Người Việt ở đâu, có Tết Nguyên đán ở đó
Nét chung nhất của người Việt, dù là ở Nam hay Bắc, dù là theo đạo Phật hay đạo Thiên chúa, khi sống ở nước ngoài, mỗi khi Tết đến đều đau đáu nhớ làng, nhớ xóm. Rồi thì bằng tất cả khả năng của mình, cố tạo ra không khí, hương vị Tết ở đất khách, quê người.
Một gia đình người Việt đang quây quần gói bánh chưng |
Hiện nay có khoảng 4 triệu người Việt Nam sống và làm việc, học tập tại 85 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Có những nơi người Việt sống quần cư, tạo thành làng, thành phố như ở Hoa Kỳ; cũng có nơi chỉ có vài gia đình người Việt như ở một số hòn đảo tại Thái Bình Dương, nhưng mỗi độ ở quê hương xuân về Tết đến là họ lại... chuẩn bị đón Tết.
Trước đây nhiều ông chủ người bản xứ rất khó chịu khi bỗng nhiên hàng loạt công nhân là người Việt xin nghỉ vào giữa tuần dù chẳng có sự kiện gì. Người Việt bảo với họ là xin nghỉ Tết, họ chẳng hiểu gì cả. Giải thích thêm là nghỉ Tết để đón năm mới. Năm mới gì mà lại rơi vào cuối tháng Giêng hay đầu tháng Hai?
Nói với họ đây là tết Nguyên đán của người Việt, tính theo âm lịch, nghĩa là cứ vào trăng tròn, trăng khuyết. Bây giờ thì các ông chủ đó biết rồi, họ sẵn sàng cho người Việt nghỉ Tết theo lịch trăng. Hơn nữa họ còn chuẩn bị quà để tặng, đến nhà chúc mừng để uống rượu, ăn món ăn Việt.
Tạo không khí Tết
Cộng đồng người Việt ở Nga tuy không đông bằng ở Mỹ, ở Pháp nhưng đây là một cộng đồng cực kỳ cố kết, quan hệ mật thiết với quê nhà. Vào dịp Tết ta ở Moscow thường là giữa mùa đông, nhiệt độ ở mức âm 20 độ, tuyết rải trắng khắp nơi. Tuy vậy, người Việt ở đây vẫn tạo ra được ngào ngạt không khí Tết.
Nụ cười rạng rỡ đón Tết |
Người ta rục rịch chuẩn bị trước Tết vài tuần, thậm chí là trước đó nhiều tháng. Tại sao vậy? Này nhé, ở tất cả các cửa hàng, siêu thị trong thành phố, mua gì cũng có nhưng không ở đâu có thể đào ra gà đang gáy. Mà Tết đến, là người Việt, ai cũng muốn có còn gà trống có đôi giò đẹp; tự mình cắt tiết, vặt lông để lên thờ cúng. Vì thế, trước Tết khoảng 4 – 5 tháng có một số người ra ngoại ô, thuê chuồng trại, mua gà con về chăm nuôi, sau đó mang gà sống về bán ở những trung tâm thương mại của người Việt.
Mỗi một gia đình người Việt, kể cả hộ độc thân, đều mua một con về cột ở chân giường chờ ngày làm thịt. Vì vậy, xin đừng ngạc nhiên khi ở giữa căn hộ sang trọng tại Moscow bỗng vang lên tiếng gà “Ò ó o...”. Đây là dấu hiệu sắp đến tết. Bọn trẻ con sinh ra ở thành phố (cả Việt, cả Nga), vào những dịp như thế này mới có cơ hội nhìn thấy con gà thực thụ, ngoài ra chúng chỉ nhìn thấy... thịt gà.
Trước ngày ông Công, ông táo lên trời có rất nhiều xe bồn chạy vào chạy ra ở khu người Việt. Đấy là những xe chở cá chép sống. Ở trời Tây, người Việt cũng thửa cá chép cho ba vợ chồng Táo quân... phi lên thiên đình. Khác với ở Việt Nam là thường mua ba con chép vừa hoặc nhỏ, cúng xong là thả ra ao, hồ, sông rạch; ở đây người ta mua những con cá chép nặng 3 - 4 cân, cúng xong là cho vào nồi, rồi lên đĩa. Mà ai đó có muốn phóng sinh thì cũng không thể được vì tất cả những nơi có nước đều đóng băng.
Đặc trưng nhất, đình đám nhất, “Tết nhất” vẫn là gói bánh chưng. Lá dong thường chở ở Việt Nam sang, còn nếp, đậu, thịt thì ở đâu cũng sẵn. Cái cơ bản là phải tìm được “thợ” gói bánh thật đẹp. Khi bánh chưng đã được vớt ra là lúc không khí Tết ùa về.
Chơi Tết
Người Việt ở nước ngoài, nhất là ở Mỹ, chuẩn bị Tết rất kỹ càng, rất hoành tráng, nhưng ăn thì không nhiều, chỉ chơi là chính. Tết năm đó, tôi được một gia đình người Việt ở thành phố Seattle bangWashington mời về nhà đón Tết. Đến nơi, chủ nhân chỉ mời uống trà, thăm mấy chậu kiểng rồi ra xe.
Một lúc sau, chúng tôi đến cửa một sòng bạc (casino), có người đón và đưa vào phòng lớn nhất, có sân khấu. Ở đây có thể ăn, uống nghe nhạc, nhảy.... Năm đó (Tết 2005), lần đầu tiên tôi được nghe ca sỹ Chế Linh, Thanh Tuyền hát trên sân khấu.
Lễ hội múa Lân |
Ở khắp nơi trên thế giới, nơi nào tập trung đông người Việt là có một ngôi chùa. Trong dịp Tết, gần như tất cả người Việt đều đi chùa. Ngôi chùa lớn nhất, linh thiêng nhất của người Việt có lẽ là chùa Viên Giác ở CHLB Đức. Trong dịp Tết, không chỉ người Việt sống ở Đức tới ngôi chùa này mà những người Việt sống ở Séc, Ba Lan, Nga, Pháp... cũng tới. Dường như không khí ở chùa khiến cho người ta cảm thấy gần gũi Việt Nam hơn.
Nguyên Đại sứ WTO Ngô Quang Xuân, một người hầu như chỉ đón Tết ở nước ngoài suốt cuộc đời công chức của mình nói: “Bây giờ người Việt ở khắp mọi nơi trên thế giới hầu như chẳng thiếu gì trong dịp Tết. Cái họ thiếu duy nhất là hồn quê. Vì vậy cái gì tạo nên được hồn quê đều quý giá...”
Với người Việt ở nước ngoài, cái quý giá nhất là được về Việt Nam vào dịp Tết. Những ai không về được đều tham gia những hoạt động gợi nhớ về quê. Bao đời nay đã vậy, từ nay về sau có lẽ vẫn thế. Điều này làm cho người ta giàu có lên về tâm hồn và trí tuệ.