Dân Việt

BOT có 2 tuyến tránh qua 1 thành phố: Bộ chọn lối nào?

An Thanh 04/03/2019 07:25 GMT+7
Sắp tới, Bộ GTVT sẽ cho khôi phục lại Trạm thu phí Bỉm Sơn trên quốc lộ 1A, cách dự án đường vành đai phía Tây TP. Thanh Hóa khoảng 40km. Đây là dự án BOT đầu tiên làm đến 2 tuyến tránh qua TP. Thanh Hóa và nó dấy lên sự tréo ngoe khiến dư luận bất bình.

Ban đầu, tháng 11.2004 Bộ GTVT đã triển khai dự án Xây dựng Quốc lộ 1A đoạn tránh TP. Thanh Hóa (tuyến tránh phía Ðông) chiều dài 10km, tổng mức đầu tư 476 tỷ đồng (sau điều chỉnh lên 822 tỷ đồng), sử dụng trạm thu phí Tào Xuyên để thu phí hoàn vốn. Theo hợp đồng, nhà đầu tư được thu phí trong 30 năm 8 tháng.

Từ năm 2009, dự án bắt đầu thu phí tại trạm Tào Xuyên (TP. Thanh Hóa), sau đó UBND TP đề nghị di dời ra Bỉm Sơn để “tránh ùn tắc” và được Bộ Tài chính, Bộ GTVT chấp thuận năm 2011. Ðến tháng 8.2017, sau 7 năm 6 tháng thu phí, Tổng cục Ðường bộ quyết định dừng trạm thu phí vì nhà đầu tư đã thu đủ phí hoàn vốn.

img

Phối cảnh đường vành đai phía tây TP.Thanh Hóa đoạn giao với quốc lộ 1A.

Chuyện là năm 2014, Bộ quyết định tiếp tục ký phụ lục hợp đồng với nhà thầu bổ sung tuyến tránh phía Tây TP. Thanh Hóa theo kiểu chỉ định thầu để lách luật. Kinh phí dự kiến đầu tư tuyến tránh phía Tây khoảng 820 tỷ đồng (giảm 194 tỷ so với tổng mức đầu tư được duyệt). Tuyến đường vành đai phía Tây TP. Thanh Hóa có chiều dài 14,6km, được chia thành 2 dự án: trong đó đoạn từ km 0 – km 6 do Bộ GTVT đầu tư theo hình thức BOT. Đoạn từ km 6 – km 14 + 632 do UBND tỉnh Thanh Hóa đầu tư từ nguồn vốn ngân sách nhà nước.

Mục đích của dự án tuyến tránh phía Tây chủ yếu thu hút các phương tiện từ các huyện phía Tây theo hướng quốc lộ 45 và quốc lộ 47. Nhưng giờ đây Bộ GTVT và nhà thầu lại lập luận: “Nếu đặt trạm thu phí trên tuyến tránh phía Tây thì các phương tiện sẽ hầu hết sử dụng Quốc lộ 1 qua trung tâm TP. Thanh Hóa hoặc tuyến tránh phía Đông để lưu thông để tránh mất phí”. Lâu nay, người ta không phá dỡ trạm thu phí Bỉm Sơn này vì một lý do rất bí ẩn, nay mới lộ ra.

Với lập luận như thế, Bộ GTVT và các bên liên quan thống nhất lựa chọn phương án khôi phục lại trạm Bỉm Sơn để hoàn vốn: Chỉ thu với mức phí phù hợp (khoảng 15.000 đồng/xe con/lượt), có chế độ miễn, giảm phí cho người dân khu vực lân cận trạm; không tăng phí trong suốt quá trình khai thác.

img

Lễ động thổ đường vành đai phía tây TP.Thanh Hóa.

Điều này hoàn toàn trái ngược với nhiều lần tuyên bố của Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể là từ nay chỉ lập trạm thu phí trong phạm vi dự án, dẹp bỏ các trạm nằm ngoài dự án, thực hiện đúng nguyên tắc ai sử dụng đường BOT mới phải trả phí. Thực tế, trạm thu phí tuyến tránh phía Tây TP. Thanh Hóa đặt tại Bỉm Sơn là sai vị trí. Rất nhiều xe tải đến nhận hàng tại các nhà máy xi măng khu vực Bỉm Sơn, Tam Điệp không đi qua tuyến tránh phía Tây TP. Thanh Hóa nhưng vẫn phải trả phí là vô lý.

Hành loạt xe khách bắc nam chạy qua Thanh Hóa vừa đóng góp để thực hiện tuyến tránh phía Đông TP. Thanh Hóa, nay lại phải tiếp tục đóng góp để hoàn vốn tuyến phía Tây thành phố là gây sức ép lớn đến hiệu quả kinh doanh.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có Nghị quyết số 437/NQ-UBTVQH14 ngày 21.10.2017 về BOT yêu cầu phải thu phí đúng tuyến đường mới đầu tư và người dân có quyền lựa chọn. Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết 83/NQ-CP triển khai thực hiện Nghị quyết số 437, trong đó nhấn mạnh “đảm bảo việc thu phí gắn với đoạn đường thực tế được đầu tư và người dân có quyền lựa chọn giữa việc sử dụng dịch vụ không phải trả phí và dịch vụ phải trả phí”.  

Với những văn bản quy định chặt chẽ của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ, tưởng như trạm thu phí tuyến tránh phía Tây TP. Thanh Hóa sẽ được đặt đúng vị trí. Không lẽ, giờ đây người dân chỉ có cách duy nhất là “chọn quyền trả tiền” cho đoạn đường mà mình không hề lưu thông thôi sao? Bộ GTVT sẽ chọn phương án nào, theo đề xuất của nhà thầu hay các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ?