Đoàn công tác có mặt kiểm tra, thăm hỏi, động viên hộ anh Vũ Văn Quyết, trú tại thôn 2, xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên, TP.Hải Phòng. Hộ anh Quyết là 1/37 hộ có lợn phải xử lý tiêu hủy do nhiễm dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) với số lượng 30 con.
Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường trực tiếp thị sát công tác chống dịch tả lợn châu Phi tại Hải Phòng.
Anh Vũ Văn Quyết chia sẻ "Hộ anh có nguồn thu nhập chính từ chăn nuôi lợn từ những năm 2009 đến nay. Việc duy trì sản xuất cũng nhờ vào sự hỗ trợ vốn của ngân hàng nông nghiệp, phát triển nông thôn huyện. Từ ngày chăn nuôi cũng chưa bao giờ gặp dịch hay tổn thất lớn như đợt dịch này. Ước tính thiệt hại của gia đình lên tới hơn 100 triệu đồng".
Một điều đáng tiếc nữa là hộ anh Quyết là điểm cung cấp giống lợn cho các hộ chăn nuôi lợn xung quanh. Trong khoảng thời gian dài chờ tái đàn lợn, hộ anh Quyết sẽ chuyển hướng cải tạo chuồng nuôi sang chăn nuôi gà, vịt, tận dụng mặt nước nuôi cá để có nguồn thu nhập.
TP Hải Phòng đã lập các chốt chặn để ngăn việc vận chuyển lợn ra khỏi vùng dịch.
Tính đến ngày 2.3, địa bàn TP.Hải Phòng có 37 hộ nhiễm DTLCP ở 2 huyện Thủy Nguyên gồm các xã Chính Mỹ, Liên Khê, Lưu Kiến, Đông Sơn, Thủy Đường và xã Nam Hưng, huyện Tiên Lãng. Số lợn bắt buộc phải tiêu hủy tại các đợt từ ngày 23.2 - ngày 1.3 là 424 con.
Thay mặt đoàn công tác, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường động viên hộ anh Vũ Văn Quyết ( 1 trong số hộ phải tiêu hủy nhiều lợn nhất đến thời điểm kiểm nói trên sau hộ anh Vũ Văn Đạt tại xã Chính Mỹ, huyện Thủy Nguyên là 35 con).
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, hiện dịch tả lợn Châu Phi đã bùng phát trên nhiều tỉnh thành và diễn biến rất phức tạp. Tuy nhiên, qua công tác kiểm tra cho thấy, Hải Phòng đã rất quyết liệt và hướng dẫn người dân chăn nuôi xử lý rất tình huống rất tốt khi có dịch bệnh. Cụ thể vệ sinh khu chuồng nuôi, đường làng ngõ xóm đều được hướng dẫn và xử lý đúng qui định và tuyệt đối tuân thủ không tái đàn tự phát. Khi cơ quan chuyên môn công bố tuyệt đối an toàn, không còn nguy cơ tái dịch người chăn nuôi mới tái đàn lợn tránh nguy cơ rủi ro và thất thoát về kinh tế.
Các hộ dân đang xử lý tiêu độc khủ trùng môi trường bằng vôi bột.
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, để kiểm soát và ngăn chặn bệnh dịch tả lợn Châu Phi lây lan, khâu tiêu hủy lợn nhiễm bệnh vô cùng quan trọng. Bộ trưởng nhấn mạnh áp phải dụng biện pháp tiêu hủy tập trung tại chỗ tránh lây lan. Người dân tiêu hủy lợn nhiễm bệnh tuân thủ những qui trình như: Việc đào hố chôn lấp phải đúng theo khuyến cáo của OIE sâu 3 mét, sử dụng vải bạt hoặc nilon bao xung quanh và sử dụng vôi cục, sau đó mới được đưa lợn chết xuống.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường động viên người chăn nuôi yên tâm về chính sách hỗ trợ và đề nghị Hải Phòng bằng nhiều kênh nhiều nguồn khác nhau sớm có chính sách hỗ trợ cho người dân có lợn bị tiêu hủy để ổn định tâm lý người chăn nuôi đồng thời tạo điều kiện cho các hộ có lợn bị tiêu hủy yên tâm chuyển hướng sinh kế mới. Hiện, Bộ NN-PTNT đang đề xuất Chính phủ và các Bộ ngành sớm ban hành các chính sách hỗ trợ thêm cho người chăn nuôi ngoài Nghị định 02 của Chính phủ.
Cũng có mặt trong buổi làm việc cùng ngày, ông Nguyễn Đình Chuyến - Phó Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng cho biết: Một số hộ dân bị tiêu hủy lợn ngày 22.2 vừa qua, đến nay đã nhận được tiền hỗ trợ theo NĐ 02 của Chính phủ là 38.000 đồng/kg hơi. Các hộ dân có lợn phải tiêu hủy tiếp theo cũng sẽ sớm nhận được hỗ trợ trong thời gian tới.
Còn theo ý kiến của ông Nguyễn Văn Tùng - Chủ tịch UBND TP.Hải Phòng kiến nghị Bộ NN-PTNT sớm có kiến nghị về chính sách hỗ trợ đối với những hộ phải tiêu hủy lợn, không áp dụng cào bằng. Cụ thể lợn nái hỗ trợ tăng thêm 1,8 - 2 hệ số so với mức hỗ trợ chung hiện nay.
Được biết, Hải Phòng là địa phương thứ 3 trong 7 tỉnh, thành cả nước xuất hiện dịch tả lợn Châu Phi với ca nhiễm đầu tiên được công bố ngày 22.2.2019 tại xã Chính Mỹ, huyện Thủy Nguyên. |