Dân Việt

Lúng túng cách xử lý hành vi làm giá chứng khoán

03/12/2010 06:09 GMT+7
(Dân Việt) - Vụ Tổng Giám đốc Công ty CP Dược phẩm Viễn Đông Lê Văn Dũng bị khởi tố, bắt tạm giam về hành vi thao túng giá chứng khoán đã bộc lộ sự bất cập khi cùng một hành vi đang tồn tại hai cách xử lý: Hành chính và hình sự.

Nhiều hình thức giao dịch giả

Ngày 2-12, Uỷ ban Chứng khoán nhà nước (SSC) đã yêu cầu phong tỏa tài khoản của ông Lê Văn Dũng - Tổng Giám đốc Công ty CP Dược phẩm Viễn Đông và của 2 Công ty cùng 13 người có liên quan. Những dấu hiệu ban đầu cho thấy, ông Dũng và một số người khác đã mở 11 tài khoản giao dịch chứng khoán dưới tên nhiều cá nhân. 11 tài khoản này liên tục tiến hành các lệnh mua bán đối với mã chứng khoán DHT của Công ty CP Dược Hà Tây với mục đích tạo giao dịch ảo trên thị trường.

img
Thị trường chứng khoán VN đang tồn tại nhiều hành vi giao dịch trái luật. (Ảnh minh họa)

Bất cứ một nhà đầu tư nào cũng có thể kể ra những dạng mua khống bán khống, làm giá trên sàn giao dịch chứng khoán. Chẳng hạn vay chứng khoán để bán trước; làm giá để lấy giá tham chiếu ngày hôm sau; mượn tài khoản để mua - bán, đặt lệnh vay để bán, sau đó mua rồi trả về… với sự đồng loã của chính các công ty chứng khoán. Vụ Lê Văn Dũng là vụ xử lý hình sự đầu tiên đối với hành vi thao túng giá chứng khoán trong bối cảnh các vụ thao túng không hề hiếm và trước nay luôn được xử lý hành chính.

Chủ yếu xử phạt hành chính

Trong thực tế, hàng loạt các vụ làm giá chứng khoán y hệt vụ việc Lê Văn Dũng đã được Uỷ ban Chứng khoán nhà nước xử lý… hành chính.

Cách đây chưa lâu, ngay sau khi niêm yết 100 triệu cổ phiếu (CP) trên sàn Hà Nội, mã cổ phiếu SQC của Công ty CP khoáng sản Sài Gòn- Quy Nhơn đã lập một "kỳ tích" vô tiền khoáng hậu trong lịch sử chứng khoán Việt Nam: 12 phiên liên tiếp tăng giá.

Từ giá trị 81.000 đồng/CP, nhiều thời điểm SQC đã tăng tới 159.800 đồng/CP. Sau khi sự bất thường bị phát hiện, các nhà đầu tư đã “sốc” khi biết rằng nhà máy của SQC đã ngưng hoạt động, mỗi tấn titan làm ra doanh nghiệp sẽ lỗ 57 USD…

Việc các "nhà đầu tư cá vàng"- (chỉ nhà đầu tư nhỏ lẻ) lao như thiêu thân vào SQC là bởi chỉ số P/E (hệ số giữa giá giao dịch 1 CP với lợi nhuận) quá cao, gấp 70 lần bình thường.

Cho đến khi Ủy ban Chứng khoán nhà nước quyết định xử phạt 2 nhà đầu tư là ông Hoàng Minh Hướng và bà Quách Thị Nga (40 triệu đồng/người), do có hành vi tác động lên giá CP SQC thì chỉ số P/E cao đến phi lý mới được tỏ tường. Trong một thời gian ngắn, 2 nhà đầu tư này đã "làm giá" bằng cách đặt nhiều lệnh mua khối lượng lớn CP SQC với giá trần hoặc sát trần trong nhiều phiên liên tục.

Vụ thao túng, làm giá gần đây nhất, gây nhiều bức xúc nhất là vụ nhà đầu tư Nguyễn Kim Phượng chào mua công khai 1,3 triệu CP VTV của Công ty CP Vật tư và Vận tải xi măng khiến giá cổ phiếu lập tức tăng mạnh. Thực tế nhà đầu tư này không hề mua mà sử dụng tài khoản thứ hai để bán ra 550.000 CP với giá cao để thu lợi. Bà Phượng sau đó chỉ bị phạt 170 triệu đồng.

Rõ ràng cùng một hành vi thao túng, làm giá mà xử lý hành chính cũng được mà xử lý hình sự cũng “ổn” thì không thể ngăn chặn được những tiêu cực, không thể chặn được hiện tượng làm giá trên thị trường.

Ông Nguyễn Hoàng Hải - Tổng thư ký Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính:

Hành lang pháp lý chưa rõ

Làm giá chứng khoán hiện nay được nhìn nhận dưới 2 hình thức: Một là ở một số doanh nghiệp niêm yết, họ nhào nặn số liệu, tạo ra doanh thu giả, lợi nhuận giả rất nghiêm trọng. Dạng thứ hai, phổ biến hơn là nhóm nhà đầu tư chuyên nghiệp thao túng giá cả, bằng cách câu kết với một số công ty chứng khoán, tạo dựng thông tin, kế hoạch rồi thông qua một số môi giới chứng khoán để tung ra thị trường. Cách làm này được thực hiện rất chuyên nghiệp và bí mật. Cách thao túng như trường hợp của cựu Tổng Giám đốc Dược Viễn Đông vừa qua chưa hẳn là tinh vi nhưng cho thấy rằng hiện tượng làm giá chứng khoán thời gian qua diễn ra phổ biến.
Hiện tại hành lang pháp lý chưa rõ ràng, nên dẫn đến tình trạng cạnh tranh không lành mạnh trên thị trường. Công ty này lợi dụng kẽ hở pháp luật để cạnh tranh không lành mạnh, rồi pháp luật không được thực thi nghiêm nên các công ty khác cũng tìm cách “nhảy vào”. Chẳng hạn như trường hợp Dược Viễn Đông, Ủy ban Chứng khoán nhà nước ra quyết định phạt 50 triệu đồng, kể cả không có yếu tố hình sự thì với việc phạt 50 triệu là quá nhỏ, không có ý nghĩa răn đe. - Hương Thuỷ (ghi)