Dân Việt

Để dịch tả lợn châu Phi lây lan, địa phương phải chịu trách nhiệm

Đình Thắng 05/03/2019 16:14 GMT+7
Tại hội nghị trực tuyến triển khai các giải pháp cấp bách khống chế bệnh dịch tả lợn châu Phi tổ chức ngày 4.3, đại diện nhiều địa phương đề nghị Thủ tướng Chính phủ tăng mức hỗ trợ đối với lợn nái, đồng thời hỗ trợ kinh phí chống dịch cho các địa phương...

Địa phương để dịch lây lan, lãnh đạo chịu trách nhiệm

Báo cáo tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, từ ngày 1.2 – 3.3, bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) đã xảy ra tại 202 hộ, 64 thôn, 33 xã, 14 huyện của 7 tỉnh, thành phố (gồm Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Nội, Hà Nam và Hải Dương); tổng số lợn bị mắc bệnh và tiêu hủy là 4.231 con, với tổng trọng lượng tiêu hủy hơn 297 tấn.

img

 Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường kiểm tra công tác phòng chống dịch tả lợn châu Phi tại TP.Hải Phòng.  Ảnh: T.L

"Điều mà tôi trăn trở nhất là các bộ, ngành chức năng phải rà soát lại, trả lời vì sao dịch bùng phát, có nguy cơ lan rộng dù chúng ta chủ động. Do vận chuyển tiêu thụ hay tiêu hủy? Liệu quy định mức hỗ trợ phù hợp chưa? Tôi đồng ý với giải pháp là hỗ trợ cho người dân có lợn dịch bị tiêu hủy bằng 80% với so với giá thị trường”.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, tại Việt Nam, ngành chăn nuôi chiếm vị trí vô cùng quan trọng. Bởi vậy, ngay từ khi Trung Quốc xuất hiện ổ dịch đầu tiên vào tháng 8.2018, ngày 30.8 Bộ NNPTNT đã có văn bản báo cáo, tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ra công điện chỉ đạo ngay các bộ, ngành, các tỉnh, thành triển khai các biện pháp phòng chống, ứng phó dịch bệnh.

Tuy nhiên, đây là dịch bệnh mới, lan truyền từ nhiều con đường khác nhau, trong khi Việt Nam có hơn 1.000km biên giới, hàng chục triệu lượt khách du lịch qua lại mỗi ngày... nên từ tháng 2.2019, ổ dịch đầu tiên đã xuất hiện ở Hưng Yên và đến nay đã lan ra 7 tỉnh.

Dự và phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, phải chống DTLCP như chống giặc, huy động mọi nguồn lực xử lý dịch đã xâm nhập vào 7 tỉnh ở Việt Nam.

“Nếu chúng ta làm tốt, kịp thời hơn, thì dịch không lan rộng ở Việt Nam. Nếu không có biện pháp mạnh thì dịch sẽ lây lan khó kiểm soát... Tôi yêu cầu hệ thống chính trị các cấp, ngành thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 04 của Chính phủ. Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước Thủ tướng về việc này”.

Tăng mức hỗ trợ tiêu hủy lợn nhiễm bệnh

Chủ tịch UBND TP.Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng cho biết, hiện Hải Phòng có trên 400.000 đầu lợn, trong đó lợn nái chiếm 10%. Nếu phân tích theo công nghệ chăn nuôi, thì công nghệ cao chỉ 15%, còn lại là chăn nuôi ở trang trại, hộ cá thể. Đến thời điểm này, tỉnh có 3 huyện, 9 xã, 59 hộ trên 17 thôn đã có lợn nhiễm bệnh. Tổng số lợn phải tiêu huỷ là 1.300 con, tương đương 70 tấn thịt lợn, trong đó nông trại phải tiêu huỷ nhiều nhất là 600 con.

Thành phố cũng chỉ đạo áp dụng đồng bộ các biện pháp phòng chống dịch và tới nay, Hải Phòng đã chi ngân sách 4 tỷ đồng để mua hóa chất, hỗ trợ các hộ có lợn bị tiêu huỷ.

img

Thủ tướng Chính phủ phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị trực tuyến triển khai các giải pháp cấp bách khống chế bệnh dịch tả lợn châu Phi với 63 tỉnh, thành phố, tổ chức ngày 4.3.  Ảnh: T.L

Ông Tùng cũng kiến nghị Chính phủ bổ sung hỗ trợ cho người chăn nuôi có lợn nái bị tiêu hủy, theo đó Hải Phòng đề xuất tăng gấp đôi hỗ trợ với đối tượng nuôi này để giúp người dân bớt khó khăn.

Đồng tình, ông Nguyễn Hồng Diên - Bí thư Tỉnh uỷ Thái Bình cho biết: "Chúng tôi chủ trương hỗ trợ tiêu huỷ lợn ở mức cao nhất là 38.000 đồng/kg. Và đến nay, các ổ dịch đã qua 25 ngày nhưng không có phát sinh mới, điều đó chứng tỏ nếu chúng ta quyết tâm cao trong công tác phòng chống dịch thì sẽ hạn chế tối đa sự lây lan của dịch bệnh".

Ông Diên kiến nghị, Chính phủ hỗ trợ kinh phí để xét nghiệm mẫu, phục vụ công tác kiểm soát giết mổ, kinh doanh thịt lợn vì Thái Bình là tỉnh có quy mô chăn nuôi lớn. Đồng thời, Chính phủ hỗ trợ kinh phí chống dịch tại các địa phương, để tìm kiếm nguồn hỗ trợ cho số lợn phải tiêu huỷ rất khó khăn.

Thực tế hiện nay cho thấy, do có sự chênh lệch giá lợn hơi giữa các tỉnh phía Nam và phía Bắc nên đã có số lượng lớn lợn hơi được vận chuyển vào các tỉnh phía Nam từ miền Bắc, miền Trung. Để tránh dịch lây lan theo chiều rộng, đại diện TP.HCM kiến nghị Chính phủ chỉ đạo quyết liệt công tác kiểm soát dịch bệnh trong quá trình luân chuyển lợn từ Bắc vào Nam tại các tuyến đường độc đạo, yết hầu như đèo Hải Vân, duyên hải miền Trung. Thời gian qua, các cơ quan chuyên môn của TP.HCM cũng đã xử lý 3 trường hợp vận chuyển lợn trái phép từ Thái Bình, Hưng Yên... vào các lò mổ.

Trước kiến nghị của các địa phương, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng, để công tác phòng chống dịch có hiệu quả, không thể chỉ một vài bộ, ngành, địa phương vào cuộc mà cần toàn bộ hệ thống chính trị phải vào cuộc quyết liệt. Yêu cầu các lãnh đạo tỉnh, thành phố lên kịch bản phòng chống dịch đồng bộ hiệu quả, chịu trách nhiệm ngăn chăn dịch, chủ động xây dựng nguồn lực, nhân lực, kinh phí để phòng chống dịch hiệu quả...

Về hỗ trợ kinh phí cho công tác phòng chống dịch bệnh, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị Bộ NNPTNT, Bộ Tài chính và các bộ liên quan soạn thảo văn bản chi tiết gửi Chính phủ phương án hỗ trợ, theo hướng tăng gấp 1,5 - 1,8 lần đối với lợn nái, hỗ trợ bằng 80% giá thị trường đối với lợn con, hỗ trợ đối với cả dịch bệnh tai xanh, dịch bệnh lở mồm long móng. Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan phân bổ kinh phí, đồng thời, các địa phương chủ động sử dụng kinh phí tại chỗ nhằm hỗ trợ kịp thời cho công tác phòng chống dịch và cho người chăn nuôi.