Dân Việt

Khoáng sản trên sông Trà Khúc và lời đồn "siêu lợi nhuận"

Công Xuân 04/03/2019 15:52 GMT+7
Nhiều năm qua việc sở hữu quyền khai thác, kinh doanh các mỏ cát nằm ở sông Trà Khúc, đặc biệt là đoạn đi qua TP.Quảng Ngãi có sức hút vô cùng mãnh liệt đối với các doanh nghiệp lĩnh vực xây dựng.

PV Báo Dân Việt vừa tham dự buổi đấu giá mỏ 2 cát Phước Lộc và Diên Niên (xã Tịnh Sơn, huyện Sơn Tịnh) do Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản (Sở Tư pháp Quảng Ngãi) tổ chức. Dù trữ lượng được phép khai thác 2 mỏ này không lớn (mỏ Diên Niên khoảng 22.600m3, mỏ Phước Lộc khoảng 82.600m3), nhưng có đến 24/26 công ty, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh mua hồ sơ tham gia đấu thầu.

Sau gần 2 giờ diễn ra bằng hình thức bỏ phiếu với giá khởi điểm ban đầu mỏ Phước Lộc là 1,1 tỷ đồng, kết quả trúng thầu đã được nâng lên và chốt với số tiền gần 3,5 tỷ đồng. Còn mỏ cát Diên Niên dù trữ lượng khai thác chỉ gần bằng 1/4, với giá ban đầu khoảng 310 triệu đồng nhưng được đấu lên với giá trúng thầu trên 2,7 tỷ đồng, cao hơn gần gấp 9 lần so với mức giá khởi điểm.

img

Một điểm mỏ khai thác cát trên sông Trà Khúc, đoạn đi qua TP.Quảng Ngãi

Tuy nhiên, số tiền chênh nhau (giá khởi điểm và trúng thầu) của 2 mỏ cát này so với mỏ cát xã Nghĩa Dũng (TP.Quảng Ngãi) vừa diễn ra vào gần cuối năm 2018 vừa qua chỉ là con số lẻ. Từ giá khởi điểm khoảng 3 tỷ đồng, một công ty xây dựng có tiếng ở Quảng Ngãi đã trúng thầu mỏ Nghĩa Dũng số tiền 18 tỷ đồng, cao hơn 15 tỷ đồng.

Số lượng đơn vị tham gia đấu thầu đông, và để giành được quyền khai thác kinh doanh mỏ cát, các công ty và doanh nghiệp không ngần ngại bỏ thầu cao hơn từ vài, đến hàng chục tỷ đồng/mỏ để giành quyền sở hữu. Như vậy, lợi nhuận từ loại khoáng sản này có như lời ví von lâu nay trong giới kinh doanh xây dựng ở Quảng Ngãi "dễ như kiếm tiền tỷ từ khai thác cát ở sông Trà Khúc"?

Theo ông L.M.D, Giám đốc một công ty xây dựng ở Quảng Ngãi, việc đấu thầu rộng rãi các mỏ cát trên sông Trà Khúc được cấp thẩm quyền tỉnh cho tổ chức mới khoảng 1 năm nay. Với thời gian khai thác kéo dài nhiều năm sau nên hiệu quả mang lại thế nào thì chưa thể tính toán được. Còn trước đó, việc cấp phép khai thác cát dọc sông Trà Khúc (kéo dài từ xã Nghĩa Lâm, huyện Tư Nghĩa đến TP.Quảng Ngãi) là theo kiểu "xin-cho".

Nghĩa là doanh nghiệp nào làm dự án xây dựng có nguồn vốn từ ngân sách, sau khi làm thủ tục và đề nghị sẽ được cấp thẩm quyền tỉnh Quảng Ngãi cấp phép cho mỏ cát để khai thác. "Mang tiếng là để phục vụ làm dự án, nhưng lượng cát ở các mỏ cấp theo kiểu trên (xin-cho), chủ yếu được doanh nghiệp mang chở bán đi nơi khác để thu lợi", ông L.M.D cho biết.

img

Theo ông Đỗ Minh Hải - Giám đốc Sở TNMT Quảng Ngãi (ảnh), trong thời gian đến sẽ tham mưu cho chính quyền tỉnh thay việc cấp phép khai thác cát theo kiểu "xin-cho", bằng hình thức đấu giá công khai để tăng nguồn thu cho ngân sách

Các khoản phí mà doanh nghiệp phải trả cho hình thức "xin-cho", gồm: Thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản ước khoảng 20.000 đồng/m3. Trong khi đó, giá bán tại chỗ vào thời điểm gần đây nhất khoảng 60.000 đồng/m3 cát, mang lại lợi nhuận cho doanh nghiệp cao hơn gần gấp đôi.

Với số lượng cát bán hàng trăm lượt xe/ngày, không có gì khó hiểu khi có sự ví von "dễ như kiếm tiền tỷ từ khai thác cát ở sông Trà Khúc", dẫn đến việc sở hữu quyền khai thác, kinh doanh các mỏ cát nằm ở sông Trà Khúc có sức hút vô cùng mãnh liệt đối với giới doanh nghiệp lĩnh vực xây dựng.

Ngày 4.3, trao đổi với PV Dân Việt, ông Đỗ Minh Hải - Giám đốc Sở TNMT tỉnh Quảng Ngãi cho biết: "Hiện số mỏ cát đã được cấp theo kiểu "xin-cho" trên sông Trà Khúc còn 5 mỏ, trong số này có 3 mỏ sắp hết hạn. Để xóa bỏ dư luận không hay về việc cấp quyền khai thác cát theo hình thức cũ, tăng nguồn thu cho ngân sách, thời gian đến sẽ tham mưu cho tổ chức đấu giá công khai các mỏ cát trên địa bàn tỉnh".