Đó là sự cương quyết của lãnh đạo tỉnh Quảng Nam tại Hội nghị sơ kết 3 năm (2016 - 2018) thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới tại Quảng Nam diễn ra ngày 6.3.
Bộ mặt nông thôn Quảng Nam ngày càng khởi sắc nhờ xây dựng NTM
Ông Lê Muộn - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Quảng Nam nhấn mạnh: “Đến nay, Quảng Nam đã có 100% số xã (204/204 xã) được phê duyệt quy hoạch xây dựng xã NTM.
Trong 3 năm (2016-2018), từ nguồn vốn của Chương trình NTM, kết hợp lồng ghép các nguồn vốn khác và vận động nguồn lực trong nhân dân, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội thiết yếu, nhất là ở thôn, xã tiếp tục được đầu tư xây dựng, vừa tạo điều kiện thuận lợi cho sinh hoạt của người dân, vừa tạo ra sự khang trang, từng bước hiện đại hóa nông thôn với tổng nguồn vốn được huy động 8.771.315 triệu đồng.
Nhiều mô hình, trang trại tiền tỷ mọc lên giúp cuộc sống người dân khấm khá hơn
Tính đến ngày 31.12.2018, bình quân chung số tiêu chí đạt chuẩn NTM của toàn tỉnh (204 xã) là 14,16 tiêu chí/xã (tăng 2,66 tiêu chí/xã so với năm 2015, tăng 1,05 tiêu chí so với năm 2017); có thêm 31 xã được công nhận đạt chuẩn NTM so với năm 2015, nâng tổng số xã đạt chuẩn NTM đến cuối năm 2018 là 85 xã; xây dựng Kế hoạch thực hiện huyện NTM vào năm 2020 đối với 2 huyện Phú Ninh và huyện Duy Xuyên; thành phố Tam Kỳ đang hoàn chỉnh hồ sơ, thủ tục liên quan để trình tỉnh thẩm tra và trình Trung ương thẩm định xét công nhận thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM năm 2018.
Về thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 31,58 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo còn 7,57%”.
Ông Lê Muộn cho biết thêm: Mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, Quảng Nam có 119 xã đạt chuẩn NTM (đạt 58,3% tổng số xã); Có trên 15 xã được công nhận đạt chuẩn “Xã NTM nâng cao”; Thu nhập bình quân đầu người tăng ít nhất 2 lần so với năm 2015 (đạt trên 42 triệu đồng/người/năm); Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân từ 2%/năm; Xây dựng đạt chuẩn trên 133 “Khu dân cư NTM kiểu mẫu”.
Xây dựng NTM nấu chạy theo thành tích sẽ bị xử lý, kiểm điểm cá nhân liên quan
Đặc biệt, triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình OCOP. Phấn đấu đến năm 2020, hoàn thiện/nâng cấp 130 sản phẩm thế mạnh trong nông nghiệp và dịch vụ du lịch nông thôn hiện có của các địa phương; phát triển mới 100 sản phẩm; phát triển mới và củng cố 60 tổ chức kinh tế sản xuất - kinh doanh sản phẩm OCOP và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tham gia Chương trình OCOP.
“Trường hợp các xã có biểu hiện cố tình đăng ký phấn đấu đạt chuẩn NTM sớm, để được hưởng suất hỗ trợ cao hơn, nhưng sau đó thấy khả năng không đạt chuẩn theo thời gian đã đăng ký, nên xin điều chỉnh lại lộ trình đạt chuẩn thì cũng xem xét kiểm điểm, xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan…” - ông Muộn nhấn mạnh.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Lê Trí Thanh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam nhấn mạnh: “Thời gian qua, tỉnh Quảng Nam đã quán triệt rõ quan điểm chỉ đạo, xây dựng NTM có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc. Ngoài ra, cần nâng cao mức độ đạt chuẩn tất cả các tiêu chí, dừng lại là rớt chuẩn; tỉnh định hướng, kiểm tra; huyện chỉ đạo, hướng dẫn; xã chủ động trong tổ chức thực hiện, phát huy cao nhất vai trò của cộng đồng, sự chủ động, tính sáng tạo của người dân.
Ông Lê Trí Thanh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại Hội nghị
Còn đối với vốn ngân sách nhà nước hỗ trợ trực tiếp thực hiện Chương trình NTM cần chuyển dần theo hướng hỗ trợ theo kết quả đầu ra, cần ưu tiên nguồn vốn để thực hiện phát triển sản xuất, giải quyết môi trường..., tạo sự chủ động cho cấp thôn thực hiện sẽ tạo ra kết quả lớn, hiệu quả cao.
Đẩy mạnh xây dựng khu dân cư NTM kiểu mẫu và thực hiện tiêu chí NTM cấp thôn chính là đưa người dân vào cuộc sâu hơn, gắn quyền lợi, trách nhiệm trong thực hiện mục tiêu xây dựng NTM, sẽ khơi dậy được sức mạnh nội sinh to lớn trong nhân dân, góp phần xây dựng xã NTM đạt kết quả thuyết phục, bền vững, hướng đến xây dựng “Làng quê đáng sống””.