Cao nguyên Mộc Châu có khí hậu mát mẻ, đất đai màu mỡ rất thuận lợi cho trồng rau xanh, trong đó có trồng rau bắp cải, có thể tạo ra nguồn thu nhập lớn cho nhiều nông hộ. Ông Kim Văn Dũng là một trong những hộ tiên phong trong trồng rau bắp cải VietGAP phát triển kinh tế ở địa phương, mỗi năm ông thu lãi hàng trăm triệu đồng.
Nhờ trồng rau cải bắp theo tiêu chuẩn VietGAP, ông Dũng đã sắm được xe hơi xây nhà lầu.
Trao đổi với PV Dân Việt về cơ duyên đến với nghề trồng rau cải bắp, ông Dũng cho biết: Trước kia, tôi trồng ngô, sắn, lúa nước nhưng do giá cả mấy năm trở lại đây thấp, không đủ chi phí tiếp tục đầu tư, tôi luôn nghĩ phải tìm hướng đi mới để thoát khỏi vòng lần quẩn khó khăn này. Năm 2016, tôi xuống huyện Bảo Lộc (Lâm Đồng) thăm bạn bè, thấy người dân ở đây trồng rau cải bắp theo tiêu chuẩn VietGAP mang lại nguồn kinh tế lớn. Sau đó, tôi trở về nhà cải tạo lại 2ha đất ruộng, đầu tư vốn lắp đặt hệ thống tưới tiêu tự động xong xuôi, rồi tôi xuống các nhà vườn uy tín tại huyện Mê Linh (Hà Nội) mua giống về trồng.
Ông Dũng đang theo dõi quá trình phát triển của rau cải bắp.
“Do chưa có kinh nghiệm về kỹ thuật chăm sóc rau cải bắp, nên lứa đầu tôi bị thất thu, rau không được xanh tốt và trùng với mùa rau ở các nhà vườn lớn dưới xuôi nên đầu ra cho sản phẩm thấp và bị ép giá. Rút kinh nghiệm từ lứa rau đầu tiên, tôi lên mạng internet, đọc báo tìm hiểu kỹ thuật chăm sóc và tìm cách trồng rau trái vụ để nâng cao hiệu quả trong sản xuất. Sau đó, tôi áp dụng vào vườn rau của mình trồng từ tháng 2 – 10 thì dừng không trồng nữa, chuyển sang trồng su hào, đậu cô ve... Nhờ cách trồng rau trái vụ, đầu ra cho sản phẩm của gia đình tôi đã được nâng cao và cho lãi lớn” – ông Dũng chia sẻ.
Ông Dũng lắp đặt hệ thống tưới tiêu tự động trên 2ha rau cải bắp.
Sau khi vườn rau cải bắp vào guồng quay ổn định, để đảm bảo đầu ra cho sản phẩm bền vững ông Dũng xuống Hà Nội, Bắc Ninh ký hợp đồng với Công ty Natoo, Công ty Hương Việt Sinh, chuỗi rau sạch ở Phủ Lý bao tiêu sản phẩm cho gia đình. Nhờ mạnh dạn và cách làm hay nên sản phẩm của ông luôn được người tiêu dùng đón nhận.
Nhờ cách chăm sóc tốt, vườn rau của ông Dung luôn phát triển xanh tốt.
Theo ông Dũng, trồng rau cải bắp theo tiêu chuẩn VietGAP, người trồng rau tuyệt đối không được sử dụng nước thải công nghiệp, các khu dân cư tập trung, các trang trại chăn nuôi, nước phân tươi, ao tù đọng... để tưới trực tiếp cho vườn rau.
Khi bắt đầu gieo trồng cần phải tưới nước 2 lần/ngày. Sau 10 – 15 ngày tưới giữ ẩm cho đất trong suốt thời gian rau sinh trưởng kết hợp bón thúc phải đúng quy trình. Khi rau cải bắp cuốn lá, tôi tiến hành tỉa bỏ lá chân đã già cho vườn được thoáng, để hạn chế sâu bệnh làm ảnh hưởng đến quá trình phát triển của rau.Thời điểm rau cải bắp cuốn chặt, mặt bắp mịn, lá xếp phẳng và căng thì tôi tiến hành thu hoạch.
Vườn rau cải bắp của ông Dũng được cấp giấy chứng nhận VietGAP năm 2017.
Khác với trồng rau thông thường, trồng rau cải bắp theo quy trình VietGAP đòi hỏi những yêu cầu khắt khe trong quá trình sản xuất. Ngoài việc đảm bảo các tiêu chuẩn về đất trồng, nước tưới, khâu giám sát đầu vào, quy trình gieo trồng chăm sóc, đến khâu thu hoạch tiêu thụ sản phẩm đều phải đảm bảo theo các tiêu chuẩn quy định và có nhật ký ghi chép đầy đủ. Vì vậy, đòi hỏi phải có một mô hình trồng rau an toàn thích hợp mới đảm bảo được các tiêu chuẩn quy định nghiêm ngặt trên.
Toàn cảnh 2ha rau cải bắp của ông Dũng đang chờ đến ngày thu hoạch.
Ông Dũng cho biết: Tôi được cấp giấy chứng nhận VietGAP từ năm 2017, được Công ty Natoo ở Hà Nội, Công ty Hương Việt Sinh bao tiêu sản phẩm đầu ra nên thu nhập của gia đình tôi luôn ổn định. Bình quân một năm tôi trồng rau cải bắp được 3 lứa, sau đó trồng đậu cô ve, su hào, cà chua, các loại rau ngắn ngày khác cho thu nhập 800 triệu đồng/năm. Từ khi chuyển sang trồng rau, tôi đã sắm được 3 chiếc xe ô tô và xây được nhà rộng khang trang, giờ gia đình tôi đã khấm khá và có của ăn của để.
Ông Dũng đứng ra thành lập HTX rau sạch nông nghiệp Dũng Tiến, thu hút 15 thành viên người dân tộc tham gia.
Không chỉ làm kinh tế giỏi, ông Dũng còn tạo công ăn việc làm cho 3 công nhân ở địa phương, lương 5 triệu đồng/tháng bao ăn, bao ở. Ngoài ra, ông còn đứng ra thành lập HTX rau sạch nông nghiệp Dũng Tiến thu hút 15 thành viên người dân tộc Dao, Mường, Thái tham gia với tổng diện tích là 10ha, trong đó có 6 ha trồng rau cải bắp, 4ha trồng cây ăn qua. Sau khi trừ chi phí, mỗi năm 1 thành viên của HTX thu lãi từ 150 - 200 triệu đồng, tăng gấp 8 lần so với trồng ngô, lúa trước đây.
Không chỉ làm kinh tế giỏi, ông Dũng còn tạo công ăn việc làm cho 3 công nhân ở địa phương.
Trao đổi với phóng viên, ông Bàn Văn Lợi, Chủ tịch xã Phiêng Luông, huyện Mộc Châu cho hay: Nhờ áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất rau cải bắp theo tiêu chuẩn VietGAP, lựa chọn những loại cây rau ngắn ngày cho năng suất cao. Nhiều năm nay gia đình ông Dũng đã có kinh tế dư giả, nuôi các con ăn học trưởng thành, tạo công ăn việc làm cho nhiều thành viên HTX ở địa phương. Thời gian tới, chúng tôi sẽ đẩy mạnh mô hình trồng rau sạch trên toàn xã, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, giúp bà con phát triển kinh tế vươn lên làm giàu tại địa phương.