Dân Việt

Tài xế bị buộc bồi thường 400 triệu tại chỗ: Pháp luật ở đâu?

Đ.V 03/03/2019 14:22 GMT+7
Trong vụ việc tài xế ô tô bị buộc phải bồi thường ngay 400 triệu đồng ở Lào Cai, luật sư cho rằng pháp luật không có quy định nào về việc cứ tai nạn chết người là thỏa thuận đền bù ngay tại hiện trường, hành xử như vậy thì pháp luật sinh ra để làm gì?

Như tin đã đưa, ông Giàng A Sàng, Chủ tịch UBND xã Sa Pả (Sa Pa, Lào Cai), xác nhận trên địa bàn xảy ra vụ tai nạn giao thông làm một người tử vong.

Theo ông Sàng, trưa 1.3, Hạng A Câu (15 tuổi, trú xã Sa Pả) điều khiển xe máy lưu thông theo hướng Lào Cai - Sa Pa và đâm trực diện vào ôtô 4 chỗ biển 24A do anh Nguyễn Trọng Nghĩa (30 tuổi, trú TP Lào Cai) chạy hướng ngược lại.

Cú va chạm mạnh khiến anh Câu tử vong tại chỗ, cả 2 phương tiện đều bị hư hỏng nặng.

img

Hiện trường vụ tai nạn.

Lúc này, người nhà nạn nhân và người dân kéo ra hiện trường đòi tài xế ôtô 4 chỗ phải bồi thường 400 triệu đồng. Vụ việc gây ùn tắc giao thông nhiều giờ.

Lực lượng chức năng vận động song nhiều người thân nạn nhân không chấp hành, vẫn gây rối trật tự. Họ cản trở việc đưa thi thể ra khỏi hiện trường, yêu cầu phải bồi thường ngay.

"Người nhà nạn nhân cùng nhiều người dân địa phương kéo ra khu vực hiện trường vụ tai nạn gây mất trật tự nhằm mục đích bắt đền tài xế. Do vậy tài xế xe con đã phải hỗ trợ ngay cho gia đình nạn nhân 200 triệu để giải quyết vụ tai nạn. 18h cùng ngày đoạn đường mới thông xe”, ông Sàng nói.

Liên quan đến vụ việc này, trao đổi với PV Dân Việt, luật sư Trương Quốc Hòe (Đoàn luật sư TP. Hà Nội) cho biết, tai nạn là điều không ai mong muốn, nhưng giải quyết vụ việc phải dựa trên tinh thần thượng tôn pháp luật.

Theo luật sư Hòe, vụ việc này muốn biết ai đúng ai sai, phải chờ kết quả từ cơ quan điều tra. Tuy nhiên, việc người nhà nam thanh niên thiệt mạng đòi 400 triệu mới chịu đưa xác đi là hoàn toàn sai.  

“Pháp luật không có quy định nào về việc cứ tai nạn chết người là thỏa thuận đền bù ngày tại hiện trường, đằng này lại còn chưa biết đúng sai thế nào. Hành xử như vậy thì pháp luật ở đâu, sinh ra để làm gì”, vị luật sư nói.

Luật sư Trương Quốc Hòe cho biết, vụ việc này phải áp dụng theo luật chứ không thể áp dụng theo phong tục tập quán được. Chuyện gì cũng giải quyết theo hướng này sẽ tạo tiền lệ xấu.

“Sau quá trình điều tra, nếu cơ quan công an xác định lỗi sai hoàn toàn thuộc về nạn nhân, đương nhiên nạn nhân phải chịu trách nhiệm về mọi rủi ro ảnh hưởng đến mình. Trong trường hợp người điều khiển ô tô có lỗi hoặc một phần lỗi, người này phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về lỗi do mình gây ra.

Trong trường hợp xác định người điều khiển ô tô không có lỗi, tất nhiên người này sẽ không phải chịu trách nhiệm hình sự. Nếu xác định lái xe ô tô không có lỗi, việc đền bù phải dựa theo nguyện vọng và sự tự nguyện của tài xế. Việc cả làng kéo nhau ra yêu cầu đền 400 triệu đã có dấu hiệu của tội cưỡng đoạt tài sản”, luật sư Hòe nhấn mạnh.

Cũng theo vị luật sư, việc lái xe ô tô đưa 200 triệu để người nhà nạn nhân đưa xác về chôn là tình thế cấp thiết để bảo vệ tính mạng và tài sản, gọi là tình thế cấp thiết vì khi đó lái xe này đang bị rất nhiều người đe dọa và uy hiếp.

Sau khi sự việc đã được giải quyết xong, lái xe ô tô vẫn có quyền đề nghị cơ quan công an vào cuộc, sau quá trình điều tra nếu xác định lái xe ô tô không có lỗi, người này hoàn toàn có thể yêu cầu gia đình nạn nhân phải trả lại 200 triệu. Nếu không trả lại hoàn toàn có thể khởi tố về tội cưỡng đoạt tài sản.