Chiều 24.2, nhiều nhà cung cấp vây quanh siêu thị này sau khi bất ngờ nhận được thông tin nơi đây đã ngừng hoạt động. Hàng chục người kéo vào kho lấy hàng, số khác la ó đòi thanh toán nợ và nhiều người thấp thỏm đứng đợi bên ngoài nghe ngóng tình hình. Thậm chí có nhà cung cấp không hề biết siêu thị đã đóng cửa mà vẫn tới giao hàng bình thường. Công an phường Tân Phong, quận 7, phải can thiệp để ổn định trật tự.
Nhiều nhà cung cấp vào kho lấy hàng về. Ảnh: B.H. |
Anh Trung, đại diện đơn vị cung ứng hàng gia dụng cho Fivimart quận 7 từ 4 năm nay cho biết, đầu 2011, công ty đã ngưng giao hàng, nhưng khoản nợ gần 100 triệu từ năm 2010 trở về trước đến nay vẫn chưa được hoàn trả. "Tôi được bạn bè báo siêu thị đã ngừng hoạt động nên tức tốc đến giải quyết số nợ còn tồn đọng, chứ không được siêu thị báo trước", anh kể.
Chiều 24.2, anh cầm trong tay đủ các hóa đơn, chứng từ cần thiết như: bảng đối chiếu công nợ, biên bản thanh lý hợp đồng có xác nhận của cả 2 phía, nhưng công ty từ chối thanh toán nợ vì "chưa lên lịch trả nợ và cũng chưa biết khi nào mới sắp xếp được".
Chờ đến lượt mình để đối chiếu công nợ, anh Hà, đại diện đơn vị cung ứng sữa tắm cho biết, 3 ngày nay anh chực chờ từ sáng tới chiều cũng chưa được giải quyết. "Nợ chưa trả, siêu thị lại âm thầm đóng cửa khiến công ty tôi lo lắng. Gác bỏ hết mọi công việc, nhiệm vụ chính của tôi mấy ngày nay là đứng chờ và ngóng lãnh đạo siêu thị đến để giải quyết nhưng không thấy đâu", anh kể.
Chở hàng về lại Bình Dương. Ảnh: B.H. |
Mặc dù đã được phòng kế toán siêu thị hứa sẽ ưu tiên thanh toán trước bởi khoản nợ công ty anh thuộc loại ít nhất (25 triệu đồng), song anh Hà vẫn không yên tâm khi siêu thị cứ trì hoãn việc thanh toán, dù đã tới lui trên 10 lần.
"Nơi đây đóng cửa, địa điểm văn phòng mới lại chưa có gì, thậm chí bảo vệ cũng không biết lịch trình hoạt động ra sao. Vài ngày nữa, khi thanh lý hết số hàng tồn trong kho, nhân viên không còn làm việc, tôi biết đi đâu tìm họ để đòi nợ", anh than.
Chở về Bình Dương một nửa số hàng là các loại gốm sứ đã cung ứng nửa năm trước cho siêu thị, chị Nga, đơn vị cung cấp cho biết siêu thị vẫn còn nợ hơn 80 triệu đồng. Đối chiếu công nợ theo lịch hẹn nhưng nhân viên đùn đẩy nhau. Nhận thấy việc thanh toán bị chậm trễ nên công ty chị mấy tháng nay giao hàng nhỏ giọt, cầm chừng và không hề biết siêu thị ngưng hoạt động trong tháng 2.
"Nếu không đòi được nợ, tôi không biết phải ăn nói sao với sếp. Trong khi tại siêu thị, hiện chỉ còn một vài nhân viên, hoàn toàn không có lãnh đạo đứng ra giải quyết", chị nói.
Siêu thị Fivimart quận 7 đã đóng cửa. Ảnh: B.H. |
Ngày 24.2, Fivimart làm bản cam kết gửi đến Công an phường Tân Phong khẳng định sẽ lên lịch thanh toán công nợ cho nhà cung cấp từ 15/3. Hợp đồng thuê mặt bằng tại đây hết hạn từ 1/3 nên từ nay đến cuối tháng, văn phòng dọn dẹp, trả hàng, xác nhận công nợ và chính thức làm việc ở địa điểm mới vào đầu tháng sau.
Bà Vũ Thị Hậu, Phó tổng giám đốc hệ thống siêu thị Fivimart cho biết: "Không có chuyện công ty phá sản, không thanh toán cho nhà cung cấp. Trước đó, siêu thị đã gửi công văn tới tất cả nhà cung cấp nói rõ lý do ngưng hoạt động và yêu cầu đến làm thủ tục trả hàng, quyết toán".
Theo bà, về nguyên tắc, khi một cửa hàng đóng cửa để chuyển sang nơi khác sẽ xuất trả hàng cho nhà cung cấp nhằm giảm bớt chi phí vận chuyển cho siêu thị, đối chiếu công nợ có chữ ký xác nhận các bên, thanh lý hợp đồng. Sau đó, kế toán sẽ lên lịch trả nợ theo thứ tự. Sau khi thanh lý hợp đồng, nếu 2 bên tiếp tục hợp tác sẽ ký hợp đồng mới.
Hiện Fivimart có 3 cửa hàng tại TP HCM.