Dân Việt

Nhà giàu Trung Quốc “đốt tiền” chơi Tết

21/01/2012 08:33 GMT+7
Chưa bao giờ người giàu Trung Quốc đổ nhiều tiền ăn Tết và chơi Tết như bây giờ. Từ những bữa tiệc giao thừa tiền tỷ, những món quà khiến nhà giàu châu Âu “lác mắt” đến cả việc tung tiền tấn để đốt pháo lấy may...

Du lịch nước ngoài mua sắm

img
 

Đi Las Vegas, sang Hongkong, tới Toronto, nhiều đại gia Trung Quốc, nhất là các tay giàu xổi đã lựa chọn cách đón Tết năm mới âm lịch (người Trung Quốc gọi là Tết Xuân) bằng một kỳ nghỉ ở các nước ngoài kết hợp mua sắm các thứ đồ xa xỉ. Đối với nhiều đại gia, thứ âm thanh họ nghe nhiều nhất trong dịp Tết không phải là tiếng pháo, tiếng nổ của Sâm-panh hay tiếng vỗ tay, mà là tiếng... rào rào của máy đếm tiền!

Theo báo “Shanghai Daily”, dịp Tết Nhâm Thìn đã có tới 5.000 du khách Đại lục Trung Quốc tới mua sắm ở Trung tâm thương mại Macy’s (Las Vegas), trong đó 800 người đến từ Bắc Kinh và Quảng Châu. Đó là những người có mức thu nhập từ 200 ngàn đến 1 triệu tệ/năm, họ đến đây để “càn quét” các món đồ xa xỉ mà người có thu nhập bình thường chưa bao giờ dám nghĩ tới. Đây là một ví dụ điển hình về cơn sốt mua sắm khiến các khách phương Tây cũng phải tròn mắt, lè lưỡi khi chứng kiến.

Cũng vào dịp cơn sốt mua sắm dịp Tết của khách Trung Quốc đang xuất hiện tại các trung tâm thương mại phương Tây này, cơ quan dự báo thị trường quốc tế CLSA Asia-Pacific Markets có trụ sở ở Lion (Pháp) đã đưa ra dự báo: đến cuối năm 2020 thị trường bán lẻ hàng tiêu dùng cao cấp Trung Quốc có thể đạt tới 74 tỷ Euro (101 tỷ USD)/năm.

Cơn sốt mua sắm từ Trung Quốc tràn sang đã khiến các hãng bán lẻ quốc tế vui mừng khôn xiết. Các ông chủ cửa hàng thời trang xa xỉ ở London đang gây sức ép với chính phủ Anh, yêu cầu phải đơn giản hoá trình tự thủ tục cho phép du khách người Đại lục nhập cảnh Anh Quốc, nếu không họ sẽ chuyển sang các thị trường Paris hay Milano mất.

Theo tờ Financial Times, năm 2010, các du khách Trung Quốc tổng cộng tiêu 350 triệu Bảng ở đất Anh, nhưng nhiều chủ cửa hàng tin rằng nếu thủ tục nhập cảnh của khách Trung Quốc được đơn giản hoá thì doanh số bán hàng của họ còn cao gấp bội.

Cũng theo báo này, công ty Harrods thậm chí đã chuẩn bị tổ chức một đoàn du thuyết để gặp, đề đạt yêu cầu này với chính phủ. Harrods đã viện dẫn số liệu của tập đoàn bán lẻ Thuỵ Điển Global Blue Holdings AB cho thấy, trong hai năm tới, nếu các thủ tục phiền hà không được thay đổi thì các hãng bán lẻ hàng xa xỉ Anh sẽ bị thất thu tới 16,5 tỷ Bảng.

Với sự gia tăng của các đoàn khách du lịch mua sắm đến từ Trung Quốc, nền kinh tế Anh cũng bắt đầu coi trọng những đoàn cách với những thành viên trong túi trĩu tiền này. Tuy nhiên, sự coi trọng ấy nhiều khi cũng gây nên rắc rối. Đã xảy ra xô xát giữa những nhân viên hướng dẫn du lịch (tourguide) với du khách Trung Quốc do bị chèo kéo quá mức vào các điểm mua sắm đã được chọn sẵn.

Đốt tiền chơi pháo

img
 

Đối với nhiều người, đốt pháo ngày Tết là trò đốt tiền, nhưng đối với một số đại gia, tiền bạc không thành vấn đề thì việc mua pháo đốt là một thú chơi để người khác phải “lác mắt”...

Tết Tân Mão 2011, Công ty pháo hoa Thẩm Dương tung ra thị trường loại pháo hoa thăng thiên có tên là “Trăm hoa nở rộ”, giá 1000 tệ (1 tệ = 3.250 VNĐ), được rất nhiều người đặt mua, có người mua một lúc 20 dàn.

Bộ phận bán hàng của công ty cho biết, khách mua nhiều nhất là các chủ mỏ, chủ ngân hàng, người kinh doanh địa ốc... Bạo tay nhất là các chủ mỏ. Có ông rất chuộng các loại pháo hoa kiểu mới, độc đáo, chẳng ngần ngại chi tới 20, 30 vạn tệ cho thú chơi đốt tiền này.

Ông Châu Tân Tùng, chủ một xưởng luyện Đồng, Nhôm nói, để mừng làm ăn có lãi và muốn năm mới lãi nhiều hơn, năm nào ông cũng dành khoản tiền 13 vạn tệ (chú ý con số 13) mua pháo đốt để cho may mắn.

Số pháo trị giá 13 vạn tệ này ông đốt làm 2 lần: đêm Giao thừa đốt 2 vạn, ngày mở cửa đầu năm đốt 11 vạn. Riêng khoản tiền chi cho pháo đốt ngày khai trương đầu năm thì còn được chú ý “chỉn chu” hơn, ví dụ 118.888 tệ để cho “phát càng thêm phát” (!).

Hiệp hội Pháo Thẩm Dương thống kê thấy rằng, mỗi năm dân chúng ở đây đốt hết cỡ 100 triệu tệ tiền pháo, trong đó các đơn vị, tập thể chi khoảng 25 triệu, còn lại là các cá nhân. Điều lạ là bên cạnh các đơn vị kinh doanh ngân hàng, thông tin, mỏ ra, ngành y tế cũng đứng hàng “đại gia” về tiêu tiền mua pháo đốt.

Sắm hàng xa xỉ

Trả tiền lấy 10 đồng hồ đeo tay loại 10 vạn tệ, 30 thắt lưng giá 3 ngàn tệ/chiếc... Đó không phải là bán buôn mà là chuyện đại gia ở Thẩm Dương mua sắm... quà biếu Tết.

Trương Địch, nhà ở khu Doanh Khẩu sau khi xem kỹ chiếc đồng hồ hàng hiệu Thuỵ Sỹ giá 8 vạn tệ, đã quyết định rút tiền ra mua để đeo. Ông cho biết đây là một trong những món đồ ông sắm Tết. Những người đi mua hàng xa xỉ dịp Tết như Trương Địch rất đông. Họ mua hàng xa xỉ mà cứ như mua bắp cải vậy. Kéo cả nhà, đi thành đoàn, ào vào các trung tâm thương mại cao cấp để “quét” hàng trên các giá trưng bày.

Trong một trung tâm thương mại ở khu Thẩm Hà, phóng viên bắt gặp một đoàn khách mua sắm. Nghe giọng nói thì biết họ là người phương Nam. Nhân viên bán hàng cho biết những đoàn mua sắm kiểu này rất nhiều. Họ mua một lúc tới 10 vạn tệ tiền hàng.

Cô Vương, nhân viên bán hàng của cửa hàng chuyên doanh nhãn hiệu đồng hồ nổi tiếng của Thuỵ Sỹ kể: Tết Tân Mão cửa hàng bán hàng chạy chưa từng thấy. Loại đồng hồ giá 10 vạn tệ có người mua liền một lúc 10 chiếc. Ở cửa hàng đồ da bên cạnh, có vị mua liền 30 chiếc dây lưng loại 3 ngàn tệ.

Săn hàng ngoại ăn Tết

Hàng ngoại nhập cũng bán rất chạy trong dịp Tết năm ngoái. Ông Lưu, chủ một cửa hàng chuyên doanh thực phẩm nhập khẩu ở Tây Thuận cho biết: nhiều mặt hàng nhập khẩu bị cháy chợ. Ông cho biết, Tết là cơ hội tốt nhất trong năm để bán hàng ngoại nhập. Mỗi ngày cửa hàng ông bán được 2 – 3 vạn tệ, gấp 3-4 lần năm trước.

Tại một siêu thị thực phẩm ở Bắc Kinh, các mặt hàng bán chạy là bia Đức, Sushi Nhật, Cá trứng Na Uy, nước trái cây ép Italia và... Kẹo Dừa Việt Nam. Một bà khách hào hứng: “Tôi không ngờ hàng ngoại lại rẻ vậy, như Kẹo Dừa Việt Nam, ngon như thế mà còn rẻ hơn cả kẹo nội địa. Tôi mua nhiều để ăn, tiếp khách và làm quà biếu nữa”.

img
 

Những bữa tiệc giao thừa “khủng”

Mươi năm trở lại đây, người Trung Quốc sống ở các thành phố có thói quen đón giao thừa trong khách sạn. Vào ngày cuối năm, các gia đình đặt trước bữa tiệc tất niên, ăn uống và ngủ lại trong khách sạn, gọi là “Niên dạ phạn”, hoặc “Niên dạ yến”.

Tết Tân Mão 2011 vừa qua, cả Trung Quốc xôn xao bởi giá trọn gói “Niên dạ yến” của một khách sạn ở Tô Châu: 597.160 tệ (gần 2 tỷ VNĐ), sau khi chiết khấu, khách phải trả 388.888 tệ (1,28 tỷ VNĐ) - một con số kinh hoàng.

Được biết, thực đơn của bữa tiệc tất niên này có 10 món, trong đó bao gồm một số món “độc” như Vi cá mập nấu với sương ngưng trên cây Bạch Tùng, Tổ yến hầm với tổ ong rừng... Khách hàng được đưa đón bằng xe Hummer cao cấp, được thưởng thức tại chỗ các loại hình văn hóa như biểu diễn thêu tranh, bình đàn, ngâm thơ... được ngủ phòng hạng President.

Trước đó ít lâu, báo chí đưa tin một khách sạn 5 sao ở Hàng Châu đưa ra thực đơn “Niên dạ yến” 199 ngàn tệ/bàn, người ta đã lè lưỡi thất kinh, nay với thực đơn “khủng”: một bữa ăn giá tương đương một chiếc xế hộp sang trọng, bằng thu nhập trong 10 năm của một người Trung Quốc bình thường, nhiều người không dám tin đó là sự thực.

Báo chí Trung Quốc viết: “tiêu tiền kiểu này thì đến Bill Gates cũng phải kêu trời”. Vậy ai là những người “ném vàng qua cửa sổ” như vậy? Đó là những người giàu xổi như chủ mỏ, nhà đầu tư địa ốc, chủ thầu xây dựng những công trình lớn. Khách họ mời dự “niên dạ yến” dĩ nhiên là những người giúp họ phát tài sinh lợi, một bữa ăn có thể “biến người lạ thành quen, quen thành thân”, một bữa ăn thêm được người bạn, đem lại lợi ích lớn hơn nhiều số tiền bỏ ra.

Theo Sức khỏe