Ngày 25.2, ông Nguyễn Phi Hùng (ấp Hòa Phú, xã Long Bình, huyện Gò Công Tây, Tiền Giang) trong lúc mổ lợn đã phát hiện trong dạ dày lợn có một vật cứng màu rêu, hình tròn, xung quanh có rất nhiều lông và tỏa mùi thuốc bắc.
"Vật lạ" nghi cát lợn trong dạ dày con lợn 100kg.
Sau đó, gia đình ông Hùng mang vật này cho một người thân ở thị trấn Vĩnh Bình, cân được gần 300 gr. “Tôi rất ngạc nhiên vì đã nhiều năm giết mổ gia súc nhưng chưa bao giờ phát hiện ra vật nào như thế này” - ông Hùng nói.
Theo nhiều tài liệu, cát lợn còn có tên gọi là trư sa, trư bảo, là một loại kết tụ vật chất trong hệ tiêu hóa của con lợn như trong dạ dày, ruột, mật. Cát lợn được tạo thành nếu thời gian đủ dài sẽ có mùi thơm thảo mộc nhẹ nhàng, đặc biệt khi để trong không khí. Mặc dù trong các tài liệu y học cổ có ghi chép về trư sa nhưng y học hiện đại vẫn chưa có nhận định nào về công dụng của nó.
Đến thời điểm hiện tại, chưa có một cá nhân, cơ quan tổ chức nào xác nhận giá trị của vật thể này.