Nói ngay, tôi rất không thích những con số. Bởi sự lạnh lùng của nó qua những thống kê và phần nhiều trong đó biểu thị sự vô cảm. Vậy mà khi đọc những dòng tin về một nhóm người dân tự nguyện làm cái việc ghi chép những chuyến xe đi qua Trạm thu phí Ninh Lộc (BOT ở Khánh Hòa) để tập hợp lại trong một ngày có bao nhiêu chiếc xe đi qua trạm này, từ đó tính ra con số tiền BOT Ninh Lộc đã thu về két, tôi lại thấy đồng cảm, thích thú.
Không thích thú sao được về những con số đó. Chưa có thống kê chính thức, chỉ nghe nói trong một ngày theo ghi chép của người dân, số tiền thu về là hơn 1 tỷ đồng. Con số đó tất nhiên dao động ngày nhiều ngày ít, nhưng dự định của người dân giám sát trạm Ninh Lộc trong khoảng chục ngày sẽ cho ra con số trung bình một ngày đủ để chấp nhận. Từ con số thực ghi đó nhân lên với số ngày trạm BOT được hưởng theo thỏa thuận, hợp đồng với ngành GTVT sẽ tính ra doanh nghiệp hưởng lãi như thế nào. Thật quá đơn giản.
Người dân kiểm đếm xe qua trạm thu phí BOT Ninh Lộc.
Trạm BOT Ninh Lộc có số tiền đầu tư theo thông tin báo chí, lúc đầu công bố khoảng 1.437 tỷ đồng và dự kiến thu phí là 14 năm 5 tháng. Nhưng năm 2018, lãnh đạo Công ty CP Đầu tư BOT Đèo Cả, Khánh Hòa lại cho rằng đoạn BOT này đầu tư tới 2.644 tỷ và dự kiến thu phí 21 năm 8 tháng. Những thông tin này tôi chưa kiểm chứng về độ chính xác tuyệt đối, nhưng đó cũng là những con số tin cậy, dù có thể sai số nhưng không nhiều.
Phải như thanh minh thế, bởi những người dân tự phát đếm xe qua Trạm Ninh Lộc với con số hơn 1 tỷ ngày nhân lên với 21 năm 8 tháng dự kiến (hoặc đã ký hợp đồng) kia sẽ lớn gấp nhiều lần con số thực chi. Gần chục ngàn tỷ đồng là con số đáng phải suy ngẫm nếu Trạm Ninh Lộc hoạt động trong 21 năm 8 tháng. Một công việc kinh doanh lãi không gì có thể so sánh. Những đồng tiền chênh lệch này sẽ vào túi ai? Tất nhiên là vào doanh nghiệp làm BOT và những ai nữa có giời biết. Chỉ biết đó là những con số ma mị vô cảm và đó là lý do tôi không thích chúng.
Hiển nhiên sự việc này đã gây rúng động. Sự thích thú cho những người như tôi. Khó chịu cho không ít người trong hệ thống công quyền liên quan đến Trạm BOT này. Trạng thái lo lắng, thậm chí sợ hãi là không tránh khỏi cho những người trực tiếp làm BOT và duy trì nó. Dễ hiểu thôi, khi quyền lợi bị đụng chạm, những con số bí mật bị lôi ra ánh sáng thì hơn cả lo lắng, sợ hãi, họ phải tìm cách chống đỡ.
Nhóm khoảng 10 người dân thay phiên nhau ngồi ngay Trạm BOT Ninh Lộc để kiểm đếm lượt xe qua lại cả hai chiều.
Việc dỡ lều những người dân tập hợp làm cái việc đếm lượt xe kia được lý giải là họ làm trên đất công trái phép. Tốt thôi nếu phép nước được làm nghiêm. Trạm BOT dùng đủ mọi cách, từ chăng dây ngăn cản, biến không gian BOT Ninh Lộc là bất khả xâm phạm, đến công văn đề nghị công an vào cuộc. Ngành GTVT, trong đó đại diện Tổng cục Đường bộ đã có những phát biểu ngầm bảo vệ BOT Ninh Lộc và đe dọa những người dân đang gây khó khăn cho công việc của họ. Một công việc giờ đã trở thành mốt đầy béo bở và những trạm BOT nở như nấm sau mưa trên khắp các cung đường đất nước.
Không thể phủ nhận, loại trừ những trạm BOT. Nhờ có chúng mà đường sá chúng ta đi tốt hơn, an toàn hơn. Đất nước còn nghèo, cần phải huy động tiềm lực xã hội để làm BOT, nhưng dù là gì chăng nữa thì cuối cùng vẫn là ngân sách là đóng góp trực tiếp của người dân. BOT quá nhiều và không hợp lý đã trở thành gánh nặng, vật cản, trì hãm sự tiến lên và văn minh của xã hội. Thậm chí trạm BOT là điểm xung đột, mâu thuẫn giữa người tham gia giao thông với chủ đầu tư.
Trạm thu phí BOT Ninh Lộc.
Tôi đã nhiều lần xuyên Việt bằng các phương tiện. Riêng ô tô, mới chỉ năm ngoái số tiền bỏ ra để đi qua các trạm BOT là cả một vốc to vé chật cái ví xách tay. Tôi ghét những con số, nên mò mẫm mãi cũng không thể tính được cả hai chiều Hà Nội - Cà Mau là bao nhiêu tiền, dù đã lưu giữ số vé đó một cách cẩn thận. Có cung đường tiền nhiên liệu cho xe ít hơn nhiều tiền đi qua BOT. Đây là sự thật.
Cái cách những người dân trực đếm lượt xe qua BOT ở Ninh Lộc thật hay. Dẫu là tự phát nhưng đúng tinh thần "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra". Doanh nghiệp và các quan chức ngành giao thông lo lắng là phải. Thay vì minh bạch, họ cầu cứu chính quyền vào cuộc và bằng mọi cách để ngăn cản.
Tôi tin là chẳng cấp chính quyền nào lại làm việc tiếp tay cho họ để giải tán người dân khi họ không cản trở đến vận hành của BOT và họ không vi phạm pháp luật.
Những con số sẽ không còn vô cảm im lặng nằm trong những trái tim vô cảm tham lam mà sẽ cất lên tiếng nói. Tiếng nói của sự thật. Chỉ có những kẻ gian dối mới phải sợ hãi. Càng sợ hãi khi xu thế minh bạch tất cả các trạm BOT chắc chắn phải làm trong một tương lai không xa.