Dân Việt

Câu cá ngừ đại dương: Ra khơi xuyên Tết

22/01/2012 16:21 GMT+7
(Dân Việt) - Trong khi những “đồng nghiệp” khác đang thu lưới, tính chuyện vui xuân cùng gia đình, hàng trăm ngư dân hành nghề câu cá ngừ đại dương và đánh bắt gần bờ ở Quảng Ngãi lại lên kế hoạch ra khơi xuyên Tết.

Những chuyến ra khơi “đặc biệt”

Vào một ngày gần cuối năm, khi chúng tôi tìm đến, đúng lúc ngư dân Trần Thanh Khiêm (32 tuổi), ở thôn Thạch By, xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ và 3 người bạn của mình đang bàn tính về việc chuẩn bị lương thảo cho chuyến ra khơi sắp đến.

img
Niềm vui của ngư dân sau phiên biển xuyên Tết.

“Làm nghề đi biển mấy chục năm rồi nhưng đây là lần đầu tiên mọi người quyết định ăn tết trên biển. Vì thế, chúng tôi phải chuẩn bị mọi thứ cho tươm tất hơn các phiên biển bình thường chứ” - anh Khiêm, cười.

Theo lời của các ngư dân trong nhóm, trước đây không mấy ai để ý và quan tâm đến chuyện ra khơi vào những ngày đặc biệt như thế này. Quanh năm suốt tháng đã lênh đênh ngoài biển, Tết còn ra khơi nữa thì thiệt cho bản thân và gia đình quá” - ngư dân Võ Thanh Nhật (30 tuổi), tâm sự.

Thế nhưng suy nghĩ đó đã bị “phá bỏ” khi qua 2 phiên biển xuyên Tết vừa rồi, nhiều ngư dân trong xã chỉ sau chưa đầy 2 tuần ra khơi, được chia lợi nhuận gần gấp 3 lần so với chuyến đánh bắt bình thường. Vì vậy sau khi bàn tính, dịp Tết năm nay cả nhóm quyết định “ăn tết” ngoài khơi.

Không chỉ ngư dân Phổ Thạnh, nhiều ngư dân khác ở trong tỉnh, như: Nghĩa An (huyện Tư Nghĩa) Đức Lợi (huyện Mộ Đức) Tịnh Khê (huyện Sơn Tịnh)... cũng rục rịch tính chuyện đón giao thừa ngoài biển.

Cựu lão ngư Trần Văn Hậu (62 tuổi), ở xã Nghĩa An, huyện Tư Nghĩa, cho biết: Vài ba năm trở lại đây, nguồn hải sản ngày một cạn, còn lượng phương tiện thì ngày một đông nên thu nhập của ngư dân giảm mạnh. Vì thế nhiều người đã chọn ra khơi đánh bắt vào thời điểm diễn ra Tết cổ truyền.

Nguyên do là thời gian trên, hầu hết số các tàu thuyền ở các địa phương đều nghỉ hoạt động, giá tôm cá cũng tăng cao gấp nhiều lần so với bình thường. Bên cạnh đó thời tiết cũng thuận lợi hơn.

Anh Lê Văn Tuấn (34 tuổi), ngư dân ở xã Tịnh Kỳ, huyện Sơn Tịnh cho biết: Nơi khác không biết, chứ ở đây vào năm ngoái ước khoảng hơn 20 tàu ăn tết ngoài biển. Chỉ sau khoảng 5 ngày ra khơi, bình quân kiếm được gần 4 triệu đồng/người. Với con số hấp dẫn như vậy nên năm nay, con số này chắc chắn phải tăng.

Tết này bố không có ở nhà

Trong ngôi nhà khá khang trang nằm ở trung tâm xã Phổ Thạnh, chị Nguyễn Thị Như (34 tuổi), tâm sự: Đã 2 năm nay, 3 mẹ con ở nhà tự đón tết với nhau. Nhìn nhiều gia đình khác sum vầy đủ vợ đủ chồng cũng hơi buồn, nhưng biết sao được, vì cuộc sống mà thôi. Năm rồi, nhờ phiên biển xuyên Tết “vô mánh” nên anh Minh, chồng chị được chia gần 17 triệu đồng, gần gấp đôi so với phiên bình thường.

img
Mẹ con chị Liên, vợ của ngư dân Võ Văn Máng, ở xã Phổ Thạnh đang chuẩn bị cho ngày tết khi chồng vắng nhà.

Hám lợi lớn như vậy, dịp Tết năm nay anh Minh và 10 anh em lại tiếp tục ra khơi. Bố không có nhà, mẹ phải bận bịu sắm sửa, chuẩn bị cho mấy ngày Tết, nên ngoài ở nhà trông em, cu Bình (10 tuổi), con trai của anh Minh, còn giúp mẹ lau chùi bàn ghế.

Năm rồi, nhờ phiên biển xuyên Tết “vô mánh” nên anh Minh, chồng chị được chia gần 17 triệu đồng, gần gấp đôi so với phiên bình thường. Hám lợi lớn như vậy, dịp Tết năm nay anh Minh và 10 anh em lại tiếp tục ra khơi.

“Cứ sau tết, ba về là dẫn cả nhà đi ra thành phố Quảng Ngãi để thăm dì và đi chơi nhiều chỗ vui lắm”- cu Bình khoe.

Nói về chuyện đón giao thừa ngoài biển, ngư dân Bùi Thiên (40 tuổi), ở thị trấn Tam Quan, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định, người đã 4 lần ăn tết ngoài biển cho biết: Với những chuyến ra khơi đặc biệt này thì chủ tàu và ngư dân cùng đi chuẩn bị gần như đủ cả mọi thứ: Bánh, trái cây, thịt, chả...

Khi giao thừa đến, mọi người trên tàu đều nghỉ tay rồi bày biện bánh trái ra cúng. Sau đó cùng quây quần trên khoang đón năm mới và chúc nhau những lời may mắn, tốt đẹp. Và dĩ nhiên cũng không thiếu khoản bia rượu. Thế nhưng mỗi người chỉ được 1-2 lon để còn sức kéo lưới.

Một năm mới lại đến, xin tạm khép bài viết bằng lời cầu chúc gửi đến những ngư dân đang khai thác ngoài biển khơi có một chuyến đi “vẹn toàn và như ý”.