Cách làm hay ở vùng đất khó
Hoàng Su Phì là 1 trong 6 huyện nghèo của tỉnh Hà Giang được thụ hưởng các chính sách theo Nghị quyết 30a của Chính phủ. Tuy nhiên, trên mảnh đất còn nhiều khó khăn này đã xuất hiện những tấm gương làm kinh tế giỏi của đồng bào các dân tộc thiểu số. Điển hình trong số đó là gia đình anh Triệu Chòi Khiền, người dân tộc Dao ở thôn Chiến Thắng, xã Hồ Thầu.
Trước đây, cũng như bao gia đình đồng bào dân tộc thiểu số khác, gia đình anh Triệu Chòi Khiền thuộc diện hộ nghèo của xã Hồ Thầu. Sau nhiều năm suy nghĩ trăn trở muốn vươn lên thoát nghèo, từ năm 2007 anh Khiền đã cùng gia đình tập trung đầu tư phát triển 2 loại cây trồng mũi nhọn của huyện Hoàng Su Phì là cây chè và cây thảo quả.
Anh Triệu Chòi Khiền đang chăm sóc đàn trâu sinh sản của gia đình. ảnh Văn Phú
Anh Khiền nhớ lại, năm 2007, do nhà nghèo không có vốn nên muốn trồng cây, nuôi con gì cũng khó khăn. Cuộc sống của gia đình anh chắc vẫn bế tắc nếu không có một ngày, thông qua Tổ Tiết kiệm và vay vốn của thôn, anh Khiền được Ngân hàng CSXH của huyện Hoàng Su Phì cho vay 100 triệu đồng. Với số vốn được vay, anh Khiền đã đầu tư trồng gần 1ha chè và hơn 1,5ha cây thảo quả.
Anh Khiền nhớ lại: “Sau 4 năm (vào năm 2010), cây thảo quả cho thu hoạch lứa đầu tiên và nhà tôi bán được gần 40 triệu đồng. Cứ như vậy, năng suất thảo quả tăng dần qua các năm. Đến năm 2011, gia đình tôi đã có thu nhập khoảng 100 triệu đồng mỗi năm từ cây thảo quả. Đến cuối năm 2012, từ tiền bán thảo quả, tôi đã trả hết nợ ngân hàng và còn dư vốn để phát triển chăn nuôi. Đồng vốn Ngân hàng CSXH như là bệ đỡ giúp gia đình tôi mạnh dạn làm kinh tế, từ đó thu nhập tăng lên theo từng năm…”.
Mô hình kinh tế tổng hợp
Đồng vốn ưu đãi Ngân hàng CSXH không chỉ giúp gia đình anh Triệu Chòi Khiền thoát nghèo, tăng thu nhập mà
“Mô hình phát triển kinh tế tổng hợp của gia đình anh Triệu Chòi Khiền là một trong những mô hình phát huy, khai thác được tiềm năng, thế mạnh về khí hậu, đất đai của xã Hồ Thầu và của cả huyện Hoàng Su Phì…”. Ông Trương Công Định -Chủ tịch UBND xã Hồ Thầu |
còn giúp anh xây dựng mô hình kinh tế tổng hợp - trồng trọt gắn với chăn nuôi. Đây là cách làm hay, được nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Hồ Thầu học hỏi, làm theo.
Anh Khiền kể, bắt đầu từ năm 2014, từ nguồn thu nhập do cây thảo quả mang lại, anh đã đầu tư mua trâu giống, lợn và các loại gia cầm để mở rộng phát triển chăn nuôi. Theo thời gian, đàn trâu của gia đình anh Khiền tăng dần do anh thu mua thêm trâu giống về nuôi.
Khi trâu trưởng thành, được giá, anh Khiền bán cho các thương lái và tiếp tục mua trâu giống về nuôi. Thời điểm hiện nay, đàn trâu của gia đình anh Khiền có 9 con, trong đó có 3 con trâu cái sinh sản. Để chủ động nguồn thức ăn cho đàn trâu, anh Khiền đã đầu tư trồng 0,7ha cỏ. Từ năm 2016 đến nay, mỗi năm thu nhập từ chăn nuôi trâu, lợn và các loại gia cầm của gia đình anh Khiền khoảng 130 triệu đồng.
Diện tích trồng chè của gia đình Khiền bắt đầu cho thu hoạch từ năm 2016. Do trong những năm gần đây thảo quả được mùa, được giá nên mỗi năm gia đình thu nhập từ cây chè và thảo quả được khoảng 300 triệu đồng. Nếu tính cả phát triển chăn nuôi trâu, lợn và các loại gia cầm thì mỗi năm gia đình anh Khiền thu nhập được khoảng 430 triệu đồng, sau khi trừ chi phí còn lãi khoảng 350 triệu đồng.
Ngoài phát triển trồng chè và thảo quả kết hợp với chăn nuôi trâu, lợn và các loại gia cầm, gia đình anh Khiền còn trồng gần 1ha ngô và khoảng 1ha lúa để phục vụ tiêu dùng trong gia đình và để hỗ trợ nguồn thức ăn chăn nuôi.
Ông Trương Công Định - Chủ tịch UBND xã Hồ Thầu cho biết: Gia đình anh Triệu Chòi Khiền là một trong các hộ gia đình dân tộc thiểu số điển hình của xã vươn lên thoát nghèo và từng bước làm giàu tại địa phương. Trong thời gian tới chính quyền, đoàn thể xã Hồ Thầu sẽ vận động các hộ nông dân trong xã đến tham quan và học tập kinh nghiệm phát triển kinh tế hộ gia đình của gia đình anh Khiền.