Dân Việt

Giá heo hơi hôm nay 6/3: Dân mong hỗ trợ tiêu huỷ lợn bị dịch tả châu Phi tương xứng

Thu Hà 06/03/2019 07:40 GMT+7
Theo ghi nhận của PV Dân Việt, từ sau khi Bộ NN&PTNT công bố ổ dịch tả lợn châu Phi đầu tiên, giá lợn hơi tại các tỉnh miền Bắc liên tục giảm. Cụ thể, ở Sơn La, giá lợn hơi đang từ chỗ 49.000 – 50.000 đồng/kg đầu tháng 2/2018 giảm tới 6.000 – 7.000 đồng xuống còn 44.000 – 45.000 đồng/kg. Nhiều địa phương giá lợn hơi hôm nay chỉ còn từ 38.000 - 42.000 đồng/kg.

img

Do ảnh hưởng bởi thông tin dịch tả lợn châu Phi, giá lợn hơi tại các tỉnh miền Bắc đã giảm nhanh, hiện chỉ giao dịch từ 38.000 - 42.000 đồng/kg, một số tỉnh ở xa vùng dịch đạt 43.000 - 44.000 đồng/kg. Ảnh minh hoạ

Trao đổi với PV, anh Nguyễn Văn Luật - chủ trang trại lợn ở xã Hải Đông, huyện Hải Hậu, Nam Định cho biết: Tại tỉnh Nam Định dù chưa phát hiện ra ổ dịch tả lợn châu Phi nào, nhưng giá lợn hơi đã giảm đáng kể. Hiện giá lợn hơi tại địa phương chỉ đạt khoảng 40.000 – 41.000 đồng/kg.

"Thương lái vẫn thu mua lợn đều đặn với số lượng nhiều nhưng lại ra sức ép giá nông dân, giá hôm nay thấp hơn hôm qua" - anh Luật thông tin.

Tương tự, anh Nguyễn Công Bắc – một trong những chủ trang trại lợn có quy mô lớn nhất ở TP.Sơn La, tỉnh Sơn La cho biết: “Từ sau khi Bộ NNPTNT công bố dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện tại Việt Nam, giá lợn hơi liên tục giảm. Cụ thể, từ đầu tháng 2 đến nay, giá lợn hơi từ 49.000 – 50.000 đồng/kg giảm 6.000 – 7.000 đồng xuống còn 44.000 – 45.000 đồng/kg. Chỉ trong vòng 1 tháng, dịch tả lợn châu Phi lan ra tới 7 tỉnh, thành phố, thông tin này làm người chăn nuôi và cả người tiêu dùng hoang mang, thương lái “bắt thóp” được điều này nên ép giá thu mua lợn hơi, dù nguồn cung thịt lợn vẫn khan hiếm”.

Ngay khi nhận được thông tin dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện tại Việt Nam, cụ thể lúc đầu là 2 tỉnh Hưng Yên, Thái Bình (trong đó Thái Bình giáp gianh với tỉnh Nam Định), gia đình anh Nguyễn Văn Luật (Nam Định) đã chủ động thực hiện các biện pháp vệ sinh khử trùng và vệ sinh trang trại. Tuy nhiên, việc làm này chủ yếu để phòng chống, chứ không đảm bảo tránh hoàn toàn sự lây lan với điều kiện chăn nuôi và vận chuyển buôn bán như ở Việt Nam hiện nay.

Theo anh Luật, đợt dịch lở mồm long móng dù đã chủ động phòng chống dịch nhưng đàn lợn hơn 700 con của gia đình anh vẫn bị nhiễm bệnh, thiệt hại hơn 400 triệu đồng. Trở lại việc phòng chống dịch tả lợn Châu Phi, anh Luật nhận định, các cơ quan chức năng đã vào cuộc quyết liệt. Việc đưa ra cơ chế hỗ trợ, bồi thường thiệt hại cho đàn lợn bị tiêu hủy nếu phát hiện dịch là rất đúng đắn. Tuy nhiên thực hiện việc này cụ thể như thế nào thì những người chăn nuôi như anh Luật rất băn khoăn.

Nói về việc Thủ tướng đồng ý chủ trương hỗ trợ tối thiểu 80% giá thị trường cho đàn lợn bị tiêu hủy, anh Luật băn khoăn tính giá thị trường như thế nào? Cụ thể tại Nam Định hiện nay là 40.000 – 41.000 đồng/kg, nhưng tại Bắc Ninh, Sơn La lại là 44.000 – 45.000 đồng, còn trong phía Nam giá lợn hơi lại cao hơn, khoảng 46.000 – 47.000 đồng, thậm chí có nơi từ 52.000 - 53.000 đồng/kg. 

img

Sau khi có kết quả 9/10 mẫu dương tính với dịch tả lợn châu Phi, toàn bộ đàn lợn có trọng lượng khoảng 631kg của gia đình bà Đỗ Thị Duyên ở xã Lô Giang, huyện Đông Hưng (Thái Bình) được các cán bộ thú y tiến hành chích điện rồi đưa đi tiêu hủy. Ảnh: Trần Quang 

"Ví dụ, bây giờ giá lợn hơi tại Nam Định bình quân 40.000 đồng/kg thì nông dân Nam Định chỉ được hỗ trợ 32.000 đồng/kg, thấp hơn 6.000 đồng/kg so với mức bồi thường cũ (38.000 đồng). Với mức chênh lệch như vậy, nhiều người sẽ tìm cách bán chạy heo chứ không khai báo. Nguy cơ lây lan dịch bệnh từ phía người dân không chủ động hợp tác với cơ quan chức năng là rất cao. Theo tôi, cần có một mức giá chung trên thị trường để hỗ trợ, đảm bảo nông dân các vùng miền không bị thiệt" - anh Luật nói.

"Bên cạnh đó, chúng tôi cũng băn khoăn là bao lâu thì người nông dân sẽ nhận được tiền hỗ trợ và tiền hỗ trợ đấy có nhận được toàn bộ hay không? Như chúng tôi nếu bán lợn cho thương lái, cân lợn xong là nhận tiền "tươi" luôn. Tôi đề nghị, Chính phủ cần đưa ra thời gian cụ thể nhận tiền hỗ trợ là từ 7 – 10 ngày. Nếu không làm người dân an tâm, rất khó nói họ thành thực khai báo” – anh Luật bày tỏ.

Chia sẻ về kinh nghiệm phòng chống dịch bệnh, anh Nguyễn Công Bắc cho biết, do gia đình đều đặn xuất bán lợn hàng ngày nên đối với các phương tiện ra vào trại như xe tải bắt lợn, xe chuyển cám, xe 2 bánh,... đều được phun xịt sát trùng thật kỹ trước khi vào trại. Bên cạnh đó, hạn chế nhân viên ra khỏi trại khi không cần thiết. Hạn chế tối đa người ngoài vào trại, khi vào phải qua nhà sát trùng, tắm xà phòng và có thời gian cách ly ít nhất 24h mới được xuống trại. Chúng tôi cũng hạn chế nhập thực phẩm như thịt lợn, gà, cá… từ bên ngoài vào, thay vào đó là dùng lợn, gà, cá… mà nhà nuôi được.

Một biện pháp quan trọng nữa để phòng dịch tả lợn châu Phi, theo anh Bắc là cần tăng cường chăm sóc đàn lợn chu đáo, phòng bệnh bằng vaccine đối với các bệnh do virus như: Dịch tả, tai xanh (PRRS), lở mồm long móng…; tăng cường sức đề kháng cho lợn, có thể bổ sung thêm vitamin C, vitamin nhóm B…

“Thực hiện phòng chống dịch tốt nên năm 2018 vừa qua dịch lở mồm long móng bùng phát gia đình tôi vẫn không bị ảnh hưởng gì nên năm 2018 đã gỡ lại được 80% số nợ” – anh Bắc cho biết.