Sáng 5.3, UBND TP.HCM đã tổ chức họp sơ kết hai tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ tháng 3.2019.
Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch tả heo châu Phi (ASF), Phó Chủ tịch UBND TP.Hồ Chí Minh Lê Thanh Liêm yêu cầu các cơ quan, ban ngành liên quan như Sở Công Thương, Sở NNPTNT, Ban An toàn thực phẩm… kiểm soát chặt chẽ các nguồn nhập heo vào TP, kiểm tra chặt chẽ các nơi chăn nuôi, giết mổ trên địa bàn TP.
Theo ông Liêm, cả nước có 7 tỉnh xảy ra dịch tả lợn châu Phi và khi lợn bị nhiễm bệnh này, tỉ lệ chết lên tới 100%. TP.HCM tuyệt đối không để xảy ra dịch. Ảnh: H.V
“TP.HCM là địa bàn tiêu thụ heo lớn nhất cả nước, tuyệt đối không để xảy ra dịch tả heo châu Phi trên địa bàn TP. Phải kiểm soát làm sao để heo, lợn bệnh không lọt vào TP, nếu lọt vào thì sẽ lây lan”, ông Liêm chỉ đạo.
Theo Sở NNPTNT, vấn đề hiện nay rất nóng, cả nước đã có 202 hộ, 64 thôn, 33 xã… bị dính dịch, tiêu hủy 4.231 con heo. Trước tình hình này TP.HCM đã chủ động triển khai các chỉ thị của Chính phủ, Bộ NNPTNT và kế hoạch ứng phó.
“Mặc dù chúng ta chưa tiếp nhận nguồn heo phía Bắc, nhưng cũng giả định có nguồn heo từ phía Bắc để chủ động các giải pháp phòng chống tốt hơn”, ông Nguyễn Phước Trung, GĐ Sở NNPTNT TP.HCM cho biết.
Có ba nhóm giải pháp: Thứ nhất, tập trung kiểm soát tại các trạm đầu mối, trục giao thông liên thông từ TP ra các tỉnh; đồng thời tăng cường kiểm soát tại các cơ sở giết mổ, chợ đầu mối… đảm bảo nguồn nhập vào heo sạch; yêu cầu các quận, huyện tăng cường kiểm soát giết mổ trái phép.
“Chúng tôi phát hiện 300 con heo từ Đông Hưng, Thái Bình đưa về Vĩnh Long có đi qua TP và đang kiểm tra đề phòng họ đưa vào TP.HCM" - ông Trung thông tin.
Các biện pháp phòng chống dịch đang được tăng cường triển khai. Ảnh: T.L
Trước khi xảy ra dịch, Sở NNPTNT đã yêu cầu các lò mổ ngưng tiếp nhận nguồn heo từ phía Bắc, chỉ nhận từ khu vực miền Tây và Đông Nam bộ và các lò mổ cũng đã chấp hành.
Ông Trung cũng cho biết, hiện nay giá heo hơi ở phía Bắc đang giảm so với phía Nam nên có hiện tượng đưa heo từ phía Bắc vào Nam. "Nên phải ngăn chặn heo phát sinh vào TP, không thể chủ quan. Ngoài việc ngăn chặn thì các cơ sở cũng phải chủ động nguồn hàng, truy xuất nguồn gốc kỹ càng", ông Trung nói.
Còn theo đại diện Sở Công Thương TP.HCM, sở đã làm việc với nhiều nhà cung cấp thịt yêu cầu mua heo dự trữ để cung cấp cho thị trường TP khi có sự cố xảy ra, hiện mỗi ngày nhu cầu tiêu thụ heo của TP là 800 tấn.
Sở Công Thương cũng yêu cầu Tổng Công ty Nông Nghiệp Sài Gòn chuẩn bị con giống để khi có sự cố dịch heo bị tiêu hủy thì có nguồn để tái đàn. Bên cạnh đó, Sở cũng chủ động chuẩn bị các nguồn hàng khác tăng cường thêm như gà để thay thế nếu heo bị dịch phát tán.