh tế, Bộ trưởng- Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết:

“Cả hai mục đều phải ưu tiên, dù có đối ngược nhau. Chúng ta sẽ cố gắng để làm sao đừng làm cho lạm phát quá cao, ảnh hưởng tới mức sống của người dân và lúc đó tăng trưởng sẽ không còn có ý nghĩa”.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Phúc cũng khẳng định: “Thông điệp của Chính phủ là phải kiềm chế được “lạm phát tâm lý” vì đây là hiện tượng rất nguy hiểm”.