Quyết tâm lập nghiệp và làm giàu từ đồng đất quê hương, nhiều người trẻ ở huyện Tân Hiệp, Kiên Giang đã thành công với hướng đi riêng của mình. Anh Lê Hoàng Hai (40 tuổi, ngụ ấp Thạnh Trúc, xã Thạnh Trị) và anh Phạm Đức Thắng (32 tuổi, ngụ ấp Kênh 8A, xã Thạnh Đông A) là hai trong số những điển hình như vậy.
Cựu vận động viên cờ vua mê hoa lan
Ít ai nghĩ một thanh niên từng là vận động viên cờ vua gặt hái nhiều giải thưởng cao tại các giải đấu trong và ngoài nước như anh Thắng lại có thêm nghề tay trái là trồng hoa lan. Cách đây 3 năm, trong khi mô hình trồng hoa lan còn chưa phổ biến ở Tân Hiệp, anh Thắng đã đầu tư một vườn lan quy mô 15 ngàn giò với số vốn hơn 300 triệu đồng.
Nhận thấy nhu cầu sử dụng hoa lan cắt cành khá cao, trong khi địa phương chưa ai đầu tư, anh Thắng đầu tư hệ thống giàn tưới phun tự động điều khiển từ xa, xây dựng nhà lưới, tự tay chăm sóc hàng chục ngàn giò lan dendro với đủ màu tím, vàng, trắng, hồng…
Trong khi nhiều người còn e dè với mô hình trồng hoa lan, thì anh Thắng đã đầu tư vườn lan bài bản. Ảnh: NQ.
Chưa có nhiều kinh nghiệm chăm sóc hoa lan khiến anh Thắng gặp không ít khó khăn những ngày đầu. Anh Thắng kể: “Ai cũng nói tôi mạo hiểm, còn tôi nghĩ đơn giản nếu trồng không thành công thì cũng để thỏa niềm đam mê và để thư giãn”.
Những ngày đầu khởi nghiệp, do nguồn nước tưới chưa đảm bảo, lại trồng bằng giá thể xơ dừa nên lan dễ bị nấm bệnh, dẫn đến chết hàng loạt. Cầu thị học hỏi những người có kinh nghiệm trong nghề, anh Thắng dần khắc phục được chuyện hoa lan bị bệnh, phát triển kém.
Anh Thắng (bên phải) chia sẻ kinh nghiệm trồng hoa lan. Ảnh: NQ.
Anh Thắng thường sử dụng nước kênh được xử lý qua hệ thống lắng lọc, rồi tưới cho hoa lan bằng hệ thống phun tự động. Tùy theo ngày nắng hay mưa, lượng nước và thời gian tưới sẽ được điều chỉnh phù hợp.
Hiện, một cành hoa lan được anh bán với giá 6.000-7.000 đồng cho các cửa hàng hoa tươi ở huyện. “Hoa lan mỗi năm cho 3-4 vụ bông nhờ chăm sóc đúng cách, nên đến thời điểm này tôi đã thu hồi vốn đầu tư ban đầu. Tôi đang nhập giống hoa lan từ Thái Lan để phục vụ nhu cầu bà con xa gần” - anh Thắng chia sẻ.
Trồng màu theo hướng mới
Sau 25 năm lập nghiệp tại quê nhà, từ 5 công ruộng, anh Lê Hoàng Hai hiện sở hữu 2ha ruộng và 5.000m2 đất trồng hoa màu, thu lợi nhuận hơn 250 triệu đồng/năm.
Anh Hai kể: “Hồi mới lập nghiệp cực lắm, tôi chuyển 2,5 công đất sang trồng dưa leo để có đồng ra đồng vô hàng ngày. Dưa leo lúc đó trồng trúng lắm nhưng lúc thu hoạch phải chở bằng xuồng qua tới Châu Thành mới bán được. Giờ có đường bê tông, thương lái vô cân tại ruộng nên khỏe hơn”.
Năm 1994, trong ấp chưa ai trồng dưa leo thì anh Hai đã thuộc lòng cách trồng và chăm sóc dưa leo. Hễ nghe ở đâu có ai làm rẫy giỏi anh liền đến học tập, rồi tích lũy thêm kiến thức từ báo, đài.
Đưa chúng tôi tham quan rẫy dưa leo, khổ qua đang kỳ cho trái, anh nói rành mạch từng loại bệnh thường gặp trên cây màu và chỉ luôn tên từng loại thuốc đặc trị. “Trồng dưa leo, khổ qua sợ nhất bệnh chết dây, nhưng nếu biết cách ngừa thì cũng trị được. Quan trọng là phải bắt đúng bệnh, trị đúng thuốc, đúng liều và đúng cách thì mới hiệu quả”, anh Hai nói.
Theo anh Hai, việc sử dụng màng phủ nông nghiệp trong trồng màu còn giúp hạn chế cỏ dại phát triển, giảm lượng nước tưới và hạn chế lượng phân bón bốc hơi khoảng 30%, giúp giảm chi phí và tăng lợi nhuận hơn so với sử dụng rơm phủ gốc cây màu.
Anh Hai chăm sóc rẫy dưa leo. Ảnh: NQ.
Hiện mỗi năm, với 5.000m2 đất trồng dưa leo và khổ qua, anh Hai làm 4 vụ, với giá bán bình quân 8.000 đồng/kg như hiện nay, trừ hết chi phí, anh thu lãi hơn 100 triệu đồng/năm.
Không chỉ sản xuất giỏi, anh còn tận tình hướng dẫn cho nhiều thanh niên khác trong ấp trồng màu, giúp tăng thu nhập trên đồng ruộng… Giữa năm 2018, Hợp tác xã trồng màu Thạnh Trúc được thành lập, anh Hai được bà con trong ấp tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Hợp tác xã.
Nói về những dự định trong tương lai, anh Hai bộc bạch: “Kinh nghiệm trồng màu của bà con trong ấp đã có, giờ chỉ mong huyện đầu tư một phần kinh phí để hợp tác xã đầu tư hệ thống tưới thấm, thích ứng biến đổi khí hậu. Chi phí đầu tư cho kỹ thuật này không cao, đã được nhiều nơi áp dụng thành công. Nếu được đầu tư, bà con sẽ đối ứng một phần kinh phí để sản phẩm làm ra từng bước chuyển sang sản phẩm sạch, an toàn và từng bước xây dựng thương hiệu”.